Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Núi Thành - Nguyễn Tiến khẳng định: “Ý chí và sức mạnh vượt thoát khó khăn, đói nghèo, đưa địa phương trở thành một huyện có nền công nghiệp bậc nhất Quảng Nam chính là nhờ sự đồng thuận.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Núi Thành - Nguyễn Tiến. |
- PV:Ba mươi năm không phải là quá dài, Núi Thành đã làm gì để có thể vượt qua khó khăn, trở thành một huyện thuộc loại năng động nhất Quảng Nam trong hiện tại?
- Ông Nguyễn Tiến: So với đời người, 30 năm không phải là ngắn, nhưng so với sự phát triển, đổi đời của cả một dân tộc, vùng đất, đời sống người dân, thì lại không phải quá dài. Tuy có không ít gian nan, nhưng nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, củng cố quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh an sinh, giáo dục..., có thể nói rằng, Núi Thành đã có sự phát triển tương đối nhanh, đạt nhiều kết quả. Đó là kinh tế tăng trưởng nhanh, chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Hệ thống chính trị được xây dựng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ngày càng được nâng cao. Sở dĩ có được thành công này, trước tiên phải khẳng định rằng chính truyền thống hào hùng năm xưa đã hun đúc ý chí và sức mạnh cho vùng đất này thay đổi.
Tuyến đường chính qua trung tâm hành chính Núi Thành. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Năm 1965, Đảng bộ và nhân dân Núi Thành đã nhận lãnh trách nhiệm là những người đi đầu giải đáp câu hỏi “có đánh và đánh thắng Mỹ được không ở chiến trường miền Nam?”. Cuộc chiến ấy đã thành công. Năm 2003, thời cuộc đất nước lại đặt trên vai Núi Thành một thử thách khác. Nhân dân vùng đất dạn dày truyền thống đấu tranh, mưu trí, dũng cảm này lại nhận lãnh trọng trách “xây dựng kinh tế mới” - xây dựng Khu Kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam. Vinh dự được trao này đã tạo cho địa phương vốn có xuất phát thấp, đời sống khó khăn thực sự hưng phấn, thôi thúc quyết tâm bằng ý chí, tinh thần tự lực bền bỉ. Yếu tố cơ bản thành công đầu tiên trên chặng đường mới mà chúng tôi nhận được chính là sự đồng thuận quyết tâm hy sinh to lớn của Đảng bộ, nhân dân Núi Thành, nhất là nhân dân ở 12 xã, thị trấn nằm trong vùng ảnh hưởng quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai. Họ đã sẵn sàng tiếp bước cha anh, hy sinh thêm một lần nữa, tức là nhường sẻ đất đai và chấp nhận di dời, giải tỏa trong điều kiện chính sách còn bất cập và tái định cư không hoàn thiện. Người dân Núi Thành đã sẵn sàng ra đi, chịu thua thiệt để hy vọng có thêm một sự thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn cho mảnh đất quê hương. Thực tế là địa phương đã thu hút đầu tư tốt và Đảng bộ, nhân dân huyện đã tiếp tục phấn đấu để sản xuất, xây dựng trên nền tảng phát triển công nghiệp. Đó cũng là bước đầu chuẩn bị xây dựng Núi Thành trở thành một trong các huyện công nghiệp đầu tiên của Quảng Nam.
- PV:Núi Thành giờ vẫn như một đại công trường, gánh nặng bồi thường giải tỏa, giải phóng mặt bằng sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Động lực nào để tiến trình xây dựng và di chuyển hơn 17.000 hộ dân của huyện không bị cản trở?
- Ông Nguyễn Tiến: Làm sao đánh thức niềm tự hào của người dân để cùng với đảng bộ, chính quyền thực hiện chủ trương nhường đất xây dựng công nghiệp trong điều kiện nhân dân còn khó khăn là một hành trình gian nan, nhưng cũng ắp đầy niềm vui. Cũng như các địa phương khác, cái đầu tiên là cả hệ thống chính trị lao cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và lấy sự đồng thuận ở số đông dân chúng. Sự may mắn của Núi Thành chính là tất cả cùng đồng cam cộng khổ, cùng nhau gánh chịu khó nhọc trên tinh thần dũng cảm, vượt khó để làm nên một cuộc “cách mạng” thời bình, xây dựng kinh tế, tìm con đường giàu sang hơn cho tương lai. Cho nên, tuy đã ổn định sau chiến tranh, nhưng khi có chủ trương tiến hành công nghiệp hóa, xây dựng khu kinh tế mở, người dân đã sẵn sàng nhường đất. Ví dụ như ở xã Tam Hiệp, nhân dân đã sẵn sàng nhường đất hết cả làng để hình thành nên những nhà máy, hay như ở Tam Quang, Tam Hải... những mảnh đất đắc địa nhất được dành cho các nhà đầu tư xây dựng dự án.
Nhận thức được giá trị cuộc sống tương lai, lẽ sống vì cộng đồng, đại cuộc của người dân, cộng với sự động viên của đảng bộ, chính quyền đã dẫn đến thành công cho Núi Thành. Và có thể thấy rằng, khi đánh thức và khơi dậy sự đồng thuận trong nhân dân, nếu Đảng và Nhà nước chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm để người dân được thực sự hưởng lợi thì sẽ đạt hiệu quả cao. Vì vậy, trong vòng 30 năm qua, Núi Thành luôn tiếp tục tham mưu cho tỉnh các chính sách hoàn thiện, ngày càng thay đổi, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và cơ hội tiếp cận với cuộc sống mới. Không thể bắt người dân chấp nhận sự đồng thuận khi họ mất quyền lợi. Có lẽ điều này chính là kinh nghiệm của Núi Thành trong việc tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất từ phía người dân.
- PV:Ước vọng của Núi Thành trong tương lai, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tiến: Ước vọng lớn nhất vẫn là phấn đấu xây dựng thành công một huyện công nghiệp như tỉnh đã định hướng. Tuy nhiên, khi tiến hành công nghiệp hóa, trước tiên, những người đứng đầu địa phương phải tự nhận lãnh trách nhiệm tập trung khắc phục tồn tại vướng mắc. Nhất là với những người dân đã di dời cho phát triển công nghiệp nhưng đang gặp khó khăn, bị thiệt thòi về chính sách được hưởng và thiếu việc làm... phải được giải quyết. Hiện địa phương đang tích cực nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh một đề án và sẽ hợp tác với doanh nghiệp, tạo đột phá để tập trung phát triển đời sống cho bộ phận dân cư chấp nhận hy sinh nhường đất cho công nghiệp có một cuộc sống ổn định và sung túc hơn. Một huyện công nghiệp đúng nghĩa là người dân phải có việc làm, đời sống tốt và thu nhập cao. Nếu không bảo đảm được điều này thì công nghiệp đến mấy cũng sẽ vô nghĩa!
- PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TÂM CA (Thực hiện)