Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được triển khai ở các xã điểm nông thôn mới thường thuận lợi hơn những nơi khác, nhưng thực tế công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Bỏ mô hình
Xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) là xã một trong 11 xã điểm nông thôn mới (NTM) của toàn quốc, vì thế công tác đào tạo nghề cho LĐNT gặp nhiều thuận lợi. Trong thời gian đầu của đề án đào tạo nghề, tỉnh đã chọn triển khai ở những xã điểm NTM trước, nên Tam Phước được chọn là mô hình điểm đào tạo nghề nông nghiệp của tỉnh. Tam Phước đã có 618 LĐNT tham gia học các nghề như may công nghiệp, vận hành sửa chữa máy nông cụ, nuôi cá, gà, trồng rau sạch, trồng lúa năng suất cao, mây tre đan, thú y.
Nghề mây tre đan có giá trị ngày công quá thấp khiến xã viên trong tổ hợp tác của Duy Phước khó gắn bó với nghề. Ảnh: D.L |
Quá trình dạy và học, cũng như ứng dụng vào thực tế ở Tam Phước được đánh giá khá hiệu quả trong thời gian đầu. Bà Trần Thị Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết, người dân sau học nghề đã áp dụng hiệu quả trên những cánh đồng rau quả, đặc biệt là dưa hấu, nâng thương hiệu dưa Kỳ Lý thành sản phẩm đặc trưng, có tiếng. Hay nghề trồng lúa năng suất cao được ứng dụng trên những cánh đồng mẫu, mang lại năng suất tăng vượt trội. Từ đó, giá trị thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/ha, tăng 25 triệu đồng/ha so với trước khi người dân áp dụng kiến thức; thu nhập bình quân đầu người ở Tam Phước tăng lên 20 triệu đồng/người/năm (trước chỉ 8 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo của Tam Phước chỉ còn 4,37%. Tỷ lệ LĐNT qua đào tạo nghề đạt 35,1%... Dù vậy, bà Phương cho biết thêm vấn đề đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, 60 người học nghề mây tre đan đã thực sự bỏ nghề, chuyển sang làm những nghề khác vì đầu ra sản phẩm không có, hoặc có thì ngày công có giá trị quá thấp nên người dân bỏ nghề.
Tìm hiểu tại những mô hình nghề nông nghiệp đã được triển khai ở các hộ như mô hình nuôi cá nước ngọt, nuôi gà an toàn sinh học, chúng tôi nhận thấy nhiều mô hình đã “mất” theo thời gian. Mô hình nuôi cá nước ngọt có 30 người theo học, ban đầu có vài người ứng dụng ở ao nuôi rất hiệu quả. Ông Dương Đình Tuyên (thôn Phú Lai, xã Tam Phước) nói: “Ban đầu mô hình làm rất tốt, nhưng sau đó có trên 10 ao nuôi cá thì lại phát sinh tình trạng không có nơi tiêu thụ cá. Những người khác thấy thế không dám nuôi nữa. Người nuôi rồi thì sau 1 - 2 vụ cá là bỏ ao, nuôi ít lại chỉ đủ dùng trong gia đình hoặc bán quanh nhà cho vui”. Hay như mô hình nuôi gà an toàn sinh học, người dân học xong hăng hái làm mô hình, 30 người học thì có đến 18 người xây chuồng trại nuôi gà theo hướng liên kết hoặc tự làm. Gà nhanh lớn, không xảy ra dịch bệnh, nhưng đến lúc xuất bán thì bị ép giá vì gà quá nhiều. Bà Dương Thị Cúc (thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước) cho hay: “Chúng tôi học xong ứng dụng kiến thức hiệu quả, liên kết xây dựng mô hình nuôi trên 500 đến hơn 1.000 con gà, nên gà phát triển tốt. Nhưng khổ nỗi không thể bán được gà, hoặc có bán thì giá thấp vì gà nhiều nên tư thương ép giá. Đầu ra bấp bênh nên chúng tôi sợ lỗ, bỏ mô hình”.
Cần kế hoạch dài hơi
Không là xã điểm NTM của toàn quốc, nhưng là xã điểm NTM của huyện Duy Xuyên nên xã Duy Phước được chọn là xã điểm triển khai mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp của tỉnh. Toàn xã có 323 LĐNT đã tham gia các khóa đào tạo nghề, trong đó chủ yếu là nghề phi nông nghiệp như mây tre đan, mộc dân dụng, may công nghiệp, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn... Theo đánh giá của UBND xã Duy Phước, 50% số người học nghề có việc làm mới, số còn lại tự tạo việc làm và nâng cao thu nhập từ nghề đã học. Bà Huỳnh Thị Hường - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết: “Việc làm mới phổ biến ở các nghề may công nghiệp, mộc dân dụng. Nghề dịch vụ nhà hàng, nấu ăn có 14/30 người dân tự tạo việc làm bằng cách mở dịch vụ nấu đám cưới, phục vụ lễ tiệc. Nghề may công nghiệp thì phần lớn được Xí nghiệp May Ánh Sáng nhận vào làm, người không đi làm thì tự may đồ ở nhà. Nghề mây tre đan đã thành lập được tổ hợp tác có 25 chị tham gia, nhận hàng về nhà gia công. Nghề nông nghiệp thì người dân chủ yếu tự tạo việc làm, nâng cao năng suất rau màu”. Nhờ đó, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ở Duy Phước giảm từ 49,98% (năm 2010) xuống còn 41,93% (năm 2012), nâng tỷ lệ lao động trong công nghiệp - xây dựng từ 36,06% lên 41,42%, và trong thương mại - dịch vụ tăng từ 13,96% lên 16,65%.
Dù hiệu quả là vậy nhưng công tác đào tạo nghề ở Duy Phước cũng vấp phải nhiều nỗi lo từ người dân và cả chính quyền địa phương. Bà Hứa Thị Liễu - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất mây tre đan, cho biết: “Chúng tôi nhận gia công một sản phẩm mây tre mất bình quân 1,5 ngày công, nhưng tiền công chỉ được 40 ngàn đồng. Nếu không làm những việc khác mà chỉ chăm chú làm nghề này thì một tháng chỉ được 600 ngàn đồng, đủ chuẩn thoát nghèo nhưng không thể khá lên được. Đó là hàng có thường xuyên, nếu không có hàng thì không có thu nhập”. Bà Liễu cho biết, ban đầu tổ hợp tác nhận hàng của Công ty TNHH Chế biến mây - tre - gỗ Nam Phước về gia công, nhưng công ty này liên tục nợ tiền công nên chị em bỏ nghề. Đến nay công ty này vẫn còn nợ tiền công của chị em hơn 8 triệu đồng. Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên (đơn vị đào tạo nghề này) đã chủ động liên hệ với Hợp tác xã Mây tre xuất khẩu Bảo Trung (Đà Nẵng), nhận hàng về cho tổ hợp tác gia công, nhờ đó mà nghề này mới tồn tại được, nhưng ngày công vẫn còn quá thấp khiến chị em không yên tâm nếu chỉ làm một nghề. Hay như Chi hội chăn nuôi gà của Duy Phước thành lập có 17 người tham gia sau học nghề, nhưng bây giờ chẳng còn ai làm nghề nuôi gà vì bán không được, nên chi hội “chết” theo.
Bà Huỳnh Thị Hường cho rằng nếu muốn người dân gắn bó với nghề, cần có một kế hoạch dài hơi. Đề án ở cấp tỉnh, trung ương cần tính đến hướng hỗ trợ cho người dân và các tổ hợp tác tồn tại, bằng cách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất hoặc phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân.
DIỄM LỆ