Bên ngoài cánh cổng

NGUYỄN TƯỜNG QUÂN 15/12/2013 07:07

Loay hoay một hồi lâu với chiếc giường xếp cũ kỹ, bà cụ cũng trải được cho mình được một chỗ xệnh xoạng để ngả lưng. Cả ngày bà cứ phải chăm chút cho lũ chim chào mào của thằng con trai từ thức ăn, nước uống...  Cái lưng già còm cõi nhiều lúc như muốn gãy gập đi vì đau nhức. Thế mà lũ chim lóc nhóc ấy có biết thương bà đâu. Bọn chúng cứ chí chóe nhau, gào thét như những tên đấu vật trên võ đài. Chẳng có buổi trưa nào bà được một giấc ngủ trọn vẹn.

Lũ chim lại khiến cho thằng con trai bà vô cùng thích thú, nó cho những tiếng kêu mà bà nghe thật thảm thiết ấy là cả một nghệ thuật. Mà hình như bà thấy, ở cái thời buổi hiện đại này, ai ai cũng biết chơi nghệ thuật cả. Mấy ông sếp bụng bự ở cơ quan con bà vô cùng khoái chí mỗi khi được biếu vài con chim. Người ta đến nhà con bà hỏi bán, gạ mua đám chim cứ vô tư nhảy nhót trong những chiếc lồng. Rồi đám thanh niên choai choai trong xóm có hôm trèo tường vào nẫng cả đám “nghệ thuật” ấy. Thằng con bà tiếc hùi hụi. Nó coi lũ chim như những đứa con yêu quý. Và bà cụ trở thành  “bà nội” bất đắc dĩ trong việc nuôi nấng, bảo vệ đám “cháu” không để những tên trộm đam mê nghệ thuật cuỗm mất. Con trai và con dâu bà đi làm cả ngày nhưng bọn chúng vẫn chưa bao giờ quên trách nhiệm làm dâu, làm con đối với bà. Sáng nào hai vợ chồng nó cũng mua một mớ đồ ăn, thức uống cho bà. Tất nhiên, cho cả bầy chim. Ở nhà, “bà nội” và đám “cháu” cứ thế tha hồ ăn uống. Tường rào kín mít và cánh cửa sắt khóa lại im ỉm để chống  trộm chỉ được mở ra khi hai vợ chồng nó đi làm về.

Bà cụ từ từ ngả tấm thân gầy gò xuống chiếc giường xếp. Hai mắt lim dim nhìn lũ chim đang nhảy múa trong lồng và cánh cửa sắt ngoài kia đang khóa chặt. Gió nồm bắt đầu thổi nhẹ. Bà cụ mơ màng nghĩ đến những đám lúa xanh nghít đang xì xào, trải dài tận chân núi; hàng tre già réo rắt, oằn oại cong mình; những con đường, những bờ ruộng… Rồi bà lại nhớ đến căn nhà tranh xiêu vẹo tềnh toàng của bà hồi đó. Nơi mà bà đã nuôi thằng con trai khôn lớn cũng là nơi nó đã tự tay dỡ bỏ để đón bà về sống trong căn biệt thự cùng với bầy chim chào mào giữa một vùng quê nghèo. Bà chập chờn theo những dòng hồi ức vô định…

Ké…ét…

Tiếng va đập mạnh vang lên ngoài cổng khiến bà cụ giật mình, mở to mắt  nhìn ra.

Thịch… thịch… thịch…

Bà cụ chống tay nhổm dậy. “Hình như tiếng bước chân ai đang chạy” - bà cụ vội nghĩ đến những con chim rồi kêu thất thanh:

- Ăn trộm! Bớ người ta! Ăn trộm...

Hai tên trộm hoảng hốt tung cánh cửa sắt bỏ chạy. Bà cụ vội vã quay lại nhìn mấy cái lồng chim. Những con chim vẫn còn đó, chúng nhảy loạn xạ. Bà mừng nhưng nhịp tim vẫn đang đổ dồn. Bà thầm nghĩ may mà mình chưa ngủ hẳn.

Bọn trộm đã chạy mất nhưng bà cụ vẫn còn bần thần đứng nhìn ra cánh cổng, lần đầu tiên được mở ra bởi những vị khách không mời. Bỗng bà cụ phát hiện ra bên ngoài cánh cổng là cảnh quê mà đã lâu lắm rồi chưa nhìn thấy: một con đường nhỏ với hai bên là những đám lúa đang đung đưa theo gió như đang vẫy gọi, xa xa những hàng tre nối tiếp nhau ngả nghiêng… Hình như lâu lắm rồi bà mới được nhìn thấy những hình ảnh đẹp như trong ký ức vậy. Rồi bà nghe thấy tiếng lích rích của mấy con chim sẻ đang gọi nhau trú nắng, những con chim sâu riu ríu tìm mồi… “Thì ra những giống chim chẳng biết hót kia mới được tự do bay nhảy”, bà cụ thầm nghĩ, “nhưng chúng cũng luôn bị con người rình rập giăng bẫy bắt đem bán cho các nhà hàng quán nhậu...”. Bà cụ cảm thấy thương cho loài chim biết hót và không biết hót...

NGUYỄN TƯỜNG QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên ngoài cánh cổng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO