"Bóng hồng" ở gác chắn

20/01/2016 08:34

Dẫu ngày mưa hay nắng, những phụ nữ làm công nhân gác chắn vẫn thường trực ở trạm đón những chuyến tàu ngược xuôi. Một công việc bình dị là gác cho những chuyến tàu an toàn đi qua địa bàn Tam Kỳ nhưng ẩn sau đó là bao trách nhiệm lớn lao.Gác chắn Tam Kỳ nằm ngay trên ngã tư giao nhau giữa tuyến đường tránh Nguyễn Hoàng và đường Trần Cao Vân. Lưu lượng xe cộ lưu thông qua đoạn này rất đông, lại có tuyến đường sắt cắt ngang nên để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, an toàn cho những chuyến tàu, chuyến xe, gác chắn được xây dựng và cắt cử người trực 24/24 giờ. Mỗi ca làm việc có 2 người, mỗi ngày có 2 ca trực. Có một điều đặc biệt, đảm nhận ca trực tại gác chắn Tam Kỳ có 6 công nhân đều là phụ nữ.Chị Tăng Thị Mỹ Ly (30 tuổi, ở khối phố 3, phường An Xuân, Tam Kỳ) đã có thâm niên làm công nhân gác chắn được gần 6 năm. Chị cho biết, công việc này khá vất vả đối với phụ nữ nhưng làm mãi thành quen. Trước đây ông bà nội, ngoại và cha mẹ đều làm nghề gác chắn nên chị xin vào làm. Chồng chị Ly cũng là công nhân ngành đường sắt làm bên bộ phận duy tu cầu đường. Gia đình cảm thông và hiểu được những nhọc nhằn của nghề nên luôn động viên và hỗ trợ để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị Ly chia sẻ: “Cả hai vợ chồng cùng làm trong ngành nên rất hiểu nhau. Buổi nào vợ đi trực thì chồng chăm con”.Không giống những lao động ngành nghề khác, nhân viên gác chắn đường ngang phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 11 - 12 tiếng đồng hồ, có những ban phải trực 24 tiếng. Nghề gác chắn khi đã lên ban, nhân viên không được rời trạm. Công việc của những “bóng hồng” gác chắn mỗi ngày là vẫn đều đặn nghe điện thoại trực ban, báo chuyển, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và canh giờ kéo barrier để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không có chướng ngại nào. Nghe đơn giản là vậy, nhưng đằng sau đó là bao nhọc nhằn đòi hỏi sự nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi và trách nhiệm đè nặng lên đôi vai của những người gác chắn. Bởi hằng ngày, họ phải bảo đảm an toàn cho hàng nghìn người.Tại gác chắn Duy Tân ở km 865+992, cách gác chắn Tam Kỳ gần 1km, chị Phạm Thị Huệ (ở khối phố 5, phường An Sơn) đang mang thai ở tháng thứ 6 vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình. với chị, công việc vẫn là công việc, trách nhiệm luôn được đề cao. Theo chị, dù trực đêm hay ngày thì công nhân gác chắn vẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt nguyên tắc nghề nghiệp, đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu. Chị Huệ cho hay, những công nhân nữ khi mang thai như chị nếu sức khỏe tốt đều làm việc đến tháng cuối thai kỳ mới nghỉ. Đơn vị đều tạo điều kiện để các chị làm việc trong điều kiện cho phép. Những người phụ nữ theo nghề này đều chấp nhận hy sinh vì công việc, hầu như họ có rất ít thời gian chăm lo cho gia đình và bản thân. Khi đã lên ban, mọi sinh hoạt  đều tại chỗ.Tuyến đường sắt đi qua địa phận Tam Kỳ hiện có 5 gác chắn lớn, chắn tại những địa điểm có lưu lượng người và xe cộ lưu thông đông đúc. Đối với ngày thường, mỗi ban trực đón từ 12 đến 15 chuyến tàu đi qua gác chắn. Riêng ngày tết có trên 20 chuyến tàu. Khối lượng công việc không hề nhỏ. Đội công nhân thực hiện nhiệm vụ tại các gác chắn có 19 người thì trong đó có đến 14 nữ, còn lại là nam. Các “bóng hồng” đều có độ tuổi từ 24 - 36. Cái nghề đặc thù những tưởng chỉ đàn ông có sức khỏe mới kham nổi, nhưng với những phụ nữ này vẫn bám trụ và làm tốt công việc được giao. Ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, 14 “bóng hồng” trên cung đường sắt đi qua địa phận Tam Kỳ quanh năm gắn bó với trạm chắn - làm một công việc thầm lặng mà cao cả.BẢO HOÀNG
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bóng hồng" ở gác chắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO