"Bí" đầu ra cho HTX rau VietGAP

TUỆ LÂM 24/06/2015 14:33

(QNO) - Được xem là bà đỡ cho những người trồng rau theo hướng VietGAP, nhưng các HTX hiện khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như sự hợp tác của người dân.

Phát triển trồng rau màu theo hướng sạch của VietGAP trong những năm vừa qua được xem là hướng đi đúng đắn, trong đó phải kể đến vai trò của HTX. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các làng rau sạch đang đứng trước nguy cơ phải quay trở về cách sản xuất truyền thống vì chưa tìm được đầu ra.

Người dân làng rau Mỹ Hưng, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình không mặn mà với trồng rau VietGAP.
Người dân làng rau Mỹ Hưng, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình không mặn mà với trồng rau VietGAP.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc cho biết, rau Bàu Tròn là khu vực tập trung trồng rau màu lớn nhất của toàn huyện với hơn 400 hộ dân tham gia. Để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho rau màu nơi đây, huyện đã thành lập một nhà sơ chế rau, giao cho HTX Đại An quản lý và tiến hành vận động người dân tham gia quy trình trồng rau sạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 48 hộ chấp nhận tham gia và quy trình này. Ông Mẫn cho biết: “Người dân vẫn chưa hiểu hết được lợi ích nếu tham gia vào quy trình này nên đa số vẫn còn thờ ơ. Với quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP thì đúng là giá cả đầu vào có cao hơn nhưng bù lại đầu ra được đảm bảo, giá ổn định chứ không bấp bênh đối với thị trường trôi nổi. Muốn người dân nhiệt tình tham gia thì phải tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu rõ”.

Bà Lê Thị Hồng Sinh - Phó Giám đốc HTX rau sạch Mỹ Hưng cho biết, làng rau thôn Mỹ Hưng có hơn 300 hộ trồng rau nhưng chỉ có 16 hộ tham gia vào HTX để sản xuất rau sạch VietGAP. “Nhiều người vẫn muốn sản xuất theo cách cũ và bán cho thương lái tự do. Một phần cũng do HTX chưa thể mở rộng thị trường tiêu thụ, lượng rau mỗi ngày cung cấp cho các đầu mối còn thấp nên người dân không mặn mà gì với HTX…” - bà Sinh tâm sự.

Cũng tương tự, cách đây 3 năm, làng rau Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên rộn ràng trồng rau VietGAP. Thế nhưng, chưa đầy 3 năm, làng rau này đã trở lại với cách sản xuất truyền thống. Ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho biết, giai đoạn đầu người dân rất phấn khởi vì có thu nhập cao, ổn định. Tuy nhiên, chỉ được giai đoạn đầu còn sau đó thì các doanh nghiệp dần dần không liên kết sản xuất nữa. Kỹ thuật, kinh nghiệp trồng rau VietGAP của bà con có thừa, nhưng bí đầu ra.

“HTX đã đưa nhà sơ chế rau vào hoạt động, tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho rau Bàu Tròn đồng thời đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra ổn định cho người dân trồng rau. Trước mắt, chúng tôi phải làm thật hiệu quả để người dân thấy và làm theo” - ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc HTX Đại An nói.

Chị Hồ Thị Hương - thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước cho biết, trước đây gia đình chị có 2 sào trồng rau VietGAP nhưng hiện đã bỏ và quay về sản xuất theo lối truyền thống. “Trồng rau sạch tốn công, đầu tư lớn nhưng giá bán không cao hơn so với rau trồng thông thường, không có doanh nghiệp nào liên kết sản xuất nên phải bỏ” - chị Hương nói.

Là hướng đi đúng đắn, có lợi cho người dân, tuy nhiên để đạt được hiệu quả như mong muốn khi trồng rau VietGAP cần có sự đồng thuận, phối hợp giữa HTX, người nông dân. Quan trọng nhất vẫn là sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để làng rau xanh tươi.

TUỆ LÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bí" đầu ra cho HTX rau VietGAP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO