Bảo vệ trẻ bằng cách tiêm chủng đầy đủ

QUỐC HƯNG 19/07/2017 09:15

Hàng triệu trẻ em trên thế giới đang đối mặt với vấn đề sức khỏe, thậm chí tử vong khi không được tiếp cận với hệ thống tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Tiêm phòng vắc xin cho trẻ, một trong những mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Ảnh: womenofchina
Tiêm phòng vắc xin cho trẻ, một trong những mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Ảnh: womenofchina

Hằng năm, Liên hiệp quốc tổ chức “Tuần lễ tiêm chủng thế giới” nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng vắc xin để bảo vệ người dân ở mọi lứa tuổi, nhất là đối tượng trẻ em, phòng chống bệnh tật, một biện pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Dù vậy, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), trong 13 triệu trẻ em (từ 0 - 5 tuổi), cứ 10 trẻ thì có một trường hợp không được tiếp cận với bất kỳ dịch vụ tiêm phòng vắc xin nào, khiến việc bảo vệ trẻ em khỏi các căn bệnh có nguy cơ tử vong cao như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván... càng khó khăn. WHO ước tính, việc tiêm phòng cho trẻ em có thể ngăn chặn được 2 - 3 triệu ca tử vong hàng năm và bảo vệ các em khỏi bệnh tật.

WHO cho biết, nhiều loại vắc xin mới đã chứng minh hiệu quả trong việc phòng ngừa các bệnh tiêu chảy, viêm phổi, bệnh cúm, viêm màng não, ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Ví như bệnh đậu mùa, đã từng giết chết 2 triệu người mỗi năm cho tới cuối những năm 1960, đã bị quét sạch vào năm 1979, sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Hay việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng. Nhờ vào thành tựu y học, chiến dịch tiêm phòng vắc xin hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới đã bài trừ được nhiều căn bệnh gây chết người, giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em trên toàn cầu. Điển hình vào năm 2015, Nigeria tuyên bố xóa bỏ sự truyền nhiễm của bệnh bại liệt, một bước tiến mới trong việc xóa bỏ một loại bệnh làm tê liệt cuộc sống của trẻ em tại quốc gia châu Phi này. Giờ đây, trẻ em nhiều nơi trên thế giới được tiếp cận hệ thống tiêm phòng miễn phí một số vắc xin hoặc với chi phí thấp.

WHO khẳng định, việc tiêm chủng thường xuyên, không chậm trễ là một yếu tố trong gói chăm sóc sức khỏe ban đầu và bảo hiểm sức khỏe toàn diện cho trẻ. Điều này tạo cơ hội cho trẻ em được chăm sóc sức khỏe ngay từ đầu đời và giúp cho trẻ em cơ hội sống khỏe mạnh. Thế nhưng, tỷ lệ trẻ em không được tiêm phòng vắc xin vẫn ở mức cao, tại nhiều quốc gia tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt 80%, chủ yếu tại các quốc gia nghèo và đang phát triển, các vùng xung đột, khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là điều kiện thiếu tiếp cận với các dịch vụ y tế, số lượng nhân viên y tế còn hạn chế, không đủ vắc xin, nhận thức chưa đúng đắn của không ít bậc phụ huynh liên quan đến chất lượng vắc xin, điều kiện bảo quản vắc xin và có thể là tác dụng phụ sau khi tiêm… Jean-Marie Okwo-Bele, người phụ trách lĩnh vực vắc xin của WHO cho rằng, nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu miễn dịch bao phủ toàn dân thì các dịch vụ y tế phải đến được với mọi người. Vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cho nhân loại, một biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ trẻ bằng cách tiêm chủng đầy đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO