Bổ sung nhiều nội dung mới vào Luật Tố cáo

T.S (tổng hợp) 30/05/2017 09:04

Ngày 29.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết Luật Tố cáo đã được Quốc hội thông qua ngày 11.11.2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2012. Sự ra đời của Luật Tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo, giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chẳng hạn nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết trong nhiều trường hợp còn gặp vướng mắc nhất định như: khi người bị tố cáo đã chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo cơ quan, tổ chức… Luật Tố cáo chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo còn thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể trong việc xử lý đối với một số tình huống: việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; quy định về việc rút đơn tố cáo; tạm dừng, đình chỉ giải quyết tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý về tố cáo. Các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo nên cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất… Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người; tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc ban hành Luật Tố cáo (sửa đổi) là cần thiết.

Dự thảo luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, dự thảo luật còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời để phân biệt tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng hình sự, hành chính, dân sự, khoản 2 Điều 1 dự thảo luật quy định: “Tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này mà được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng”. Cũng nhằm phân định rõ việc giải quyết tố cáo trong luật này với việc giải quyết đối với tố giác và tin báo về tội phạm, khoản 3 Điều 1 dự thảo luật quy định: “Việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

Về các hình thức tố cáo, có ý kiến cho rằng, ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự thảo luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm. Đối với vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm các hình thức trên… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay.

Đối với tố cáo nặc danh, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo luật là không quy định về giải quyết. Bởi, tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật. Tuy nhiên, luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có hiệu quả, vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp này cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù, coi đây là việc phản ánh, tiếp nhận thông tin để bảo vệ pháp luật, không thuộc quy trình xử lý tố cáo.

T.S (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bổ sung nhiều nội dung mới vào Luật Tố cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO