Giải bóng đá chuyên nghiệp nhất Việt Nam - V-League có 14 đội. Về mặt lý thuyết, đây là những câu lạc bộ mạnh nhất nước nên công tác đào tạo trẻ hẳn tốt hơn các câu lạc bộ đang thi đấu ở giải hạng nhất hay hạng nhì. Tuy nhiên, trải qua vòng loại giải U21 Báo Thanh Niên năm 2016, thực tế lại phản ánh không đúng như vậy!
Vòng chung kết giải U21 Báo Thanh Niên năm 2016 vừa khởi tranh tại Quảng Ninh cho thấy, trong số 8 cái tên góp mặt chỉ có 4 đội xuất thân từ lò đào tạo của các câu lạc bộ đang thi đấu tại V-League gồm Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai, Sanna Khánh Hòa và chủ nhà Than Quảng Ninh. Sở dĩ nhắc đến tên Long An sau, bởi đây là đội bóng vừa trụ hạng sau một mùa giải đầy lận đận phải tranh vé vớt vào phút cuối. Ngược lại, Đồng Tháp vừa rớt xuống hạng nhất nhưng lứa đàn em vẫn thể hiện được tài năng của mình khi giành vé đi Quảng Ninh. An Giang hay PVF đang chơi ở giải hạng nhì song các cầu thủ trẻ của họ cũng hiên ngang vào vòng chung kết.
Sông Lam Nghệ An (bên trái) là cái nôi của bóng đá trẻ nhiều năm qua nhưng lại không thể giành quyền dự vòng chung kết giải U21 Báo Thanh Niên năm 2016. Ảnh: T.VY |
Trong khi đó, vòng chung kết U21 năm nay lại thiếu vắng hàng loạt trung tâm đào tạo có danh tiếng lâu nay, chẳng hạn như Sông Lam Nghệ An. Là đội bóng từng 5 lần vô địch, tuy nhiên, một lần nữa các cầu thủ trẻ lò đào tạo Sông Lam Nghệ An lại vắng bóng ở ngày hội bóng đá trẻ lớn nhất nước. Nhưng thất bại của đội bóng xứ Nghệ còn có thể chấp nhận được khi ở chung bảng vòng loại với các lò đào tạo khá tốt là Hà Nội T&T hay Viettel. Becamex Bình Dương mới là đội đem lại sự thất vọng nhất khi xếp thứ 4 vòng bảng, sau cả U21 Bình Phước. Không chỉ vậy, qua vòng loại mới thấy một nghịch lý khác. Trong số 4 bảng thì có đến 3 bảng mà đội xếp chót là các câu lạc bộ đang thi đấu tại V-League gồm FLC Thanh Hóa, Cần Thơ và QNK Quảng Nam. Ngoài ra, một số trung tâm đào tạo bóng đá trẻ lớn lâu nay cũng đứng ngoài cuộc như Hải Phòng hay SHB Đà Nẵng. Từng 3 lần vô địch giải U21, song năm nay SHB Đà Nẵng không đủ quân để tham gia vòng loại cho thấy một sự thật bi đát trong công tác đào tạo trẻ của CLB bóng đá bên bờ sông Hàn.
Mà đâu chỉ có giải U21, nhiều giải bóng đá trẻ trước đó cũng vắng mặt các câu lạc bộ V-League. Chẳng hạn ở vòng chung kết U19 quốc gia, những câu lạc bộ như Hải Phòng, SHB Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An, hoặc không tham gia, hoặc bị “rớt đài” từ vòng loại. Thay vào đó là những cái tên đang chơi ở giải hạng nhất và hạng nhì như Bình Định, An Giang. Rõ ràng các giải trẻ gần đây đang thể hiện một nghịch lý trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Giải U21 được coi là bệ phóng cho các cầu thủ trẻ thể hiện mình để bước ra sân chơi lớn hơn là giải hạng nhất và V-League. Vậy mà, nhiều câu lạc bộ lại không tham gia hoặc bị loại từ khá sớm. Chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” của cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam - ông Alfred Riedl. Không ngờ, nhận định của vị HLV người Áo cách đây gần 20 năm nhưng đến nay vẫn còn mang tính thời sự đối với bóng đá Việt.
Những nhà làm bóng đá Việt Nam thời gian qua cũng đã nghĩ ra nhiều cách để tạo động lực phát triển công tác đào tạo bóng đá trẻ, như buộc các câu lạc bộ phải tham gia các giải trẻ và phạt tiền nếu không tham dự. Song, thực tế hiện nay vẫn còn khá nhiều câu lạc bộ tỏ ra “dửng dưng”. Không phải vì xem thường quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, cũng chẳng phải chả thích thú gì với các giải trẻ, mà điều quan trọng, cốt lõi là các câu lạc bộ không có tuyến trẻ. Vì vậy, để tham gia giải, nhiều đội bóng phải vay mượn quân tướng từ các đội bóng khác. Một đội bóng theo kiểu “năm cha bảy mẹ” như vậy thì hiển nhiên chất lượng không cao và đó là điều mà các câu lạc bộ không “mặn mà” với giải trẻ.
Giải U21 Báo Thanh Niên - một giải đấu sôi động và được xem là bước đệm cho đội tuyển U23 cũng như đội tuyển quốc gia, song rất tiếc lại thiếu vắng những cầu thủ giỏi, những trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu cả nước. Sự hụt hẫng này phần nào nói lên thực trạng đáng buồn của bóng đá Việt Nam nhiều năm qua khi mãi chạy theo phần ngọn mà không lo chăm sóc phần gốc. Thế nên, cũng đừng buồn vì sao các đội tuyển quốc gia của chúng ta không có được thành tích tốt.
TƯỜNG VY