Biên giới mùa này...

HỮU PHÚC 27/01/2016 09:02

Nhiều bản làng heo hút trên miền biên giới La Êê (Nam Giang) bây giờ đã có điện chiếu sáng, đồng bào ít còn cảnh đói ăn, thiếu mặc, nhưng vẫn còn đó nhiều cách trở, thua thiệt...

“Con đường đau khổ”

Cuối đông, mưa lắc rắc. Quốc lộ 14D dẫn lên các xã biên giới của huyện Nam Giang thưa bóng người và xe ngược xuôi. La Êê và Chơ Chun là 2 xã xa xôi nhất giáp với nước bạn Lào. Từ đây, có tuyến đường gần nhất lên “cổng trời” vùng khu 7 thuộc các xã biên giới của huyện Tây Giang.

Con đường độc đạo lên vùng cao La Êê kéo dài hàng chục ki-lô-mét đầy ải gian truân. Gần 5 năm trước, có con đường đất mở xuyên trong rừng để nhân dân có thể đi lại là nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền địa phương. Cán bộ miền xuôi lên công tác kỳ vọng ngày trở lại xe ô tô có thể lên tận nơi. Ấy vậy mà nỗi mong chờ ấy luôn khắc khoải đến tận hôm nay. Chỉ một trận mưa chiều đổ xuống, lòng đường trơn như mỡ. Nhiều đoạn bị trũng thấp, nước ứ đọng thành vũng xe máy phải dắt bộ qua; cây đổ ra đường cản trở lưu thông. Để đi lại dễ dàng trong mùa mưa, hầu hết người dân đều “độ” lại lốp xe. Người dân ở thôn Pà Ooi (xã La Êê) hóm hỉnh ví, đây là “thôn mười trong một, thôn một bình xăng”. “Mười trong một” nghĩa là đồng bào đi chợ ở khu vực cửa khẩu hoặc xuống phố núi Chà Vàl một ngày ăn mười ngày. Xe máy vào một đoạn đường hơn 20km tốn sạch bình xăng 2 lít, nên gọi là thôn một bình xăng. Trên con đường vào bản Pà Ooi có đoạn đột ngột thắt lại như nút cổ chai, gồ ghề, dốc cao; sau mỗi trận mưa, lòng đường biến thành dòng sông chảy xiết. Do tránh nước và các hố nên người đi đường thường xuyên bị té ngã.

Bản Pà Ooi - xã La Êê.
Bản Pà Ooi - xã La Êê.

Khi biết chúng tôi đặt chân đến xã La Êê mùa này bằng xe máy, nhiều cán bộ huyện cũng tỏ ra khá bất ngờ. Theo chính quyền địa phương, đây là con đường thi công ì ạch, thời gian kéo dài 5 năm nay vẫn chưa xong. Do nguồn vốn eo hẹp, nên thi công “nhảy cóc”. Trong số 20km từ quốc lộ 14D chạy lên trung tâm xã La Êê mới đổ bê tông đường gần 5m. Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông Alăng Mai cho biết, trước đây đường sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ để xây dựng, sau đó dự án bị cắt nguồn. Cuối cùng, đơn vị bộ đội là Đoàn Kinh tế quốc phòng đã nhận thi công tiếp theo. Tuy nhiên, do mỗi năm ngân sách chỉ phân bổ vài tỷ đồng nên con đường đến giờ vẫn dở dang. “Người dân xã biên giới La Êê, Chơ Chun cũng như vùng khu 7 huyện Tây Giang mong ước con đường này kiên cố hóa. Nguồn lực địa phương có hạn nên không thể nào đầu tư được. Chính quyền cũng như cử tri đã kiến nghị Trung ương, tỉnh khẩn trương bố trí vốn hoàn thành những đoạn đường đất lầy lội” - Ông Alăng Mai nói.

Đường lên xã biên giới La Ê ê nhão nhẹt đất đỏ như thế này.
Đường lên xã biên giới La Ê ê nhão nhẹt đất đỏ như thế này.

Mùa xuân ấm áp

Năm ngoái, người dân 2 thôn Pà Lang, Pà Ooi (xã La Êê) vui mừng khôn xiết khi có điện chiếu sáng đầu tiên. Và năm nay, người dân thôn Đắk Ngol sẽ rất vui khi ăn cái tết đầu tiên có điện quốc gia. Trong nhà của đồng bào mùa xuân này không thiếu các phương tiện nghe nhìn, máy quạt, tủ lạnh, nồi cơm điện... Cách trung tâm xã 6km, Đắk Ngol là bản làng hoang vu, cách trở. Giữa năm 2015, Điện lực Nam Giang đã phối hợp với Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện đóng điện tại thôn Đắk Ngol. Dự án kéo điện về xã La Êê được triển khai từ đầu năm 2013, gồm 13,5km lưới điện 22kV và 5,5km lưới điện 0,4kV với 4 TBA 100kVA cấp điện cho các thôn Pa Lang, Pà Ooi, Đắk Ngol của xã. Theo chính quyền xã La Êê, từ ngày có điện cuộc sống người dân thay đổi rõ rệt. Việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trở nên dễ dàng hơn. Đời sống vật chất, tinh thần và dân trí của người dân đã cải thiện.

Theo ông Alăng Đhép - Phó Chủ tịch UBND xã La Êê, từ vùng lõm về lưới điện quốc gia, đến nay các thôn trong xã đã có điện chiếu sáng. Các công trình trường học, trạm xá được xây dựng, đồng bào được khám chữa bệnh miễn phí do có bảo hiểm y tế. “Diện tích trồng lúa nước tăng lên rõ rệt. Người dân trên này bây giờ còn biết làm chuồng trại cho gia súc, gia cầm. Có con đường mở xuống quốc lộ 14D, hàng hóa người dân làm ra tiêu thụ dễ dàng. Tết này bà con ở thôn Đăk Ngol vui lắm vì có điện cho sinh hoạt” – ông Alăng Đhép nói. Là xã biên giới, trước đây La Êê thường đối mặt với tình trạng đói giáp hạt vào dịp tết, nhưng hai năm trở lại đây, nhờ biết cách trồng lúa, tăng gia sản xuất, chăn nuôi, cuộc sống đồng bào thay đổi tích cực. Ông Alăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang khẳng định, trong dịp tết, địa phương đặc biệt quan tâm đến hai xã biên giới xa xôi là La Êê và Chơ Chun. Tuyệt đối không để hộ nghèo nào đói ăn trong dịp tết.

Biên giới mùa này xa xôi, trắc trở. Vẫn còn đó nhiều ngôi nhà lụp xụp dưới những thung lũng trong rừng sâu. Nhưng đêm về nhìn ánh sáng điện lung linh, đồng bào sum vầy, dán mắt vào màn hình ti vi... đã thấy sự thay đổi trong nền nếp sinh hoạt. Nhiều bản làng miền biên viễn dường như đi ngủ muộn...

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biên giới mùa này...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO