Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào ngày càng phát triển, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của các cửa khẩu quốc tế biên giới hai nước.
Tại cửa khẩu Bờ Y - Phu Cưa. Ảnh: asianews.net |
Trang tin Asia News Network (Mạng lưới tin tức châu Á) vừa đăng tải bài viết của phóng viên Somsack Pongkhao về hoạt động ngày càng sôi nổi tại cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum, Việt Nam) và Phu Cưa (hay Phoukeua, tỉnh Attapeu thuộc miền đông nam của Lào). Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có vị trí rất thuận lợi trong sự giao thương phát triển với các vùng trọng điểm trong nước, cũng như các nước trong khu vực và quốc tế khi nằm trên ngã ba biên giới trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Sau 55 năm kể từ ngày Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2017), quan hệ kinh tế hai nước ngày càng phát triển, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các cửa khẩu tại biên giới hai nước như Bờ Y - Phu Cưa. Lượng du khách và hàng hóa bang giao hai nước thông qua cặp cửa khẩu này ngày càng tăng. Nhất là khi Việt Nam - Lào thực hiện “Thỏa thuận Hà Nội năm 2007” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới, thúc đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, cặp cửa khẩu Bờ Y - Phu Cưa đón 63.500 lượt người, cùng với hơn 9.000 lượt phương tiện qua lại, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 65 triệu USD. Theo Vietnam News, tính từ năm 2005 đến tháng 4.2017, tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y có hơn 2,8 triệu lượt người và hơn 311 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 1,27 tỷ USD. “Thỏa thuận Hà Nội năm 2007” không chỉ góp phần thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế mà giúp thu hút khách du lịch đến với các tỉnh Nam Lào. Phát biểu trên tờ Vientiane Times của Lào, Bounnan Bounnaseng - Giám đốc Sở Thông tin - văn hóa và du lịch của tỉnh Attapeu cho biết, ngày càng có nhiều lượt du khách Việt đến với tỉnh. “Có khoảng 300.000 lượt du khách tham quan Attapeu mỗi năm, trong đó du khách Việt Nam chiếm đến 80%. Ở chiều ngược lại, cũng ngày càng có nhiều người Lào tham quan tỉnh Kon Tum vì đường đi đã thuận lợi hơn. Người dân hai bên qua lại không chỉ tham quan du lịch mà còn vì các hoạt động kinh doanh” - Bounnan Bounnaseng nói. Đến nay, phía Lào đã xây dựng các chợ, nhà hàng, cửa hiệu để người dân địa phương bán hàng hóa, sản phẩm, hay phục vụ ẩm thực cho du khách, cải thiện đáng kể đời sống người dân vùng biên giới. Và ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa từ Việt Nam thâm nhập các chợ của Attapeu.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu Bờ Y - Phu Cưa, các cơ quan chức năng hai tỉnh Kon Tum và Attapeu thống nhất kiến nghị bổ sung và hoàn chỉnh thêm “Thỏa thuận Hà Nội năm 2007” như bổ sung nguồn nhân lực và phương tiện máy móc tại cặp cửa khẩu Bờ Y - Phu Cưa, nâng cấp tuyến đường 18B nối cửa khẩu Phu Cưa đến Attapeu, tạo điều kiện cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa được nhanh và an toàn hơn…
NAM VIỆT