Thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào (gọi tắt là Thỏa thuận), góp phần thắt chặt mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa nhân dân và chính quyền hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa có cuộc giám sát tại Quảng Nam về việc thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: HÀN GIANG |
Chủ động từ cơ sở
Dù còn nhiều khó khăn nhưng với chủ trương giúp bạn cũng chính là giúp mình, những năm qua, nhất là khi vào thời điểm giáp hạt, huyện Tây Giang đã hỗ trợ hàng chục tấn gạo, muối, hàng nghìn cây trồng, con vật nuôi… trị giá hàng tỷ đồng để giúp đỡ nhân dân Lào ở các bản giáp ranh có điều kiện ổn định đời sống. Tại các hội nghị thường niên, lãnh đạo hai huyện Tây Giang và Kà Lừm (Sê Kông) đều tổ chức ký kết và thực hiện thỏa thuận về tăng cường tuần tra bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an toàn đường biên cột mốc... Đặc biệt, hai bên cùng giải quyết tốt vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú khu vực biên giới giữa hai huyện theo Thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, trong 3 năm qua, UBND huyện đã phối hợp chặt chẽ và cử cán bộ lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện tham gia thành viên Tổ chuyên viên thực hiện Thỏa thuận tỉnh Quảng Nam sang phối hợp điều tra, xác minh song phương người Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai huyện Kà Lừm và Đắc Chưng. Huyện còn phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, cấp phát 200 sổ tay song ngữ Việt - Lào hướng dẫn nghiệp vụ nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt - Lào. “Trong 4 đợt khảo sát, có 1 đợt tại các xã vùng cao của huyện Tây Giang, có sự tham gia, chỉ đạo trực tiếp của ông Thavon Thommalayloun - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tỉnh trưởng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Sê Kông làm trưởng đoàn phía bạn. Đoàn đã tiến hành xác minh đến từng hộ có người Lào sang kết hôn với người dân vùng cao của huyện. Qua khảo sát có 6 trường hợp và các gia đình này có tổng cộng 17 người con” - ông Linh cho hay.
Theo bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới hai huyện Nam Giang và Đăk Chưng có mối quan hệ ban giao, bà con thân tộc, quan hệ hôn nhân từ nhiều đời nay. Đây cũng là môi trường để người dân các xã biên giới của Lào kết hôn và di cư sang làm ăn sinh sống trên địa bàn các xã biên giới vùng cao của huyện Nam Giang. Nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, UBND huyện Nam Giang luôn chú trọng tuyên truyền về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú khu vực biên giới hai nước. Qua các đợt kiểm tra, khảo sát đã ghi nhận có nhiều trường hợp người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới huyện Nam Giang. Trong số này, nhiều trường hợp đã có giấy tờ do Việt Nam cấp như giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy khai sinh, có ruộng nương, nhà ở ổn định. Các trường hợp được khảo sát đều có nguyện vọng sinh sống lâu dài và được nhập quốc tịch Việt Nam.
Phối hợp chặt chẽ
Với tinh thần chủ động, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ cùng các ngành, địa phương liên quan dự thảo xây dựng nội dung, chương trình, thời gian, lộ trình, cách thức phối hợp triển khai thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ với tỉnh giáp biên Sê Kông. Đồng thời tổ chức đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn sang thảo luận và cùng thống nhất bằng biên bản làm việc với chính quyền tỉnh Sê Kông. Bên cạnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để triển khai thực hiện, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo Tổ chuyên viên thực hiện Thỏa thuận của tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát đơn phương, lập danh sách người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của tỉnh. Trên cơ sở danh sách điều tra, khảo sát đơn phương này, lãnh đạo hai tỉnh tích cực phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc công việc điều tra, khảo sát song phương để làm danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú khu vực biên giới hai tỉnh. Hai bên đã phối hợp triển khai thực hiện được tổng cộng 4 đợt điều tra, khảo sát song phương và cơ bản hoàn thành trên thực địa công tác điều tra, xác minh song phương vào giữa tháng 12.2017.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, nhằm góp phần triển khai Thỏa thuận đạt hiệu quả, Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cư dân biên giới và đội ngũ cán bộ làm công tác biên giới. Hiện nay, có 26 sở, ban, ngành, hội đoàn thể của tỉnh có quan hệ hợp tác kết nghĩa với các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tương ứng của tỉnh Sê Kông. Từ mối quan hệ này, trong cam kết hợp tác hữu nghị luôn có nội dung phối hợp tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hai bên biên giới hiểu biết chủ trương, chính sách về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. “Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với phía tỉnh bạn, Quảng Nam còn hỗ trợ kinh phí khi phía bạn gặp khó khăn để công tác phối hợp điều tra, khảo sát song phương theo tinh thần của Thỏa thuận cấp Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào không bị gián đoạn, đảm bảo thực hiện đúng như kế hoạch đã đề ra. Hiện nay, lực lượng công an hai tỉnh đang khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh cụ thể về hồ sơ gốc đối với các trường hợp người Việt Nam và người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú đang sinh sống trong vùng biên giới hai tỉnh. Đây chính là căn cứ để lãnh đạo hai tỉnh tổ chức họp và thảo luận thống nhất danh sách báo cáo Đoàn đại biểu biên giới hai nước xem xét, quyết định” - ông Hồng nói.
Theo đánh giá từ đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, so với nhiều địa phương, vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông không nhiều, không thuộc vùng trọng điểm của cả nước. Nhưng trong quá trình triển khai cho thấy cách làm của Quảng Nam rất linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm đúng quy định của Nhà nước; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với phía tỉnh bạn trong việc cùng triển khai các nội dung liên quan được toàn diện và đồng bộ. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hoàn thành nội dung, thời gian, lộ trình mà hai Chính phủ đã đề ra trong Thỏa thuận, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh trật tự khu vực hai bên biên giới, thắt chặt hơn mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa cư dân hai bên, giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông.
HÀN GIANG