Thay vì thực phẩm đã hết hạn sử dụng hay thức ăn thừa phải vứt đi, chúng sẽ được tận dụng để tái chế thành điện năng.
Tập đoàn kinh doanh Walt Disney phối hợp với Công ty Năng lượng Harvest Power của Mỹ đã đưa ra giải pháp tận dụng thức ăn thừa để biến chúng thành điện cung cấp cho khu Walt Disney World rộng khoảng 100km2. Đây là khu vui chơi, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm… nổi tiếng thế giới, nằm ở tiểu bang Florida, đông nam nước Mỹ, thu hút khoảng 20 triệu lượt khách mỗi năm, đem về doanh thu hàng tỷ USD. Tuy nhiên, Walt Disney World cũng là nơi thải ra lượng thức ăn thừa khổng lồ từ các nhà hàng, khu vui chơi. Ông Paul Sellew, Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập Công ty Năng lượng Harvest Power cho biết, hiện nay Harvest Power đang tiến hành chế biến điện năng từ rác thải là thức ăn thừa và nhiều chất thải hữu cơ khác để phục vụ cho thành phố trung tâm của Florida và nay, ông Paul Sellew cùng Tập đoàn Walt Disney đang áp dụng mô hình sản xuất điện tương tự.
Toàn bộ thực phẩm hay thức ăn thừa tại Walt Disney World sẽ được tái chế thành điện năng. |
Tất cả loại rác thải tại khu Walt Disney World hay tại các khu vực cận kề đều được phân loại. Ông Paul Sellew nói: “Harvest Power có thể tái chế 350 tấn thức ăn thừa mỗi ngày, để chắt lọc khí mê-tan và khí các-bô-nít. Các khí này sẽ được đốt thành năng lượng điện cung cấp cho cả công viên. Walt Disney World là một quần thể quy mô nên việc sử dụng năng lượng điện một cách tiết kiệm và có lợi cho môi trường là rất cần thiết”. Hiện nay, cứ 100m3 khí chuyển hóa từ thức ăn bỏ đi, Harvest Power có thể tạo ra được 300kW điện, đủ cho một gia đình dùng trong 10 ngày. Ngoài ra, công ty hy vọng sẽ áp dụng công nghệ tái chế thức ăn thừa thành điện trên toàn nước Mỹ - nơi 90% thức ăn thừa được tống khứ vào các núi rác, gây ô nhiễm trầm trọng. Ông Sellew cũng cho rằng, tái tạo rác thải là nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ môi trường, nhưng ý thức hạn chế thức ăn thừa từ người sử dụng không kém phần quan trọng.
Hiện nay, một số nước trên thế giới thực hiện thành công mô hình tái chế thức ăn thừa thành điện hay phân bón. Năm 2007, Singapore đưa vào sử dụng nhà máy xử lý chất thải hữu cơ đầu tiên của Singapore và châu Á, thuộc Công ty IUT Global, với vốn đầu tư là 60 triệu USD. Nhà máy hiện có khả năng chuyển đổi khoảng 800 tấn rác thải thực phẩm/ngày thành điện năng, đủ cung cấp cho khoảng 5.000 gia đình. Nhà máy cũng hoạt động theo quy trình xử lý chất thải thành khí mê-tan bằng vi khuẩn. Nhưng ngoài khí mê-tan là sản phẩm cuối thứ nhất, khoảng 1/3 rác thải thực phẩm sẽ trở thành sản phẩm cuối thứ hai là phân trộn, dùng để bón cây ăn trái, rau củ.
Còn tại Áo, từ năm 1999, những chiếc xô nhỏ đựng dầu ăn đã qua sử dụng bắt đầu được thu gom để được đem đi tái chế thành điện năng. Ngoài ra, những chất béo không thể tái sinh được chuyển thành khí sinh học qua quá trình lên men, chất thải cuối cùng ở dạng bùn khô sau đó có thể tiếp tục trở thành nhiên liệu. Đến nay, Olly vẫn là hệ thống thu thập và tái chế dầu ăn thải hiện đại nhất thế giới với hơn 1 triệu gia đình người Áo tham gia. Sau thành công ban đầu ở Fritzens (Áo), nhiều thành phố lớn trên khắp châu Âu như tại Đức, Italia, Malta… đã áp dụng giải pháp tái chế này.
NAM VIỆT