Ngày nay, gần như môn thể thao nào của phái mày râu thì phái nữ cũng… chơi được. Có thể thấy, từ các môn cần yếu tố kỹ thuật cao như thể dục dụng cụ, quần vợt, bóng bàn, cầu mây đến những môn đòi hỏi sức mạnh như đấu kiếm, bóng đá, bóng chuyền, võ thuật…, phận “liễu yếu đào tơ” cũng đều góp mặt. Ngay như chặng đường dài 42,195km của môn marathon, cô gái quê ở Điện Bàn Nguyễn Thị Hòa nhiều năm là đại diện cho nước nhà “chuyên trị” nội dung này tại các giải thế giới và từng về thứ nhì SEA Games 23, cho thấy sự nỗ lực phi thường rất đáng nể của phái nữ. Nhiều nữ vận động viên (VĐV) đã trở thành nhà vô địch Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới, là biểu tượng của giới trẻ, làm rạng danh nền thể thao nước nhà.
Một pha thi đấu dũng mãnh của các nữ võ sĩ karatedo tại Giải Karatedo toàn quốc 2013. Ảnh: A.S |
So với các nghề nghiệp khác thì nghề VĐV luôn bị thiệt thòi, trong đó phái nữ chơi thể thao càng chịu thiệt. Ngoài căng sức tập luyện để có “vai u thịt bắp”, họ còn phải tạm gác lại chuyện học tập, tình cảm riêng tư mới hy vọng có thể gặt hái được kết quả tốt khi thi đấu. Để trở thành nhà vô địch SEA Games môn Karatedo 2 kỳ liên tiếp, cựu VĐV Bùi Thị Triều cho biết không ít lần cô đổ cả máu trên sân tập. Vất vả là vậy, nhưng cuộc đời VĐV lại có nhiều ngả rẽ khác nhau. Gặt hái thành công trên các đấu trường quốc gia, quốc tế và sau này có điều kiện tiếp tục đi học trở thành huấn luyện viên như cô gái Núi Thành này chỉ là thiểu số. Còn lại, phần lớn các bóng hồng sau thời gian vắt kiệt sức cho thể thao đã trở về cuộc sống đời thường với những thua thiệt so với bạn bè.
Không chỉ thua thiệt về sức khỏe, tinh thần, phái nữ còn ít nhận được sự quan tâm hỗ trợ, thậm chí bị phân biệt đối xử không công bằng. Chẳng hạn, các cô gái chơi bóng đá nhiều lần đem chức vô địch SEA Games về cho Tổ quốc nhưng chưa bao giờ được tưởng thưởng xứng đáng như những gì đồng nghiệp nam thụ hưởng. Bởi vậy, nếu bóng đá nam giúp cho các cầu thủ có thu nhập “khủng”, thì nữ cầu thủ dù vô địch Đông Nam Á vẫn không thể. Vì thế, bán bánh mì, bán xôi, sữa đậu nành để kiếm sống với một số nữ VĐV sau khi giải nghệ đã trở thành chuyện không phải hiếm trong làng thể thao Việt Nam.
Thế nhưng, có thể thấy bất chấp những thiệt thòi và cả thiệt hại, ngày nay phái nữ vẫn tràn đầy nhiệt huyết với thể thao, coi đó như là niềm vui sống, niềm đam mê của mình. Do vậy, không chỉ cánh đàn ông mà toàn xã hội nên dành cho họ những đóa hoa hồng thật rực rỡ trong ngày 8.3. Còn với chúng tôi, những người có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với các nữ VĐV, xin ngả mũ nể phục và trân trọng công sức, mồ hôi mà các chị, các em đã đổ ra trên sân tập và sân đấu.
ANH SẮC