Những ngày qua, trao đổi với báo chí, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với các tiêu chuẩn của đại biểu đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, trước những đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân, của công cuộc đổi mới và hội nhập, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV cần phải lựa chọn được những đại biểu của dân có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh - đơn vị Quảng Nam tham gia chất vấn tại diễn đàn Quốc hội khóa XIII. Ảnh: QHQN |
Sàng lọc qua thực tiễn
Luật Tổ chức Quốc hội quy định các tiêu chuẩn ĐBQH, trong đó nêu rõ, người đại biểu của dân phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và được nhân dân tín nhiệm. Trước hết, việc lựa chọn, giới thiệu hiệp thương ứng cử ĐBQH khóa XIV phải căn cứ trên các tiêu chuẩn đã được quy định trong luật. Bên cạnh đó, Quốc hội là cơ quan dân cử, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân; trước những yêu cầu ngày càng cao nhân dân với người đại biểu của mình, ĐBQH phải là người thực sự có bản lĩnh, dám nói tiếng nói của người dân, thể hiện chính kiến của mình và không ngại va chạm. Theo ông Bùi Văn Xuyền - ĐBQH tỉnh Thái Bình, hiện nay yêu cầu của Hiến pháp mới, của công cuộc đổi mới, của quyền dân chủ, bảo vệ quyền dân chủ của người dân là rất quan trọng. Cho nên đại biểu cũng phải có tầm hiểu biết về mặt luật pháp, chính sách, nhất là Hiến pháp hiện nay, để trong bất cứ công việc gì cũng phải xoay quanh đó nhằm bảo vệ quy định của Hiến pháp, tránh vi hiến, xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của công dân.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ĐBQH các khóa VIII, IX, X cho rằng, bất cứ cá nhân nào khi được giới thiệu ra ứng cử cũng phải được sàng lọc qua thực tiễn và phải xem xét, đánh giá cá nhân đó đã có đóng góp, cống hiến gì cho nước, cho dân. Đồng thời để củng cố và tăng cường niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân vào ĐBQH, người đại biểu của dân phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ đến cùng vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. “Nếu người ứng cử ĐBQH là cán bộ Đảng, Nhà nước thì càng phải thể hiện ý chí của một người đại diện cho nhân dân, có ý chí, có khí phách, đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, của Tổ quốc. Tóm lại, là người đại diện cho dân thì phải trong sạch, bên cạnh đó phải có khí phách và vì nhân dân” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
Thẩm tra công bằng
Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến cho rằng để cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND sắp tới có thể lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu tham gia vào Quốc hội, ngay trong quá trình hiệp thương, lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử, vấn đề cần được quan tâm hàng đầu là chất lượng ứng cử viên. Quốc hội khóa XIII có 2 ĐBQH bãi nhiệm, trong đó 1 đại biểu có hành vi vi phạm pháp luật và 1 đại biểu bị bãi nhiệm vì thiếu trung thực trong kê khai ký lịch khi tham gia ứng cử vào Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, 2 đại biểu bị bãi nhiệm đều là đại biểu tự ứng cử. Rút kinh nghiệm từ những vụ việc này, để đảm bảo chất lượng các ứng cử viên, các quy trình thẩm tra, xét duyệt hồ sơ phải chặt chẽ hơn; lấy ý kiến nhân dân phải đầy đủ, kỹ càng, quy trình phải công bằng cũng giống như quy trình của các đại biểu được tổ chức giới thiệu.
Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, lâu nay, cái khó của các cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu về năng lực, chất lượng đại biểu và yêu cầu đảm bảo cơ cấu, thành phần hợp lý. Vì Quốc hội là cơ quan dân cử nên cần đảm bảo tính đại diện cho các tầng lớp, giai cấp. Tuy nhiên, không phải vì cơ cấu mà không quan tâm đến yếu tố chất lượng. Bất cứ ai, thuộc khối nào, nhà nước hay ngoài nhà nước, già hay trẻ đều phải đủ điều kiện theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chẳng hạn, già mà không đủ sức khỏe hay trẻ mà thiếu kinh nghiệm, không đảm bảo về trình độ chuyên môn đều không được. Ông Đinh Xuân Thảo cho rằng: “Người được giới thiệu ra ứng cử cũng như người tự ứng cử phải được xem xét chặt chẽ, kỹ càng căn cứ theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là phải bình đẳng như nhau. Nhưng trên thực tế, những người được giới thiệu ra ứng cử phải trải qua quy trình chặt chẽ nhiều khâu, có khi cả hàng trăm người mới chọn được ra một người. Trong khi đó người tự ứng cử chưa được sàng lọc với cơ quan tổ chức nào, vì thế khi đưa vào hiệp thương cần xem xét thật kỹ”.
L.V (Tổng hợp)