Bỏ lúa trồng đậu

TƯ RUỘNG 29/12/2015 08:48

Hôm Chủ nhật vừa rồi, lên vùng tây huyện Duy Xuyên tìm hiểu tình hình sản xuất vụ đông xuân, Tư tôi tình cờ gặp vợ chồng anh Tám Duy Hòa vác cuốc ra đồng. Anh Tám cho biết, cả 4 sào ruộng của anh đều phụ thuộc vào nguồn nước từ hồ chứa Vĩnh Trinh. Tuy nhiên, do số diện tích này nằm ở khu vực cuối kênh nên mấy chục năm qua việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn vì thường xuyên bấp bênh nước tưới. Theo anh Tám, nếu vụ nào trúng mùa thì 1 sào anh gặt được 200 - 220kg lúa khô, còn nắng hạn hoành hành thì chỉ thu 130 - 150kg, thậm chí không ít vụ mất trắng. Anh Tám nói: “Thấy tình hình thời tiết ngày càng cực đoan nên từ vụ hè thu 2014 tui chuyển bớt 2 sào lúa sang trồng giống đậu phụng TB25. Nhờ giống đậu này có sức chịu hạn tốt, ứng dụng hiệu quả quy trình canh tác tiên tiến, chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại nên mỗi vụ tui lặt được 125kg đậu phụng khô/sào. Cân bán tại nhà cho tư thương với giá 21 nghìn đồng/kg thì 1 sào đạt giá trị hơn 2,6 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư, còn lại lãi ròng 1,4 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gieo sạ lúa thì họa may chỉ lời được 400 - 500 nghìn đồng/sào. Mà, chuyện đó hiếm lắm, lâu ni chủ yếu là huề vốn hoặc thua lỗ”. Đầu vụ đông xuân 2015 - 2016 này, nghe thông tin lượng nước tích trữ của hồ chứa Vĩnh Trinh bị thiếu hụt rất nhiều, nguy cơ hạn hán nghiêm trọng sẽ xảy ra trong thời gian tới nên vợ chồng anh Tám Duy Hòa quyết định chuyển luôn 2 sào đất lúa còn lại sang gieo tỉa giống đậu phụng TB25 với hy vọng tăng thêm nguồn thu nhập.

Nhiều chân ruộng bấp bênh nước tưới đã được nông dân Duy Xuyên chuyển sang gieo trồng đậu phụng.
Nhiều chân ruộng bấp bênh nước tưới đã được nông dân Duy Xuyên chuyển sang gieo trồng đậu phụng.

Trao đổi với Tư tôi, ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, nhằm giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương tích cực vận động người dân chuyển những chân đất lúa thường gặp khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng một số loại rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Ông Năm nói: “Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã chuyển 144ha đất lúa canh tác kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, bắp lai và nhiều loại hoa màu khác. Hồi trước, nếu gieo sạ lúa trên các chân ruộng bấp bênh nước tưới thì cao tay lắm mỗi vụ nông dân chỉ thu chừng 10 triệu đồng tiền lãi/ha. Còn nay, chuyển qua sản xuất cây trồng cạn, số tiền lời tăng lên 30 triệu đồng/ha. Theo kế hoạch, trong những năm đến huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều khâu để nhân dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn chuyển thêm ít nhất 455ha đất lúa không chủ động tưới sang luân canh và xen canh cây trồng cạn”.

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, do từ đầu năm 2015 đến nay lượng mưa quá ít nên hiện giờ dung tích nước của hồ chứa Vĩnh Trinh thiếu hụt khoảng 3 triệu mét khối. Nếu thời gian tới không có mưa bổ sung thì chắc chắn trong vụ hè thu 2016 sẽ có ít nhất 200ha lúa ở những vùng cuối kênh thuộc các xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh bị khô hạn nặng. Trước tình trạng đó, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên cùng chính quyền 3 địa phương vừa nêu đã lên phương án chuyển số diện tích đất canh tác lúa ấy sang sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày…

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỏ lúa trồng đậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO