Bỏ bê vườn cao su

TRẦN HỮU 11/03/2016 08:50

Giá mủ cây cao su tiếp tục xuống thấp nên doanh nghiệp đã cắt giảm nhiều khoản chi phí đầu tư. Do tiền công lao động được chi trả thấp nên người nhận khoán không thiết tha với việc chăm sóc vườn cây cao su.

Những năm trước đây, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam mạnh dạn lên vùng cao Bắc Trà My liên kết với người dân trong phát triển cây cao su đại điền theo hình thức doanh nghiệp bỏ vốn, tiêu thụ sản phẩm, người dân góp đất. Cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, công ty trả tiền công lao động cho người dân chăm sóc, dọn cỏ theo quy trình, định mức cụ thể. Hết thời hạn chăm sóc vườn cây cao su kiến thiết cơ bản, vườn cây được đưa vào kinh doanh, công ty sẽ ký hợp đồng giao vườn cây kinh doanh và đào tạo nghề cạo mủ cho công nhân, hộ nhận khoán. Đồng thời hộ nhận khoán được hưởng 37% doanh thu trong năm theo giá trị sản phẩm làm ra tại thời điểm (doanh thu theo giá cả thị trường từng thời điểm). Tuy nhiên, vì giá mủ “tụt dốc không phanh” nên công ty đã cắt giảm nhiều chi phí đầu tư không cần thiết, trong đó giảm tiền công chăm sóc hơn một nửa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người nhận khoán bỏ bê chăm sóc vườn cây.

Giá mủ cao su xuống thấp, bị cắt giảm nhiều khoản đầu tư nên người nhận khoán bỏ bê cây “vàng trắng”. Ảnh: T.H
Giá mủ cao su xuống thấp, bị cắt giảm nhiều khoản đầu tư nên người nhận khoán bỏ bê cây “vàng trắng”. Ảnh: T.H

Năm 2014, hộ ông Nguyễn Xuân Tâm (trú thôn 5, xã Trà Tân, Bắc Trà My) hợp đồng với Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam nhận khoán chăm sóc 6,48ha vườn cây cao su được trồng trên đất của ông. Theo ông Tâm, thời gian đầu, nông dân rất hài lòng với việc nhận tiền công chăm sóc vườn cao su theo giá 770 nghìn đồng/vụ/ha. Thời gian đầu, cây trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, chăm sóc 3 vụ/năm. Tuy nhiên, gần đây doanh nghiệp đã cắt giảm xuống còn 300 nghìn đồng/vụ/ha. Ông Tâm phân tích, để chăm sóc đúng bài bản cây cao su cho doanh nghiệp nghiệm thu trả tiền, mỗi héc ta cần ít nhất 20 công lao động. Tính ra tiền công lao động mỗi ngày chưa đủ một bữa ăn. “Bây giờ đi làm thuê cuốc mướn kiếm ít nhất mỗi ngày 150 nghìn đồng, chứ nhận 300 nghìn đồng mà quần quật lao động cả tuần chỉ có nước đói” - ông Tâm so sánh. Cũng theo ông Tâm, trước đây người dân góp đất liên kết làm ăn, hài lòng với tỷ lệ ăn chia khi thu hoạch, nhưng điều khiến họ “ưng cái bụng” nhất là được giải quyết công ăn việc làm thường xuyên, công ty trả tiền chăm sóc cây xứng đáng. Tuy nhiên, với giá nhân công quá rẻ, người dân không thể vịn vào đó để kiếm sống qua ngày, trong khi cây cao su ít nhất cũng 5 - 7 năm sau mới có thể thu hoạch.

Tương tự, hàng chục hộ dân khác ở thôn 5 và các thôn thuộc xã Trà Tân có nhận khoán cũng không mặn mà chăm sóc vườn cao su. Kể cả ông Hồ Văn Tùng - Trưởng thôn 5 (xã Trà Tân) góp 3ha đất trồng cao su cũng ngừng chăm sóc vườn cao su hơn 3 năm tuổi. Theo chính quyền địa phương, phần lớn người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đều có cuộc sống khó khăn. Nguyên đất trồng cao su là nương rẫy, đất đồi trồng rừng của người dân. Không ít người có nguyện vọng muốn lấy lại đất để trồng keo. Về việc cắt giảm tiền chăm sóc cây cao su, ông Mai Văn Pháp - Giám đốc Nông trường Cao su Bắc Trà My 2 (đơn vị ủy quyền của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) cho rằng, đây là quy định của tập đoàn cao su, nông trường chỉ thực hiện mà thôi. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi người dân phản ứng về tiền công rẻ mạt, phía nông trường và chính quyền huyện Bắc Trà My đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc họp, trong đó chủ yếu kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp và nhiều nơi quy trình chăm sóc vườn cao su trong giai đoạn kiến thiết được thực hiện nghiêm túc. Bị ảnh hưởng quyền lợi, người trồng cao su  phản ứng là bình thường. Còn nhớ cuối năm 2015, do không thống nhất việc chia lợi nhuận với Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang nên 31 hộ trồng cao su ở thôn Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) cương quyết không cho công ty khai thác mủ. Tuy nhiên, đến nay thì giữa doanh nghiệp và người trồng cao su đã tìm được “tiếng nói chung”.

Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, sau khi nhận được ý kiến phản ảnh của người trồng cao su, chính quyền đã vào cuộc giải quyết. Trước mắt, vận động người dân tiếp tục chăm sóc vườn cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản; tuyệt đối không được chặt bỏ cây cao su. Về lâu dài, chính quyền sẽ định hướng cho đồng bào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỏ bê vườn cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO