Chính sách cử tuyển là sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tạo nguồn cán bộ miền núi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cần giải quyết.
Nhiều người thất nghiệp
Thực hiện Nghị định 134 (ngày 14.11.2006) của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, từ năm 2007 đến nay, Quảng Nam đã cử 1.372 người theo học, trong đó phần lớn là học ĐH với 1.087 người. Khác với từ năm 2006 trở về trước, cử tuyển theo chỉ tiêu “cứng” được Bộ GD-ĐT giao, kể từ năm 2007, chỉ tiêu cử tuyển “mềm” xuất phát từ nhu cầu về nguồn nhân lực của các huyện miền núi nên số lượng, ngành nghề đào tạo có sự thay đổi theo từng năm và từng địa phương. Vì vậy, dù 14 địa phương thuộc vùng được cử tuyển nhưng chỉ có 12 huyện cử người học cử tuyển, trong đó nhiều nhất là huyện Nam Trà My 280 người, Tây Giang 241, Bắc Trà My 202, Nam Giang 189, Phước Sơn 161. Với đối tượng chính là người dân tộc thiểu số, do đó Quảng Nam có tổng cộng 16 thành phần dân tộc được cử tuyển và người Cơ Tu chiếm đông nhất với tỷ lệ 34,4%, tiếp theo là Ca Dong 19,5%.
Chính sách cử tuyển giúp tạo nguồn cán bộ chất lượng cao cho miền núi. Ảnh: X.P |
Với mục tiêu tạo nguồn cán bộ cho miền núi, đào tạo cử tuyển trong thời gian qua đã thật sự góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Báo cáo của Sở Nội vụ cho biết, trong 8 năm qua, toàn tỉnh có 408 người tốt nghiệp, trong đó 216 ĐH, 171 CĐ và 21 TC. Theo đó, đến nay 264 người được các địa phương, đơn vị tiếp nhận, bố trí công tác (124 ĐH, 126 CĐ, 14 TC). Qua đánh giá của Sở Nội vụ, các địa phương thực hiện khá tốt công tác tiếp nhận, phân công công tác đối với học sinh, sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường như Đông Giang, Phước Sơn, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My. Nhiều sinh viên cử tuyển sau khi được tuyển dụng đã đáp ứng yêu cầu công tác, trở thành cán bộ chủ chốt của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, thực tế đào tạo cử tuyển trong thời gian qua cho thấy, một thực trạng đáng báo động là hiện nay nhiều người sau khi tốt nghiệp rồi… thất nghiệp do không được địa phương tiếp nhận, bố trí công tác. Trong số 408 người tốt nghiệp tính đến thời điểm này đã có đến 35% với 144 người hiện vẫn chưa có việc làm (92 ĐH, 45 CĐ, 7 TC). Đây là một tỷ lệ khá lớn, gây lãng phí tiền bạc, công sức của người học và tạo tâm lý không tốt.
Tìm lời giải
Bắc Trà My là một trong những huyện cử tuyển nhiều nhất tỉnh với 206 người và thời gian qua đã có 54 học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Rất quan tâm đến công tác tuyển dụng nên chỉ trong thời gian ngắn huyện đã tiếp nhận, bố trí công tác cho 37 người vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị của huyện phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo. Trong khi chờ chỉ tiêu biên chế, huyện bố trí 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí của huyện để hợp đồng. Dù vậy, đến nay vẫn còn 16 người chưa được bố trí công tác (riêng 1 trường hợp tốt nghiệp CĐ có nguyện vọng đi học tiếp). Tương tự, dù rất nỗ lực tuyển dụng, phân công công tác cho 31 người tốt nghiệp cử tuyển nhưng huyện Nam Giang hiện nay vẫn còn “đau đầu” trước việc thất nghiệp của 67 người (34 ĐH và 33 CĐ). Hay huyện Tây Giang cũng vậy, mặc dù đã tuyển dụng 47 người nhưng hiện tại con số chưa được bố trí công tác cũng còn khá nhiều với 20 người. Một số huyện khác như Phước Sơn, Nam Trà My cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phân công công tác cho người học cử tuyển ra trường. Theo lý giải của các địa phương, lý do dẫn đến việc nhiều người sau khi tốt nghiệp không được tiếp phận là vì một số em tự ý chuyển đổi chuyên ngành học không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của huyện dẫn đến việc không thể bố trí công tác. Một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém được nhiều địa phương “kêu” là vì huyện không còn chỉ tiêu biên chế. Do đó, phần lớn các huyện đề nghị tỉnh bổ sung chỉ tiêu biên chế cho địa phương hàng năm để tuyển dụng sinh viên cử tuyển. Đồng thời các cơ sở giáo dục, người học không tự ý chuyển đổi ngành nghề đào tạo dẫn đến không phù hợp ảnh hương đến công tác tuyển dụng, bố trí sau này.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký nhu cầu, chỉ tiêu đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương, hàng năm gặp mặt để nắm tình hình học tập, động viên học sinh, sinh viên; đồng thời sử dụng, phân công, bố trí công tác cho người học đúng theo chỉ tiêu đã đề nghị UBND tỉnh quyết định cử đi học. Trong khi đó, ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, các huyện miền núi tuyển chọn người học cử tuyển để tạo nguồn cán bộ cấp xã, bố trí biên chế dự phòng để tiếp nhận người học cử tuyển của địa phương mình. Đồng thời rà soát lại số người đã tốt nghiệp cũng như số sẽ tốt nghiệp trong thời gian tới để có kế hoạch bố trí công tác và tạm dừng việc cử tuyển đối với các ngành nghề chưa thật sự cần thiết. Ở một góc nhìn khác, theo ông Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam, chính chất lượng đầu vào thấp khiến cho tình trạng bỏ học hiện nay khá cao (gần 15%) và nhiều em chuyển đổi ngành học. Nhiều em học lực THPT thuộc loại trung bình nên khi vào ĐH học không kịp chương trình, nếu không chấp nhận cho chuyển đổi ngành học sẽ khiến cho các em bỏ về. Do đó, nên chăng chỉ cử tuyển những em học lực khá theo học ĐH.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín, từ năm 2007 đến nay Quảng Nam đã chi hơn 66 tỷ đồng cho đào tạo cử tuyển, trong đó riêng 2 năm gần đây 2013 và 2014 gần 30 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ mặc dù tỉnh còn nghèo nhưng rất quan tâm đến công tác đào tạo cử tuyển, góp phần tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương miền núi, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; việc bố trí phân công công tác đối với người học cử tuyển ra trường gặp nhiều khó khăn, gây lãng phí lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, việc xác định chỉ tiêu cử tuyển phải được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của địa phương và địa phương phải có trách nhiệm sử dụng, bố trí công tác cho người cử tuyển. Đồng thời các sở, ban, ngành của tỉnh cần tăng cường trách nhiệm đối với công tác cử tuyển trong việc xây dựng nhu cầu, chỉ tiêu, phân công công tác.
XUÂN PHÚ