Bức tranh đô thị Tam Kỳ: Nhiều sắc màu tươi mới

XUÂN PHÚ 29/04/2014 07:47

Quyết tâm đầu tư quy hoạch, chỉnh  trang với mục tiêu xây dựng thành đô thị loại II, đến nay, bức tranh đô thị Tam Kỳ đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, hiện đại.

Chọn lối đi riêng

Bên cạnh phát triển kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Kỳ tập trung đầu tư từ ngày lên thành phố là phát triển đô thị, đặc biệt là phấn đấu đạt các  tiêu chí để trở thành đô thị loại II. Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố đã đề xuất với tỉnh cho cơ chế tài chính ưu đãi riêng, khác biệt với các địa phương khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư phát triển. Và đề xuất đó đã được ủng hộ bằng Nghị quyết 104 (ngày 29.4.2008) và sau đó là Nghị quyết 191 (ngày 20.4.2011) của HĐND tỉnh về một số cơ chế đối với TP.Tam Kỳ đến năm 2015. Trọng tâm đáng chú ý của các nghị quyết này là cơ chế tài chính. Cụ thể, hàng năm ngân sách tỉnh bố trí 20 tỷ đồng để bổ sung có mục tiêu nguồn vốn kiến thiết thị chính cho thành phố; bố trí vốn để đầu tư xây dựng từ 1 - 2 công trình quan trọng; hỗ trợ 50% nguồn vốn đối ứng các dự án ODA do Tam Kỳ làm chủ đầu tư; để lại cho thành phố 100% từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước do  tỉnh quản lý và  70% tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố từ tiền thuê đất nộp một lần. TP.Tam Kỳ cũng được quyền quản lý các công trình, trụ sở các sở, ban, ngành của  tỉnh trên địa bàn không còn sử dụng khi xây dựng trụ sở mới hoặc không có nhu cầu sử dụng nhằm tạo điều kiện cho thành phố tạo quỹ đất…

Cơ sở hạ tầng đô thị Tam Kỳ có nhiều thay đổi đáng kể.  Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cơ sở hạ tầng đô thị Tam Kỳ có nhiều thay đổi đáng kể. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Có thể nói, cơ chế mang tính đặc thù này đã mang đến cho đô thị Tam Kỳ nhiều sự thay đổi đáng kể trên lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, một số dự án hạ tầng trọng điểm như đường N10, đường Trường Xuân - Thuận Yên, đường Bạch Đằng được đầu tư xây dựng từ sự hỗ trợ của tỉnh. Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong quy hoạch phát triển đô thị là việc xây dựng hồ điều hòa Nguyễn Du, Duy Tân và công viên cảnh quan ven hồ. Được xem là những “lá phổi” rất hữu ích cho thành phố, các công trình này vừa làm nhiệm vụ điều tiết lượng nước vào mùa mưa, vừa giúp thành phố mát mẻ và thoáng đãng hơn trong mùa nắng nóng, đồng thời tạo cảnh quan đô thị. Nhiều công trình thuộc diện chỉnh trang và phát triển đô thị cũng được thực hiện, làm cho cảnh quan đô thị dần đẹp hơn lên theo hướng văn minh, hiện đại như nâng cấp vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng tại tuyến đường Thanh Hóa, trồng cây xanh trên một số tuyến đường chính.

Không chỉ “xin” cơ chế riêng, TP.Tam Kỳ còn tự vạch một “lối đi riêng” để phát triển thành phố, chẳng hạn như việc xây dựng tuyến phố văn minh đô thị. Theo ông Nguyễn Văn Lệnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ, cho đến nay vẫn không có quy định và tiêu chuẩn thế nào là tuyến phố văn minh đô thị. Dù vậy, từ năm 2011, thành phố đã phát động chọn thí điểm 5 tuyến phố để triển khai xây dựng gồm tuyến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng và Hùng Vương. Đến nay, đã có thêm một số tuyến phố khác hưởng ứng việc xây dựng này.

Nhiều trăn trở

Với việc chọn “lối đi riêng”, có thể nói Tam Kỳ bước đầu thành công khi đã thu  hút được nhiều nguồn lực đầu tư, qua đó tạo nên bức tranh đô thị nhiều sắc màu tươi sáng. Dù vậy, lãnh đạo thành phố vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là về nguồn vốn và cơ chế tài chính để đầu tư phát triển. Còn nhớ cách đây 2 năm tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Văn Lúa - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ đã đem con số 20 tỷ đồng/năm nguồn vốn kiến thiết thị chính của địa phương so sánh với một vài thành phố trong khu vực như Quảng Ngãi 60 tỷ đồng, Tuy Hòa (Phú Yên) 70 tỷ đồng, Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) 180 tỷ đồng và chia sẻ: “Với nguồn vốn này, thật khó để Tam Kỳ đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng đô thị!”. Tuy nhiên, đến nay nguồn kiến thiết thị chính của Tam Kỳ mỗi năm vẫn không thể vượt quá con số 20 tỷ đồng, trong đó gần 50% là phải trả nợ.

Trên con đường phát triển thành phố, nhất là xây dựng đô thị loại II, TP.Tam Kỳ cũng đã đạt được nhiều kết quả đầy khích lệ, bước đầu có thể “nở mày nở mặt” với các địa phương khác. Cụ thể, đến nay đô thị Tam Kỳ đạt 32/49 chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 34 (30.9.2009) của Bộ Xây dựng về phân loại đô thị. Đáng chú ý, trong số này có nhiều chỉ tiêu vượt xa quy định tối thiểu để được công nhận đô thị loại II như các chỉ tiêu về công trình công cộng cấp đô thị, hệ  thống cấp điện hay chiếu sáng công cộng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Tam Kỳ không phải đối mặt với những khó khăn và thách thức. Phần lớn các tiêu chuẩn mà thành phố đang tập trung xây dựng, phấn đấu đạt chuẩn trong thời gian tới đều nằm ở lĩnh vực hạ tầng đô thị đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn. Chẳng hạn, để nâng tỷ lệ dân số nội thị được cấp nước sạch thì cần 288 tỷ đồng cho dự án đầu tư, mở rộng hệ  thống cấp nước trên địa bàn thành phố. Hay để triển khai thực hiện dự án thu gom, xử lý nước thải công suất 8.000m3/ngày đêm thì số tiền cần có lên đến 480 tỷ đồng. Với nguồn lực của thành phố hiện nay, rõ ràng đây là số tiền không hề nhỏ, thậm chí là ngoài tầm tay, nói như lời Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Lúa: “Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là tìm nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị. Để có nguồn lực đầu tư, thành phố phải tranh thủ tối đa nhiều nguồn từ trung ương đến địa phương, khai thác quỹ đất, vốn vay, trái phiếu, xã hội hóa mới có thể đáp ứng nhu cầu”.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bức tranh đô thị Tam Kỳ: Nhiều sắc màu tươi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO