Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam: Nâng cao chất lượng phục vụ

CHÂU NỮ 04/05/2015 10:05

Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam còn chú trọng việc giáo dục, trau dồi và thực hành y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế để đáp ứng yêu cầu và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

BVĐK Quảng Nam là bệnh viện hạng 2 với 600 giường bệnh và hơn 170 nghìn lượt khám hàng năm theo kế hoạch. Thế nhưng, công suất sử dụng giường bệnh cũng như tổng số lần khám bệnh năm sau luôn cao hơn năm trước và luôn vượt  kế hoạch, có chỉ tiêu vượt đến hơn 150% số người cấp cứu sản, điều trị nội trú, số lần siêu âm… Đây là một áp lực, đồng thời cũng là niềm vui của đơn vị khi số người lựa chọn bệnh viện để chăm sóc sức khỏe tăng dần qua từng năm. Vì vậy, để nâng cao năng lực khám chữa bệnh, Ban giám đốc BVĐK tỉnh xác định phải thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ: đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực chuyên môn và giáo dục y đức cho cán bộ, nhân viên.

Kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: CHÂU NỮ
Kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: CHÂU NỮ

Nâng cao năng lực, đầu tư cơ sở vật chất

Bác sĩ Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc BVĐK Quảng Nam cho biết, BVĐK tỉnh dự kiến sẽ xây dựng hoàn thiện mô hình “Đẹp như công viên, sạch như bệnh viện”. Hiện tại, bệnh viện sắp hoàn thành đường nội bộ và các tiểu cảnh. Đồng thời bắt đầu thực hiện bệnh viện không thuốc lá, trước mắt áp dụng đối với cán bộ, nhân viên bệnh viện. Từ tháng 11.2014, bệnh viện đã đưa Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu, Phòng mổ Cấp cứu và đơn vị thận nhân tạo hoạt động sau gần một năm cải tạo và xây dựng. Theo đó, Khoa Khám bệnh được xây dựng theo mô hình khép kín, đồng bộ, gồm 16 phòng khám chuyên khoa. Bộ phận cận lâm sàng được trang bị máy móc hiện đại nhằm hỗ trợ cho chẩn đoán như: xét nghiệm máu, sinh hóa, siêu âm tim, siêu âm tổng quát, đo điện tim, chụp X-quang, nội soi dạ dày, đại tràng, đo điện não đồ, chụp CT scanner 16 lát cắt,  chẩn đoán tế bào..., tất cả đều được đặt ngay tại Khoa Khám bệnh nhằm đem lại tiện lợi cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã cải tiến một bước trong khâu đăng ký khám chữa bệnh bằng việc triển khai việc lấy số tự động, trong đó có ưu tiên cho người già và trẻ em. Bà C.T.M. (ở phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) tâm sự, do tuổi cao, sức yếu, bà thường xuyên đến khám bệnh tại BVĐK Quảng Nam. Trước đây bà phải di chuyển nhiều nơi và tốn nhiều thời gian mới làm đầy đủ các thủ tục, nay tất cả đều quy về một chỗ, rất thuận lợi, nhanh chóng và đỡ phiền hà cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi như bà.

Cùng với việc triển khai các kỹ thuật mới và hiện đại như chụp CT 64 lát cắt, chụp MRI, nội soi điều trị bệnh lý khớp vai, phác đồ hóa chất nhắm trúng đích trong điều trị ung thư vú, mỗi năm BVĐK Quảng Nam cử hơn 30 cán bộ, nhân viên đi đào tạo  tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, cử nhân điều dưỡng... tại các trường đại học và bệnh viện lớn ở Huế, TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, bệnh viện còn tập huấn các chủ đề riêng cho các chuyên khoa như tiêm chủng viêm gan B cho nhân viên Khoa Phụ sản; chăm sóc giảm nhẹ cho nhân viên bệnh viện; tập huấn hồi sức cấp cứu cho các bác sĩ mới. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên bệnh viện từng bước đáp ứng được yêu cầu sử dụng các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. “Để nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị cho bệnh nhân, tới đây, Ban giám đốc BVĐK tỉnh quyết định sẽ thay đổi thời gian trực ở các khoa trọng điểm, áp lực cao như khoa hồi sức, khoa mổ cấp cứu. Theo đó, thay vì làm 2 ca 3 kíp (trực 12 giờ, nghỉ 24 giờ) như hiện nay, cán bộ, nhân viên y tế các khoa này làm 3 ca/4 kíp (trực 8 giờ, nghỉ 24 giờ” - bác sĩ Dương Ngọc Vinh thông tin thêm.

Chú trọng giáo dục y đức

Ông N.X.Q. (ở phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) bày tỏ: “Mới đây tôi phải nhập viện ở Khoa Ngoại tổng hợp do bị đau sỏi đường tiết niệu. Tôi ấn tượng trong lần nằm viện này so với lần nằm viện cách đây mấy năm là các bác sĩ theo dõi sát bệnh nhân, tư vấn cặn kẽ cho từng người về hướng điều trị, về việc tái khám hoặc chuyển lên tuyến trên. Nhiều cô điều dưỡng, hộ lý mà tôi chưa kịp biết tên đã thể hiện rất tốt vai trò từ mẫu của mình”. Còn người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Sâm (Tiên Cảnh, Tiên Phước) cũng cảm kích trước tấm lòng của các y bác sĩ ở BVĐK Quảng Nam. Dù bà Sâm nhập viện trong những ngày cận Tết Nguyên đán do bị tai biến nhưng các bác sĩ hết lòng chăm sóc, không nề hà. “Lúc ở bệnh viện, y bác sĩ đối xử với bệnh nhân rất vui vẻ, hòa nhã, thân thiện và tận tình. Khi mẹ tôi xuất viện về nhà, tôi thường xuyên gọi điện nhờ tư vấn và được bác sĩ vui vẻ chỉ dẫn chu đáo” - con bà Sâm nói.

Có được sự thay đổi lớn trong giao tiếp, ứng xử như vậy, theo bác sĩ Dương Ngọc Vinh, ấy là nhờ đơn vị thường xuyên chú trọng giáo dục, nhắc nhở cán bộ y tế trau dồi và thực hành y đức theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Thông tư 07/2014/TT-BYT quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. “Sai sót trong khám chữa bệnh là điều khó tránh khỏi vì hằng ngày bệnh viện phải phục vụ hàng nghìn bệnh nhân nhưng đáng mừng là 2 năm trở lại đây, BVĐK Quảng Nam chưa để xảy ra trường hợp nào tử vong do y, bác sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ chưa tốt” – bác sĩ Vinh nói. Hầu hết trường hợp nhũng nhiều, vòi vĩnh hay vi phạm về giao tiếp với người bệnh đều được ban giám đốc kịp thời xử lý bằng các hình thức khác nhau, tùy mức độ như nhắc nhở, cảnh cáo và xử lý về tổ chức. Trong 2 năm qua, có khoảng 60 trường hợp cán cán bộ, nhân viên bệnh viện bị xử lý do vi phạm trong giao tiếp với người bệnh. “Giáo dục y đức là điều mà ban giám đốc làm gương và thường xuyên nhắc nhở cán bộ nhân viên y tế để họ thay đổi quan niệm từ việc ban ơn cho bệnh nhân sang phục vụ bệnh nhân” - bác sĩ Vinh cho biết.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam: Nâng cao chất lượng phục vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO