Ước mơ được giàu có “tiền muôn bạc vạn” dường như luôn thường trực trên mảnh đất người đời.
Xưa, cổ tích đã có chàng Ali Baba nghèo khó nhờ tình cờ phát hiện kho báu mà giàu sang; rồi chàng trai chịu thương chịu khó được chim ăn khế trả vàng…
Nay, thì bàng bạc mỗi ngày râm ran chuyện ly kỳ đi nhặt rác mà được vàng, tiền; lùa bò lên núi lượm được cục vàng mấy ký dưới suối...
Những chuyện ngẫu nhiên như vận vào câu nói “trời thương ai nấy nhờ”, cầu được ước thấy, “ông trời có mắt”. Nhiều số phận nghèo khó bỗng dưng giàu có vì nhặt được của, khiến người ta hiếu kỳ nhưng nghe rồi thôi. Song, lại có những chuyện bỗng dưng giàu có khác thì không ngẫu nhiên chút nào.
Cậu bé Huỳnh Hằng Hữu, con của đại gia Dũng “lò vôi” ở Bình Dương, mới lên 1 tuổi đã được trao thừa kế tài sản mấy nghìn tỷ đồng. Và, rất nhiều thiếu gia chưa thấy bộc lộ tài cán gì nhưng được thừa hưởng gia tài từ ông bố bà mẹ giàu có. “Con vua thì lại làm vua”, phải chăng điều ấy đúng với tầng lớp nhà giàu đang xuất hiện trong xã hội Việt Nam? Phải chăng, khác với các tỷ phú của thế giới như Bill Gates, chỉ để lại thừa kế một phần ít ỏi cho con cái, còn chủ yếu để làm từ thiện, nhưng giới nhà giàu ở ta thích khoe của? (Xin nhắc nhớ rằng, Gates là người giàu nhất thế giới theo danh sách tỷ phú của Forbes từ 1995 tới 2007 và 2009. Và ngày 2.3.2015, cũng tạp chí trên bình chọn Bill Gates lần thứ 16 lại tiếp tục giành danh hiệu người giàu nhất thế giới).
Hậu quả của sự khoe của trong giới nhà giàu là kích thích lòng tham của con người, nhất là với ai luôn bị mặc cảm nghèo hèn. Không ít người xuất thân nghèo khổ đã chọn con đường “Đỏ và Đen”, bỏ liêm sỉ để săn lùng thiếu gia, ái nữ nhà giàu, hòng tìm cách đổi đời nhờ… bỗng dưng giàu có vì được nhà vợ/chồng chu cấp tiền của. Và không ít trường hợp cướp của giết người vì lòng ham muốn giàu có nhanh, như một sự ẩn ức “giàu thì ghét, nghèo thì khinh”.
Ham muốn bỗng dưng giàu có không chỉ diễn ra trong xã hội dân thường mà còn cả giới quan chức. Không dưng mới đây, trong bài phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ “kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như (…) kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…”. (Ở đây chỉ trích đoạn liên quan đến bài viết). Rõ ràng có một “bộ phận không nhỏ” quan chức ở xứ ta bỗng dưng giàu có nhanh, khiến người dân bức xúc đặt câu hỏi về “quốc nạn” tham ô, tham nhũng. Điều đáng suy ngẫm là, cơ chế thực hiện giám sát, xác định đối tượng ấy như thế nào và xử lý ra làm sao? Chúng ta đã biết việc kê khai tài sản của cán bộ làm nhiều năm rồi. Có người kê khai đúng, nhưng có người đưa tài sản cho vợ con, cháu rể đứng tên thì làm sao? Vợ con, cháu rể của các quan chức không thể bỗng dưng giàu có được. (Từng có hơn 944.400 người đã kê khai tài sản thu nhập năm 2013. Nhưng chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập, trong đó có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập không trung thực và 6 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản thu nhập – Con số do Thanh tra Chính phủ nêu trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014). Còn ở Hà Nội, nơi “có nhiều mùa thu”, năm 2014 có hơn 34.000 người kê khai tài sản (đạt 99,93% tổng số người phải kê khai). Nhưng sau đó, “không có trường hợp nào phải xác minh và xử lý về kê khai tài sản thu nhập không trung thực”(?!).
Muốn giàu có nhanh thì phải học… Larry Page và Sergey Brin - những người sáng lập Google. Chỉ với bàn tay và khối óc của mình mà qua sáu năm họ trở thành tỷ phú. Ở xứ Việt ta, mấy ai sẽ học được điều đó?
NGUYỄN ĐIỆN NAM