(QNO) - Vụ án xảy ra ở tỉnh Bình Dương, thế nhưng có nhiều trang mạng lại lấy ảnh của một viên chức tỉnh Quảng Nam và chú thích là nạn nhân.
Sự việc trên không chỉ gây bức xúc cho gia đình nạn nhân mà còn khiến nhiều người biết chuyện bất bình. Theo lời kể của anh Trần Thanh Tú (trú phường An Xuân, TP.Tam Kỳ), sáng 18.12, khi anh đang công tác tại UBND thị xã Điện Bàn thì có người bạn gọi điện thông tin rằng nhiều tờ báo mạng đăng ảnh anh là nạn nhân trong vụ trọng án xảy ra ở tỉnh Bình Dương vào tối 15.12 (nạn nhân vụ án này trùng họ tên với anh Tú - NV). Nội dung đi kèm bức ảnh: nạn nhân Trần Thanh Tú (SN 1980, quê An Giang) bị vợ sát hại tại thị xã Thuận An (Bình Dương), ảnh còn chú thích do một người ở ngay cạnh nhà anh Tú cung cấp.
Quá bất ngờ, anh Tú liền kiểm tra trên mạng thì thấy đúng là ảnh của anh, được cắt ghép từ ảnh vợ chồng anh chụp trong ngày đính hôn mà anh đăng trên facebook cá nhân.
Theo kiểm tra của chúng tôi, rất nhiều trang thông tin điện tử như kenh13.net, gioitreviet.net, thanhnienup.com, cothechuabiet.com, mbi.dkn.tv... đăng cùng một bức ảnh mà anh Tú khẳng định là ảnh của anh.
Cũng trong ngày 18.12, không chỉ riêng anh Tú mà ngay cả người thân của anh cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm về sự việc. “Cả ngày 18.12 vợ chồng tôi nhận được hơn chục cuộc điện thoại khiến sinh hoạt thường ngày bị xáo trộn và chúng tôi rất hoang mang, lo sợ. Bà con, họ hàng cũng tá hỏa khi thấy ảnh tôi bị đăng trên báo với chú thích là nạn nhân của vụ trọng án. Rất may quê nạn nhân ở An Giang và vụ án xảy ra ở Bình Dương nên nhiều người không tin đó là tôi” - anh Tú chia sẻ.
Anh Tú cho biết thêm, anh đã liên hệ rất nhiều lần với chủ các trang mạng đăng tải thông tin sai sự thật nhưng đều không nhận được phản hồi. Hiện anh Tú đã làm đơn trình báo lên Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông Quảng Nam và mong được xem xét, xử lý vụ việc. Được biết, anh Tú là viên chức của Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông (Sở Thông tin và truyền thông Quảng Nam).
Khoản 5 và Khoản 8, Điều 9 của Luật Báo chí 2016 quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật (Khoản 5); thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án (Khoản 8)”. Còn tại Điều 32 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể như sau: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định pháp luật”. Về hình thức xử phạt hành chính đối với người có hành vi vi phạm nêu trên được quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu mức độ ảnh hưởng của việc đăng tải hình ảnh gây ra hậu quả nghiêm trọng thì áp dụng Điểm b, Khoản 4, Điều 8 của Nghị định số 159/2013/NĐ-CP về hành vi “đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” với mức phạt tiền 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho những hành vi vi phạm này là buộc phải cải chính, xin lỗi. (P.N) |
PHƯƠNG NAM