Có sống ở một thành phố luôn tràn đầy tiếng xe trên phố, tiếng người lao xao ồn ào quán xá, nghĩa là luôn ăm ắp năng lượng dồi dào như Sài Gòn mới thấy nhịp sống rất nhanh, thời gian vùn vụt qua... hay đúng hơn người ta luôn chạy đua với thời gian, tưởng chừng không bao giờ đủ. Thành phố, mà có lần anh Bửu Ý đã nhẹ nhàng gọi là nơi đầy bao dung, không mặc cả. Ai đến, ai đi, ai thương, ai ghét cũng chẳng hề chi. Nó vẫn cuồn cuộn hiên ngang sống. Nhưng dù ở gần hết đời người nơi đây, tôi vẫn không sao quên được những ngày cận tết. Xô bồ, chen chúc, tấp nập nhưng trong từng căn nhà, từng góc phố, người ta vẫn tề tựu vào trưa chiều 30 Tết bên mâm cơm đón ông bà.
Ấm áp bữa cơm gia đình cuối năm. |
Đời sống thị dân quanh năm tất bật. Có khi cả ngày vợ chồng con cái chỉ gặp nhau lúc sớm mai hay may lắm là trước khi đi ngủ. Bởi con đi học sớm hơn cha. Cha đi làm về trễ thì con lại phải đi học thêm, phụ đạo. Đứa lớn cũng phải đi làm, có khi tăng ca… Cứ thế nhịp sống miên man trôi đi, cuốn theo bao lo toan, phiền muộn. Con người luôn bận rộn với đủ thứ ràng buộc về thời gian, thậm chí trước tết còn lo nhiều hơn, từ sơn sửa nhà, mua sắm, chuẩn bị quà cáp… cho đến tận trưa 29 hay 30 tết (tùy năm). Vào ngày cuối cùng của năm cũ thì hoặc trưa hoặc chiều, họ họp mặt trong không khí thiêng liêng, ấm cúng không chỉ để ăn cơm cùng nhau mà phải gọi là cùng dự lễ đón ông bà về ăn Tết - nghe thân tình và gần gũi, dù biết âm - dương cách biệt! Nơi họp mặt là nhà cha mẹ (nếu còn cha mẹ), từ đường, hoặc nhà của anh/chị lớn nhất. Thức cúng thì tùy miền là mâm cơm với các món ăn ngày tết, thường có con gà và mâm ngũ quả, ngoài ra có thể có các món như thịt kho, canh bún tàu (miến), canh măng, đặc biệt là những món bánh chưng với dưa hành (Bắc), dưa muối hoặc củ kiệu với bánh tét (người Trung và Nam). Lưu ý là các ngày tiếp theo, mỗi ngày họ đều cúng, nhất là những cụ cao niên xưa luôn yêu cầu đèn nhang thắp suốt mấy ngày tết cho đến lễ tiễn ông bà (lễ hóa vàng) thì việc thờ cúng gia tiên trong ngày tết mới coi là đã hoàn tất. Buổi họp mặt cuối năm vì thế được gọi nhiều tên: cúng tất niên, đón ông bà, cúng 30 Tết…, có nhà làm sát giờ đón giao thừa. Người Việt dù ở nơi đâu, không về nhà hay về nước được vẫn luôn giữ nghi lễ này như một dịp nhớ đến nguồn cội, họp mặt chung vui hiếm hoi trong năm, thậm chí còn quan trọng hơn cả những bữa gặp đầu năm vì bận bịu thế nào đi nữa, vẫn phải ngồi lại với nhau một lần trước tết. Bữa cơm cuối năm trở nên thiêng liêng vì không chỉ làm người sống gần gũi với nhau mà kết nối cả thế giới bên kia với niềm tin rằng mối quan hệ sống thế nào thì chết vẫn như thế, nên có lúc người ta quan niệm rằng ở Việt Nam đạo thờ ông bà là quốc đạo.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu (Ca dao)
Chữ “thờ” ở đây hiểu là tôn kính, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ lúc còn sống và thờ cúng khi họ đã khuất. Cho nên mỗi nhà đều rước ông bà. Trong khói nhang nhè nhẹ bay, người con trưởng khấn nguyện mời ông bà về ăn tết với cháu con, gia hộ tất cả bình yên, khỏe mạnh...
Cần gìn giữ những buổi họp mặt như thế vì nó nhắc ta rằng ta đang có một gia đình, ngoài ra còn có một đại gia đình, một dòng tộc đáng tự hào và khiến chúng ta phải giữ vững phẩm cách, sợ trở thành nỗi xấu hổ cho thân tộc khi mình làm điều sai quấy.
Cần gìn giữ bữa cơm cuối năm vì nó nuôi lớn tình yêu trong ta, khiến ta cảm thấy gắn bó với những người cùng huyết thống, rộng hơn, khiến chúng ta yêu dân tộc mình hơn, một dân tộc hiếu hòa quây quần bên nhau ngày tết luôn trở nên mạnh mẽ và anh hùng khi bị xúc phạm.
Cần gìn giữ bữa cơm ấy cho những người con xa xứ trở về, cảm thấy mình vẫn là một thành viên được đón tiếp ân cần trong gia tộc, là một tế bào trong máu xương Tổ quốc vĩ đại kia .
Cần lắm thay, bữa cơm cuối năm trong ngày 30 Tết!
NGUYÊN CẨN