Bệnh khó chữa

DUY HIỂN 15/05/2016 09:57

Sắp kết thúc năm học, tôi lại nhớ một lần dự khai giảng năm học mới về, con gái tôi ngồi than thở: “Bố ơi, lại phải ra tận cổng trường dắt các em lớp sáu vào để dự khai giảng. Học đã ba tuần rồi, trong trường ngóc ngách nào chúng nó không biết, sao lại phải ra cổng dắt vào?!” Lễ khai giảng rất hình thức thì lâu nay người ta nói chán chê rồi, tuy nhiên đáng buồn hơn là phóng chiếu rộng ra, bây giờ bệnh hình thức, bệnh thành tích đã tràn lan khắp nơi.

Chỉ cần để tâm quan sát, có thể thấy những căn bệnh trầm kha này đang biến ảo muôn hình vạn trạng. Khánh thành một công trình chẳng to lớn gì cũng làm lễ, cũng cắt băng khánh thành. Những ngày kỷ niệm ngành, những đại hội lớn nhỏ - mà khổ nỗi ở đất nước ta thì có vô vàn đại hội – các lẵng hoa chào mừng chất đầy đến mức thừa mứa. Không hiếm trường hợp có cấp trên sắp về thì cơ quan được quét dọn sáng bóng, toa lét được xịt nước hoa thơm ngát… Còn vô thiên lủng chuyện màu mè như thế nên dân gian có câu đúc kết khôi hài rằng: “Khi nào vòi nước phun lên. Ấy là dấu hiệu cấp trên sắp về…”.

Căn bệnh hình thức, bệnh thành tích không phải bây giờ mới nảy nòi. Chuyện kể rằng có lần Bác Hồ về thăm một tỉnh nọ. Khi xe chạy trên đường, Bác thấy thành phố cờ hoa thật rực rỡ. Nhưng rồi Bác hỏi vặn lãnh đạo tỉnh: “Những khóm hoa trên đường kia các chú mới trồng hôm qua phải không?” Thì ra Bác tinh ý thấy nhiều cây bị héo vì mới bứng đến. Lần đi thăm trại chăn nuôi của một hợp tác xã thuộc loại xuất sắc, Bác phê bình cán bộ hợp tác xã đã dàn cảnh vì đàn heo mập ú này được đưa từ nhiều nơi đến. Bởi Bác nhận ra chúng liên tục cắn nhau vì chưa quen đàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu của người lãnh đạo ghét bệnh hình thức, Người luôn hướng đến sự giản dị và thiết thực. Ông Nguyễn Ngọc Toản, quê ở Tam Nghĩa, Núi Thành, từng công tác trong đội cảnh vệ bảo vệ Bác kể rằng có một lần thăm một đơn vị quân đội, Người không theo lộ trình sắp sẵn mà đi thẳng xuống khu hố xí, qua nhà bếp rồi mới vòng lên hội trường. Lãnh đạo đơn vị hôm đó phải nghiêm túc đứng lên nhận khuyết điểm và hứa sửa chữa vì hố xí của bộ đội quá bẩn, nhà ăn thì đầy ruồi nhặng…

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng ngày ấy bệnh hình thức đã có nhưng không đến mức nặng. Hơn nữa trong chiến tranh nếu không nắm chắc tình hình, không dám đối mặt với sự thật khốc liệt, tự lừa dối mình cũng đồng nghĩa với tự sát, chí ít cũng không đủ dũng khí để hoàn thành nhiệm vụ. Không ít đơn vị cảm tử, trước khi xuất quân đã làm lễ truy điệu – nghĩa là tế sống; và một số huyệt mộ đã được đào sẵn. Trong các phương án đánh, có dự lường tình huống xấu nhất. Họ nhìn thẳng vào cái chết để tiến lên, và chỉ khi nhìn thẳng vào cái chết mới tìm được đường sống. Và nếu ai quan tâm có thể thấy rằng, thời chiến tranh, các văn kiện, văn bản chỉ đạo của các cấp, nhất là của Trung ương thường rất ngắn gọn. Chẳng hạn các văn kiện của Đảng thời kháng chiến chống Pháp, thấy rất gọn, chỉ độ 3 trang giấy nhưng rất sâu sắc, đầy đủ, chủ trương, giải pháp rất rõ ràng. Chiến tranh khắc nghiệt, tình hình biến động nhanh chóng không có chỗ cho sự quan liêu, hình thức, sáo rỗng. Hơn nữa giấy cũng không có nhiều để viết “dây cà dây muống”.

Bệnh hình thức và bệnh thành tích luôn đi liền nhau vì chúng là một cặp song sinh. Để tạo vẻ hào nhoáng, người ta dàn dựng hình ảnh ảo. Tại một trường cao đẳng ở Quảng Nam, có lần để đối phó với đoàn kiểm tra của Bộ, lãnh đạo nhà trường liền đi thuê một lô máy tính về trang bị cho các phòng học. Nhìn cơ sở vật chất của trường, đoàn kiểm tra rất hài lòng. Thế nhưng họ vừa quay gót lập tức xe tải được điều đến để đưa dàn thiết bị ấy “nguyên chủ phát hoàn”, tức trả về chốn cũ. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, bệnh hình thức cũng trở nên đáng lo ngại. Nhiều địa phương rất thích xây dựng những công trình chợ, nhà văn hóa, cổng làng… rất hoành tráng. Để làm vậy, một mặt người dân phải đóng góp rất nặng, mặt khác chính quyền xã lại ứng vốn, nợ nhà thầu… thành ra nợ lu bù. Quá chú trọng hình thức nhưng người ta ít quan tâm đến việc tạo lập ngành nghề mới cho nông dân, điều cốt lõi của xây dựng nông thôn mới. Bởi thế mà nhiều nơi gần hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới mà bộ mặt nông thôn chẳng thay đổi gì đáng kể. Thực trạng của một thời chưa xa đang lặp lại, ấy là khi khắp nơi rầm rộ phát động xây dựng xã văn hóa, nhưng rồi nó đã nhanh chóng bị quên lãng. Ở mảng văn hóa thì ngày càng nhiều những lễ hội hoành tráng. Nói là để quảng bá hình ảnh địa phương, để phát triển du lịch. Nhưng khi sân hấu hạ màn, đèn tắt, cờ hoa tháo xuống thì sự nhếch nhác, vắng lặng lại trở về ngự trị. Gần đây thì các ngành, địa phương thi nhau dựng tượng đài, tượng càng hoành tráng càng tự hào, nhưng chất lượng nghệ thuật thì bị giới chuyên môn và công chúng đánh giá không cao.

Cấp trên, cấp dưới tự lừa dối nhau, ai cũng biết mà không nói thẳng ra. Người ta muốn tạo ra một thành tích ảo để đánh bóng tên tuổi của đơn vị, cá nhân để mong được cất nhắc lên vị trí cao hơn, nói chung cuối cùng là để kiếm lợi lộc. Nhưng vì sao bệnh hình thức tồn tại dai dẳng trong xã hội? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Về sâu xa, có lẽ nó nằm trong cơ chế tổ chức, vận hành xã hội, trong cách đánh giá sự việc, con người. Một khi còn tình trạng thật giả lẫn lộn, một khi luật pháp còn thiếu nghiêm minh thì bệnh hình thức, bệnh thành tích vẫn còn đất sống. Và cơ hồ trong bối cảnh xã hội hiện nay, nó vẫn còn… sống khỏe.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh khó chữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO