Dân ta thường nghe thứ gì bổ cũng ham.
Lại nghĩ “ăn gì bổ nấy” nên cứ lấy ngọc dương, ngọc kê, ngầu pín hầm ăn cho bổ dương, cường dương, lấy chân giò, vú bò hầm đậu bổ âm…, có hay đâu bổ âm hay dương là tùy thể trạng, tùy thời khí. Đã thế, thứ quen dùng liền, thứ lạ dùng thử, nào biết sự lợi hại cũng tùy lúc, tùy nơi. Cái sự ăn cho bổ mà bổ nhào từng xảy ra, như thương thực mà ăn vịt lộn, đau bụng mà ăn yến chưng coi chừng hối không kịp. Cái sự uống thuốc bổ cũng vậy, câu dặn trong y văn “phúc thống phục nhân sâm tắc tử” là nói đau bụng uống sâm thường bị Tào Tháo rượt trối chết.
Biết vậy nhưng chuyện ăn uống cho bổ, dùng thuốc bổ vẫn diễn ra, rỉ tai nhau mọi lúc mọi nơi. Nhà thuốc thì bán đủ loại thực phẩm chức năng, lại quảng cáo trên đài báo liên tu bất tận. Sợ nhất là dùng các thứ động thực vật loạn xà ngầu để ngâm rượu uống cho bổ hay chữa bệnh. Động vật thường ngâm rượu là rắn cả hũ “ngũ xà”, “cửu xà”; rồi dái dê, bàn tay gấu, bìm bịp, cá ngựa… Thực vật thì vô số loại lá, rễ, củ, trái, hột, từ lá sâm đến rễ cau, ba kích, đinh lăng, trái sim, chuối hột… Dù biết là thuốc nam hay thuốc bắc có thứ bổ hoặc để chữa bệnh nhưng nào hay nếu không rõ nguồn gốc, chế biến không đúng cách, dùng không đúng liều, chữa không đúng bệnh thì di hại khó lường.
Cũng vì ham những thứ bổ vô thiên lủng nên uống rượu thuốc hết cả hũ, ăn vật ngon không biết dừng, sinh bệnh lúc nào không hay.
Cũng vì nghĩ thuốc nam giá rẻ mà chữa được bá bệnh nên mới có chuyện đồn về “thần dược” lâu lâu lại rộ lên.
Như mới đây, ở Đăk Nông lan truyền thứ “thuốc thần tiên” có thể chữa được hàng chục loại bệnh mà giá bán chỉ mấy chục ngàn đồng. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra mới phát hiện ra là loại thuốc này được quảng cáo chữa được… 27 loại bệnh, từ đau đầu, viêm xoang, trĩ, chóng mặt, yếu tim, trị nám, đau bao tử, kể cả bệnh phụ khoa... Thuốc được đóng gói 10 - 12 viên mỗi túi, giá 50.000 - 55.000 đồng một gói mà bao bì không ghi nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ có chữ nước ngoài. Vậy mà “thuốc thần tiên” này đã đưa vào hai hiệu thuốc, bán ra với giá từ 350.000 đến 550.000 đồng/túi và được quảng cáo là thuốc chữa bách bệnh (!?).
Do cớ sự nào mà người ta cả tin mua và dùng lung tung đến thế? Không ngoại trừ tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, cố vớt vát chút hy vọng sống sót khi đi chữa trị nhiều mà chưa hết bệnh. Nhất là cái loại ung thư, gần đây cứ nghe ai đi khám về bị bác sĩ ghi mỗi chữ K là hoảng tam tinh như nhận án tử. Ung thư trẻ già chi cũng mắc, mà sao càng ngày càng thấy nhiều thế không biết nữa(?). Ung thư có loại khắc chế được hoặc không, lại tùy phát hiện sớm hay muộn. Chạy chữa ở bệnh viện, hóa trị, chiếu xạ đủ cả, nhưng nghe ai nói có “thần dược” là tìm đến mua dùng thử. “May thầy phước chủ”, có người chữa được bệnh, người nghe êm êm, người thì nặng thêm, nhưng lời đồn thường mơ hồ “thuốc ấy, mua chỗ ấy, hay lắm đấy”. Vậy nên, có kẻ dã tâm xấu xa nhảy ra lừa gạt, như chuyện một cơ sở ở Hải Phòng lấy bột than tre tán mịn đổ vào ruột vỏ thuốc con nhộng đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư là minh chứng.
Bà con hãy coi chừng tiền mất tật mang, hết sức cảnh giác với những loại thuốc bổ bá bệnh, thuốc chữa bách bệnh. “Thần dược” mà không có “thần y” kiểm chứng thì sao biết lợi hại thế nào, cũng như đau nam chữa bắc không biết phép tắc ra làm sao. Những nhà quản lý về lĩnh vực y tế, các hội lương y, những nhà nghiên cứu về sức khỏe và bệnh tật, cần tương hỗ trong kiểm tra, kiểm chứng và khuyến cáo kịp thời cho người dùng về những loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng đang quảng cáo tràn lan trên mạng và ngoài xã hội.
ĐĂNG QUANG