Bệnh mùa nắng nóng

TÂM AN 02/04/2014 11:24

Nắng nóng, oi bức đột ngột khiến số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em nhập viện tăng cao. Hiểu rõ bệnh lý một số bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng sẽ hạn chế được nhiều rủi ro.

Say nắng, tiêu chảy, cảm sốt…

Đó là những bệnh thường xảy ra vào mùa nắng nóng. Khi nhiệt độ lên tầm 38 - 39 độ C, hiện tượng dễ bắt gặp nhất là say nắng ở cả người lớn và trẻ em, do cơ thể mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, rối loạn nghiêm trọng về điều hòa thân nhiệt. Ở người lớn thường sốt, chóng mặt, gây choáng. Với trẻ em sẽ biếng ăn, đôi khi co giật và cơ thể nóng. Hoặc những rối loạn tiêu hóa do thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Theo khuyến cáo của cơ quan y tế dự phòng, mùa nắng nóng thường xảy ra bệnh về đường hô hấp do người dân lạm dụng quạt gió và máy lạnh dẫn đến khô vùng hầu họng, các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp giảm, uống nước đá lạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm họng, đặc biệt là ở trẻ em. Do đó, những cách dự phòng bệnh cần được người dân nắm rõ để xử lý tình huống thông thường. Đối với trẻ bị viêm đường hô hấp, không nên dùng thuốc kháng sinh tùy tiện mà phải theo chỉ định của bác sĩ, cho mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước. Những bệnh này thường liên quan đến khâu vệ sinh cá nhân như không đánh răng, súc họng sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Theo các chuyên gia y tế cộng đồng, để phòng bệnh mùa nắng nóng thì khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là những việc hết sức quan trọng. Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hằng ngày và lưu ý lau khô các kẽ để tránh ẩm ướt da làm cho vi khuẩn dễ phát triển gây viêm da. Tránh để hướng gió của quạt thổi trực tiếp vào mũi họng của trẻ, cho trẻ uống nhiều nước và tiêm phòng đầy đủ.

Trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng bệnh. Ảnh: A.T
Trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng bệnh. Ảnh: A.T

Bệnh cũ, khuyến cáo mới

Thủy đậu (hay còn gọi là bệnh phỏng rạ, trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella-Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng mắc nhiều nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 90%). Bệnh lây truyền theo đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt trong không khí có chứa vi rút hoặc do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương của người bị bệnh thủy đậu. Đây là bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc gần với người đang bị thủy đậu. Giới y học mới đưa ra khuyến cáo, người lớn cũng là đối tượng tấn công của bệnh thủy đậu, nhất là phụ nữ mang thai. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ em. Ở người trưởng thành mới bị thủy đậu, bệnh nhân có thể cảm thấy bệnh nặng hơn và mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.

“Hiện nay, hầu hết vắc xin tiêm phòng các bệnh thường gặp từ thủy đậu, sởi, cảm cúm… đều đã cạn nguồn và chưa được bổ sung tại Trung tâm Y tế dự phòng”.
Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)

Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết, trong trường hợp phụ nữ mang thai đã tiêm phòng hoặc đã từng mắc bệnh thủy đậu trước khi mang thai thì miễn dịch với bệnh này bởi trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Đối với thai phụ không tiêm phòng và mắc thủy đậu khi mang thai thì có thể bị sẩy thai và ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai dưới 20 tuần, sinh con ra sẽ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Các biểu hiện của hội chứng này có thể là: sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc...), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần... Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng tới thai.

Bệnh thủy đậu lây truyền rất nhanh, có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng rộp của người bệnh. Mọi người đều có thể chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 97%) và kéo dài trong suốt cuộc đời. Để phòng bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến thai nhi, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ hoặc có ý định mang thai, nên chủ động tiêm phòng thủy đậu. Thời gian tiêm tốt nhất là 3 tháng trước khi có thai. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp đã tiêm phòng vắc xin vẫn bị nhiễm trái rạ. Bác sĩ Quang cho biết: “Vắc xin thủy đậu có 2 liều. Tiêm 1 liều có hiệu quả bảo vệ 75%, 2 liều là 95%. Với những trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng vẫn bị thủy đậu thì chỉ ở thể nhẹ và vẫn hạn chế được rất nhiều biến chứng”.

TÂM AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh mùa nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO