Anh Võ Tấn Tân ở thôn 2, xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) đã “đạp” xe đạp tre ra nước ngoài một cách ngoạn mục, tạo dấu ấn trong sản phẩm lưu niệm cho thành phố du lịch Hội An.
ÍT ai biết rằng, anh Tân từng có ngả rẽ như sự chia tay với tre, dù được thừa kế niềm đam mê với tre từ ông nội và cha mình. Đấy là khi anh tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành điện - kỹ thuật và xin làm công việc liên quan đến du lịch. Anh lý giải việc bỏ tre lúc bấy giờ là nếu “đâm” đầu với tre thì cuộc sống không đảm bảo về kinh tế. Để rồi trong suốt 10 năm làm du lịch cho người ta, anh nhận ra rằng với tre, mình có thể làm chủ đam mê. Thế là anh xin thôi việc, trở lại với tre. Nhưng anh không đi lại lối mòn của ông nội và cha với những sản phẩm thủ công xưa cũ. Anh khởi động chặng đường mới bằng cách tìm đến các điểm du lịch, bán đồ lưu niệm để tìm hiểu quà lưu niệm đặc trưng rồi về dùng tre chế tác. “Mình phải đến đó để tìm hiểu kỹ thì sản phẩm mới mong được đón nhận. Nói thật, ở Hội An tuy có nhiều người bán đồ lưu niệm, nhưng chưa có dấu ấn riêng, thậm chí có gian hàng bán đồ lưu niệm có xuất xứ từ Trung Quốc”.
Anh Tân bên cạnh chiếc xe đạp tre. Ảnh: XUÂN THỌ |
Từ đó, thêm nhiều sản phẩm từ tre được ra đời như hộp đựng giấy ăn, đựng bánh kẹo, đèn bàn. Lấy cảm hứng bảo tồn cua đá ở Cù Lao Chàm, anh làm ra hộp đựng giấy ăn, đồ trang điểm có hình dáng cua đá… Trên tất cả, anh cho rằng thành công lớn nhất của mình đến hiện tại là hoàn thiệt xe đạp tre và “đạp” những chiếc xe độc đáo này ra nước ngoài, chủ yếu là châu Âu. Cũng với xe đạp tre, anh đang ấp ủ thực hiện các tour du lịch bằng xe đạp tre. Cách đây không lâu, anh đã thử nghiệm và thu được nhiều tín hiệu khả quan. Nên anh dồn sức làm thêm nhiều xe đạp, dự kiến khoảng 30 chiếc để tour của mình thêm tròn trịa.
Theo anh Võ Tấn Tân, khách mua xe đạp tre chủ yếu là khách nước ngoài. Một phần vì có thiết kế đơn giản, đẹp và nhất là yếu tố thân thiện với môi trường. Mỗi chiếc xe có giá từ 10 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán ra nước ngoài từ 7 - 8 chiếc trở lên. |
Nói là xe đạp tre, nhưng không phải tất cả đều là tre, mà chính xác chỉ có khung sườn, bộ phận chịu lực bằng tre. Từ đó, “lòi” thêm cái khó nữa, là khi liên kết tre với các bộ phận còn lại của xe, phải đảm bảo tính cơ học. Nên thời gian đầu thường gặp các lỗi nếu sườn chịu được lực thì không đảm bảo tính cơ học khác, nhất là không ổn định sự truyền động và ngược lại. “Thời gian đó tôi dành tất cả để giải quyết vấn đề trên. Mãi hơn 2 năm sau mới thành công, dù chưa hoàn hảo về tính thẩm mỹ và thời gian sử dụng”. Thế là anh mất thêm một năm nữa để hoàn thiện 2 yếu tố này. Cụ thể, tre trước khi đưa vào làm xe sẽ được ngâm nước chống mối mọt từ 8 tháng đến một năm. Sau đó sẽ đem phơi khô rồi gia công thô. Khi hoàn chỉnh, xe được đánh lớp keo chống thấm, đoạn tiếp nối giữa các bộ phận được dùng từ loại keo do anh chế tạo nên.
Thành công với xe đạp tre, anh Tân đang chế tác ô tô điện du lịch bằng tre đầu tiên. Đó cũng là minh chứng cho sáng tạo, biến tấu không ngừng nghỉ cùng tre của anh. Chiếc xe này anh đã làm được 2 tháng, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đối với anh, ô tô điện tre tuy phức tạp hơn xe đạp tre nhưng ít tốn công hơn. Bởi nó cho phép anh dễ dàng sử dụng những đoạn tre có kích thước lớn. Anh tâm sự: “Tre thôi thúc tôi đi đến tận cùng của sự sáng tạo. Còn ở góc cạnh thực dụng, tôi muốn những người dân ở các làng quê có thể sống được từ tre, như là giữ lại hồn quê vậy. Mà giữ được tre tức giữ được môi trường, đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh cơn bão biến đổi khí hậu đang hoành hành khắp nơi”.
XUÂN THỌ