Một cán bộ làm công tác quản lý TD-TT lâu năm từng chia sẻ một cách vừa hóm hỉnh nhưng cũng vừa có phần chua chát rằng, ngành của ông làm nhiệm vụ tổ chức cho người khác vui chơi (ý nói tổ chức các giải đấu thể thao). Làm trối chết, tốt chẳng ai khen lấy một tiếng. Còn nếu chưa tốt hay lỡ có sai sót, khiếm khuyết nào đó thì lập tức bị chê bai, phê bình đủ kiểu. Cũng vì cách nhìn “vui chơi là chính” nên không ít lãnh đạo địa phương thiếu sự quan tâm đến ngành TD-TT, từ chuyện phân giao ngân sách hoạt động đến việc đầu tư, phát triển phong trào. Vị cán bộ này còn bảo, ngành TD-TT địa phương nào may mắn có lãnh đạo đam mê thể thao còn đỡ, nếu không thì chỉ còn cách… ngửa mặt lên trời mà than!
Từng chiếm đến 1/3 số lượng nhưng tại giải Đua thuyền truyền thống Phát thanh truyền hình Quảng Nam năm 2015 không một thuyền đua nào của huyện Duy Xuyên khiến cho nhiều người băn khoăn. |
Nhưng trách chi lãnh đạo địa phương, ngay cả những người trong cuộc cũng chưa hẳn đã thật sự “mặn mà” với công việc của mình. Điển hình như tại hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2015 do Sở VH-TT&DL tổ chức cách đây nửa tháng, không ít người ngồi dưới hội trường ngạc nhiên khi các ý kiến phát biểu thảo luận đều tập trung vào công tác văn hóa, du lịch, bảo tồn di tích mà “quên mất” ngành TD-TT họ đang trực tiếp quản lý. Chỉ đến khi chủ trì hội nghị - Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài trước khi kết luận hội nghị hỏi “còn ý kiến nào nữa không” thì một đại diện của Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Nam mới đưa tay phát biểu “đòi” sở đưa giải võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam vào kế hoạch tổ chức năm 2016 “vì đây là giải truyền thống 2 năm tổ chức 1 lần do Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Nam và Sở VH-TT&DL tổ chức”.
Nói chuyện này không phải có ý chê bai gì ngành TD-TT. Bởi thực tế hiện nay, ngành TD-TT, nhất là ở các địa phương đang gặp không ít tồn tại, khó khăn cần có sự thảo luận, đóng góp ý kiến từ các nhà quản lý để cùng chia sẻ và giúp lãnh đạo ngành VH-TT&DL tìm giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn, ngay sau đề nghị của Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Nam, Giám đốc Sở VH-TT&DL đã lập tức đồng ý. Năm qua, một số giải đấu lớn và có truyền thống của tỉnh như đua thuyền, bóng đá, taekwondo… lâm vào cảnh “chợ chiều” khi mà không có nhiều địa phương tham gia (đua thuyền có 4 địa phương; bóng đá có 6 địa phương; taekwondo có 7 địa phương với vỏn vẹn 48 vận động viên, trong đó một số nội dung chỉ có 2 vận động viên). Vì sao như vậy? Bên cạnh khó khăn do eo hẹp về kinh phí, có một lý do khác có lẽ cũng quan trọng không kém đó là sự thiếu nhiệt tình của các địa phương. Một cán bộ làm công tác tổ chức thi đấu cho rằng việc chưa có được sự động viên, nhắc nhở và cả quy định chế tài của sở là nguyên nhân không thu hút được nhiều địa phương tham gia. Tại sao các giải đấu có sự phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân tỉnh hay các cơ quan, ban, ngành khác lại thu hút đông đảo hơn các giải do ngành TD-TT tổ chức là câu hỏi cần được giải đáp.
TD-TT ngày càng được coi trọng và đặt đúng vị trí của nó trong đời sống xã hội. Đầu tư cho sự nghiệp TD-TT cũng là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của xã hội. Đừng xem TD-TT chỉ là “vui chơi” để rồi “bỏ quên” như cách nghĩ và thực hiện của một số người.
ANH SẮC