Không thực hiện đúng thỏa thuận dân sự giữa các bên liên quan, một số cán bộ ở xã Tam Hiệp và cơ quan liên quan đã bị người dân khiếu nại, nghi ngờ có điều gì khuất tất.
Ông Phạm Văn Dũng (SN 1969), trú thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp (Núi Thành) gửi đơn đến Báo Quảng Nam, phản ảnh: ba anh em ông là Phạm Văn Hùng, Phạm Văn Dũng và Phạm Văn Linh được bà ngoại là Trần Thị Khoan cho một ngôi nhà và đất ở. Khối tài sản chung này, khi mở rộng quốc lộ 1 bị giải tỏa và được bồi thường 151 triệu đồng. Do 3 anh em ông Dũng chưa thống nhất việc chia tiền nên ngày 15.6.2014, Trung tâm Bồi thường và giải phóng mặt bằng (BTGPMB) thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam, UBND xã Tam Hiệp, Ban nhân dân thôn Vân Thạch mời các ông Hùng, Dũng và Linh để hòa giải. Tại cuộc họp, các bên thống nhất số tiền bồi thường về đất, nhà ở sẽ được gửi vào ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn để tòa án giải quyết tranh chấp sau này. Tuy nhiên, ngày 16.6.2014, ông Dũng, ông Linh phát hiện Trung tâm BTGPMB đã chi trả toàn bộ số tiền cho ông Phạm Văn Hùng với sự chứng kiến của ông Lê Chí - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp. Ông Hùng nhận gần 51 triệu đồng tiền mặt, còn 100 triệu đồng gửi vào Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Khu kinh tế mở Chu Lai (do ông Hùng đứng tên). Vì vậy, ông Dũng làm đơn khiếu nại và cho rằng, có điều gì khuất tất đằng sau sự việc này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Chí - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, thừa nhận đã không làm đúng nội dung biên bản làm việc ngày 15.6.2014 về sự thỏa thuận giữa các bên. Đồng thời lý giải: “Lúc đó, ông Phạm Văn Hùng nói không có tiền sửa chữa nhà thì không thể bàn giao mặt bằng được. Hơn nữa, tôi nghĩ số tiền 151 triệu đồng chia cho 3 anh em thì mỗi người sẽ nhận được khoảng 50 triệu đồng. Vì thế, tôi thống nhất để ông Hùng nhận trước gần 51 triệu đồng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phụng - Giám đốc Trung tâm BTGPMB “thú thật” trung tâm chi trả tiền cho ông Hùng là không đúng và biện minh rằng, do áp lực thời gian của dự án lúc bấy giờ nên trung tâm mới “linh hoạt” giải quyết để ông Hùng nhanh chóng bàn giao mặt bằng chứ không có gì mờ ám khuất tất cả. “Chúng tôi đề nghị chi nhánh ngân hàng, chính quyền địa phương và ông Hùng cùng ký vào biên bản thống nhất để Trung tâm BTGPMB tạm giữ 100 triệu đồng, chờ tòa án giải quyết. Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ giúp sổ tiết kiệm cho các bên” - ông Nguyễn Phụng cho biết thêm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết 3 anh em ông Hùng, Dũng và Linh cùng chung sống với bà ngoại là Trần Thị Khoan từ nhỏ. Năm 1996, bà Khoan cho 3 anh em căn nhà và đất của bà. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có gia đình ông Hùng ở căn nhà mà bà ngoại đã cho 3 anh em. Khi căn nhà và đất ở nằm trong diện giải tỏa để mở rộng quốc lộ 1, được Trung tâm BTGPMB đo đạc, áp giá bồi thường thì giữa 3 anh em mới xảy ra tranh chấp và đưa vụ việc ra TAND huyện Núi Thành để giải quyết.
Theo luật gia Cao Văn Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý nhà nước (Hội Luật gia tỉnh), việc ông Phạm Văn Dũng, ông Phạm Văn Linh khởi kiện ra tòa án để tranh chấp tài sản chung với anh trai Phạm Văn Hùng là nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên đúng theo pháp luật. Tuy nhiên, tốt nhất 3 anh em ông Hùng, Dũng và Linh nên cùng ngồi lại với nhau thêm một lần nữa để cùng bàn thống nhất cách chia tài sản phù hợp. “Như vậy, vừa giữ được tình cảm anh em vừa đỡ tốn kém chi phí, thời gian liên quan” - luật gia Cao Văn Trí tư vấn.
H.A.THƯ