Bức tranh dân số thay đổi về chất

CHIÊU THỤC ANH 25/09/2013 08:23

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số 2003 - 2013, Quảng Nam đã có những bước chuyển đáng mừng cả trong nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội; chất lượng dân số ngày càng được nâng lên.

Kiềm chế mất cân bằng giới tính là một trong những mục tiêu đặt ra trong thực hiện chính sách dân số thời gian tới. Ảnh: THỤC ANH
Kiềm chế mất cân bằng giới tính là một trong những mục tiêu đặt ra trong thực hiện chính sách dân số thời gian tới. Ảnh: THỤC ANH

Chuyển biến nhận thức

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều nội dung và phát huy hiệu quả tốt. Ngày càng có nhiều người kết hôn, sinh con phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và điều kiện kinh tế. Quy mô gia đình “từ 1 đến 2 con” ngày càng được đông đảo tầng lớp nhân dân chấp nhận. Anh Nguyễn Hoàng Vũ (thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho hay: “Tôi là con trai duy nhất trong gia đình, đã sinh được 2 cô con gái nhưng không có ý định sinh thêm để kiếm con trai nối dõi tông đường. Bởi ngày xưa ông bà sinh nhiều nên con nhà nông chúng tôi chịu nhiều thiệt thòi, trong khi bạn bè sinh ra trong những gia đình ít con được ăn học tử tế, đời sống vật chất lẫn tinh thần cao hơn hẳn” Cũng theo anh Vũ, không nhất thiết phải là con trai mới báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ, nhiều người có con gái mà được nhờ đỡ, có hiếu hơn. Ngày càng có nhiều người suy nghĩ như anh Vũ nên gia đình có 2 con bất kể trai hay gái dần trở thành chuẩn mực phổ biến ở Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Từ năm 2003 đến 2013 dân số Quảng Nam đã tăng thêm hơn 47 nghìn người; tỷ suất sinh thô giảm từ 21,8% xuống còn 18,8%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đều qua từng năm. Theo số liệu báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ, tỷ số giới tính khi sinh từ năm 2003 đến 2012 có sự dao động khá rõ tại từng địa phương, vùng và không theo quy luật nào. Trong đó, tỷ lệ giới tính chênh lệch khá cao tại huyện miền núi với 124 nam/100 nữ, trong khi đó ở các huyện đồng bằng là 103 nam/100 nữ. Theo ông Phạm Ngọc Chương - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, yếu tố tâm lý vẫn còn là nhân tố tác động không nhỏ làm mức sinh dao động tăng - giảm, mà chúng ta có thể nhận thấy tăng rõ hơn vào những năm đẹp, tuổi sinh đẹp.

Cùng với đó, chất lượng dân số cũng ngày càng được nâng cao. Trong những năm gần đây, các đề án, dự án nâng cao chất lượng giống nòi; tầm soát dị tật, bệnh, bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh lần lượt được triển khai như: Kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân… Những buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THPT, buổi nói chuyện sinh hoạt chuyên đề, tư vấn trực tiếp cũng thường xuyên được tổ chức nhằm cung cấp cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên, học sinh, công nhân… cách chăm sóc sức khỏe, phòng tránh nhiễm các bệnh về đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nâng cao chất lượng

Mới đây, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở VH-TT&DL, Ủy ban MTTQ đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của thôn, khối phố như: thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con, phụ nữ sinh con trong độ tuổi từ 22 - 35… Nhờ sự chuyển biến này nên ngày càng nhiều người không kết hôn sớm, đẻ thưa, nắm được kiến thức và kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Ngày trước hầu như không có hoặc rất ít thôn, khối phố đạt tiêu chí “không có người sinh con thứ 3 trở lên”, nhưng những năm gần đây, hằng năm có từ 380 - 400 thôn, khối phố kể cả ở khu vực miền núi đạt chuẩn này. Bà Đinh Thúy Mai - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phước Sơn cho hay: “Trong 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện có 15 (trong tổng số 66) thôn, khối phố không có người sinh con thứ 3. Điều đáng nói là 15 thôn, khối phố này hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đã có nhận thức rõ việc sinh ít con sẽ tác động tích cực đến chất lượng sống của họ”.

Để duy trì xu thế giảm sinh ở mức hợp lý, từng bước giải quyết các vấn đề về cơ cấu dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng các giải pháp để giữ mức tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm 1%; nâng cao sức khỏe bà mẹ trẻ em; kiềm chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh để đến năm 2020 chỉ còn ở mức dưới 110 bé trai/100 bé gái sinh ra. Ngoài ra, vận động toàn xã hội tổ chức các chương trình nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn qua lây truyền đường tình dục. Ông Phạm Ngọc Chương - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nói: “Thời gian tới, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ giữa Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội LHPN, Hội Nông dân, Chi cục DS-KHHGĐ, Tỉnh Đoàn... để lựa chọn, triển khai, nhân rộng các mô hình truyền thông hiệu quả và phù hợp với từng nhóm đối tượng”.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bức tranh dân số thay đổi về chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO