Bùi Thế Mỹ nhà báo “ba ngang”

PHẠM PHÚ PHONG 21/06/2013 07:58

Có thể gọi như thế đối với nhà báo, nhà văn Bùi Thế Mỹ, người đầu tiên dịch tiểu thuyết Trà Hoa Nữ nổi tiếng của Alexandre Dumas (Con) ra tiếng Việt. Ba ở đây chỉ là số lượng chứ không phải ngôi thứ. Ngang là động từ nhằm chỉ tính chất, cá tính. Nhưng tựu trung, nhằm nói lên những nét riêng trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí, văn chương của Bùi Thế Mỹ.

C ái ngang thứ nhất, Bùi Thế Mỹ là nhà báo tay ngang, theo cái nghĩa là người không có chuyên môn, không được đào tạo ở một trường lớp cụ thể nào, chỉ học xong trung học, bước vào nghề báo, chẳng bao lâu sau đã “thuộc hàng cự phách trong làng báo miền Nam” (Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 1991, tr.57). Có thể nói, chuyên môn báo chí dường như vốn có sẵn trong máu người Quảng, trong truyền thống làng quê văn hiến và dòng dõi gia đình nhà ông. Lúc nhỏ, học ở quê nhà, sau ra Huế học. Năm mười chín tuổi (1923), tốt nghiệp trung học, ông vào Sài Gòn làm báo, viết văn, “không bao lâu sau đó ông trở thành nhà báo lão luyện của giới báo chí Nam kỳ trước chiến tranh thế giới thứ II” (Trần Mạnh Thường, Các tác gia văn chương Việt Nam, t.1, Nxb Văn hóa thông tin 2008, tr.109). Đầu tiên, ông thay cho Nam Kiều Trần Huy Liệu (1901-1969), chủ trương tờ Đông Pháp thời báo, rồi sau đó làm chủ bút các tờ Trung lập, Tân thế kỷ, Thần chung và chủ nhiệm tờ Dân báo, tờ báo ông theo đuổi đến cuối đời. Khi mới bắt đầu làm thơ, viết văn, ông ký bút danh là Thông Reo, về sau khi làm chủ bút báo Điện tín ông ký là Lan Đình và bút danh này được ông sử dụng cho đến cuối đời. Trong cuộc đời hai mươi năm làm báo (1923-1943), được suy tôn là nhà báo “lão luyện”, là “cự phách”, nhưng ông vẫn canh cánh bên lòng là người ít học, là người đi ngang, đi thẳng vào làng báo một cách bất đắc dĩ và lấy làm tiếc nuối rằng: “Tôi lỡ mang lấy nghiệp vào thân mà đeo đuổi nghề làm báo thấy rằng mình đã đi lầm đường. Đáng lẽ tôi phải học thêm nữa để gây cho mình một cái vốn tri thức vững vàng, phải đọc nhiều, phải suy nghĩ nhiều để sáng tạo và để xây dựng một sự nghiệp để đời. Chứ mỗi ngày như tằm rút ruột, có lẽ cũng có ảnh hưởng phần nào tới dư luận, nhưng rốt cuộc chẳng có gì để lại về sau. Những bài mình viết mỗi ngày, người ta đọc rồi người ta quên đi, cũng như những món ăn, người ta ăn rồi tiêu mất, ai còn nghĩ tới nó nữa” (Thiếu Sơn, Những văn nhân chính khách một thời, Nxb Công an nhân dân 2006, tr.206).  

Cái ngang thứ hai, là khí khái hiên ngang của một nhà báo thật sự có bản lĩnh. Sống và làm báo trong thời buổi đất nước bị một cổ hai tròng, là ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tuy ông không trực tiếp đấu tranh chống đối một cách trực diện, nhưng ông có tấm lòng yêu nước, thương nòi, ông đấu tranh đòi dân sinh dân chủ và lẽ công bằng xã hội. Những tờ báo mà ông cộng tác hoặc đứng ra thành lập là những  tờ báo tiến bộ, có uy tín ở Sài Gòn thời bấy giờ. “Sự có mặt của ông trong báo giới đã tạo nên những cuộc vận động chính trị, văn hóa sôi nổi, gây tiếng vang lớn khắp đất nước” (Trần Mạnh Thường, sđd, tr.110). Không chỉ dừng lại ở đấu tranh tư tưởng, gây áp lực về dư luận xã hội, ở những bài viết in báo, mà ông còn hành động. Năm 1936, khi Mặt trận bình dân thắng thế, lên nắm quyền ở Pháp, đã mở rộng và nới lỏng đường lối cai trị thuộc địa, trong đó có thuộc địa ở Đông Dương. Nhân cơ hội đó, ở Sài Gòn, các nhân sĩ tiến bộ, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội như Nguyễn An Ninh (1899-1943), Nguyễn Phan Long (1889-1960), Trần Văn Thạch (1905-1946), Dương Bạch Mai (1905-1964), Tạ Thu Thâu (1906-1945), Nguyễn Văn Nguyễn (1910-1953)... và Bùi Thế Mỹ đứng ra tổ chức cuộc vận động yêu nước, quy tụ mọi khuynh hướng chính trị trên toàn cõi Đông Dương (gọi là Đông Dương đại hội) và ông được bầu làm Tổng thư ký Ủy ban vận động. Sau hơn một Tháng vận động (từ 7.5 đến 10.6.1936), đại hội đã tập hợp được đa số các khuynh hướng chính trị, nhưng đến ngày đại hội thì nhóm Lập hiến và Hội đồng quản hạt thân Pháp phản bội, rút khỏi đại hội. Thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, giải tán Ủy ban vận động, bắt giam các nhà lãnh đạo. Ông và Diệp Văn Kỳ bị thống chế Nam kỳ Pages ký lệnh trục xuất, bắt và áp giải ra khỏi ranh giới Nam kỳ, về an trí tại Bình Thuận. Hành động khủng bố của thực dân không khuất phục được dòng máu Quảng Nam ương ngạnh và khảng khái trong ông. Ông đã có bài thơ cổ động cho tờ Tiếng chuông rè (La Cloche fêlée) của Nguyễn An Ninh, một tờ báo tiếng Pháp đối lập thời bấy giờ, thể hiện tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc của người Việt.

Năm 2013, vừa tròn 70 năm ngày mất nhà báo Bùi Thế Mỹ.
Bùi Thế Mỹ (1904-1943), tự là Hy Tô, cha là Bùi Thiện, quê ở Phú Nhuận, Đông An (nay là Duy Tân, Duy Xuyên). Ông sinh ra ở quê mẹ, là bà Phan Thị Duyên, ở Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn (nên cũng có sách ghi nhầm ông là người Điện Bàn). Bà Duyên là em gái của chí sĩ Phan Thành Tài (1878-1916), một trong những thành viên ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, bị Pháp bắt xử án tử hình cùng với Thái Phiên và Trần Cao Vân.

Cái ngang thứ ba, là ông quá vội vã đi ngang qua cuộc đời chỉ trong vòng 39 năm, trong đó có 20 năm đi ngang qua đời sống báo chí, ở một trung tâm sôi động nhất thời bấy giờ là Sài Gòn, nơi báo chí hiện đại du nhập đầu tiên vào Việt Nam. Làm báo vào thời ông, nhất là làm chủ bút báo tư nhân, phải viết được nhiều thể loại: xã thuyết, bình luận, chuyên luận, tiểu luận, phê bình, tin, bài phản ánh, thơ văn, quảng cáo... hầu hết ông đều kinh qua. Ngoài những thành tựu nổi bật về thơ và văn chương chính luận, ông còn dịch thuật, biên khảo. Ông là dịch giả đầu tiên tiểu thuyết Trà hoa nữ của Alexandre Dumas (con) (1824-1895), là tác giả của công trình biên khảo chứa đựng một tư tưởng lành mạnh về giáo dục, trong buổi đầu nền giáo dục hiện đại nước ta mới hình thành trong tư thế giao lưu và hội nhập với thế giới. Vì thế, cho đến nay những kiến giải của ông trong Vai tuồng của người gõ đầu trẻ vẫn còn nguyên giá trị. Tạo hóa không cho ai quá nhiều và không lấy đi của ai quá nhiều. Tạo hóa quả là ghen ghét không tha bất kỳ con người nào. Có những người sống dai, sống dài, sống dại; có khi sống vật vã, đau khổ với cõi người, nhưng cũng chỉ là sự tồn tại có ý nghĩa vật chất. Cũng có người, thường là các bậc tài danh, những danh nhân, thời gian trời cho vùng vẫy trong cõi đời quá ngắn, nhưng những việc mà họ làm được, có khi dài hơn gấp mấy lần thời gian kia cộng lại. Bùi Thế Mỹ là một con người như vậy.

Người ta nói rằng, sự nghiệp văn chương báo chí của ông đạt được như vậy, có phần đóng góp công sức của người bạn đời của ông là nữ sĩ Phương Lan, tục danh là Nguyễn Thị Lánh, tục gọi cô giáo Lánh, người cùng quê với danh nhân Tôn Đức Thắng (Cù lao Hổ, Long Xuyên, An Giang). Trong Những văn nhân chính khách một thời, Thiếu Sơn đã nghiền ngẫm về bài học của mình rút ra từ cuộc đời của gần năm mươi danh nhân (Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn An Ninh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh...), trong đó có Bài học Bùi Thế Mỹ, có kể về cái kết cục dừng lại chặng đường 39 năm của ông rằng: “Tôi không nhớ anh chết năm nào. Nếu tôi không lầm thì anh tuổi Thìn và chết hồi anh mới 39 tuổi. Anh đau cả tháng rồi mới chết. Tôi thường ra thăm anh ở tư gia. Mới đầu anh còn viết được. Sau anh không viết được nữa. Tất cả mọi việc đều một tay vợ anh quán xuyến. Người anh đã nhỏ con, ốm yếu mà càng ngày càng ốm, càng xanh. Mỗi lần tôi ra thăm anh về là mỗi lần ngậm ngùi chán nản” (tr.211).

PHẠM PHÚ PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bùi Thế Mỹ nhà báo “ba ngang”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO