Bước chân người lính Gio An

NGUYỄN ĐỨC THUẬN 05/01/2015 09:04

Có mặt ở chiến trường đánh Mỹ, chúng tôi luôn tự hào là người lính Trung đoàn Gio An anh hùng (Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5). Trong những năm ác liệt, gian khổ, tôi nhớ nhất là năm 1969. Khi đó, trung đoàn tôi đứng chân tại Hòn Tàu. Tại đây, trung đoàn đã tổ chức đánh Mỹ vào ban ngày ngay tại gò Phú Phông. Nhờ chiến công này mà vùng B Đại Lộc được mở rộng khu vực do ta kiểm soát. Rồi địch phản kích nên đến cuối năm 1969, trung đoàn phải  di chuyển lên huyện miền núi Tây Giang.

Do nguồn tiếp tế từ đồng bằng bị ngăn chặn và nguồn lương thực từ hậu phương lớn vận chuyển qua đường Hồ Chí Minh bị Mỹ liên tục đánh phá nên chúng tôi đói quay quắt. Đồng bào Cơ Tu dù đói nhưng thương bộ đội nên họ đã nhường từng bát gạo cho các đồng chí thương binh hoặc ốm đau. Tại thời điểm này, cứu đói đã trở thành mệnh lệnh. Để phù hợp với tình hình, Đảng ủy Trung đoàn ra nghị quyết tổ chức lại mạng lưới hậu cần, theo phương thức độc lập tác chiến nhằm phát huy tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm bảo tồn lực lượng, bám  trụ địa bàn, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, chiến đấu giành đất, giữ dân, mở rộng vùng giải phóng.

Cùng với trồng hơn 100ha sắn, chúng tôi đã luồn vào lòng địch để tổ chức thu mua lương thực. Được cơ sở nội tuyến móc nối, giáo dục, nhiều thương gia, vợ ngụy quân, ngụy quyền ở vùng Đức Dục, Duy Xuyên, Phú Duyên, Quế Sơn đã cùng nhân dân vùng địch hậu đóng góp, thu gom lương thực để cung cấp cho quân Giải phóng. Và để đưa được nguồn lương thực ấy ra vùng giải phóng, chúng tôi đã tổ chức một đường dây bí mật, với nhiều cung trạm, tổ chức người gùi cõng. Những đợt đi lấy gạo như thế nhiều khi phải trả giá bằng máu. Riêng tôi với nhiệm vụ được giao từ năm 1969 đến năm 1973 đã tổ chức thu mua hơn 2.000 tấn gạo.

Nhờ nguồn lương thực được đảm bảo nên năm 1971, trung đoàn chúng tôi chuyển về Sư đoàn 711 đứng chân tại Sơn Long, Khánh Thạch. Sư đoàn lúc này tiến hành vây lấn và cuối cùng giải phóng quận lỵ Hiệp Đức, mở ra vùng giải phóng tây Quế Sơn. Mỹ - ngụy quyết giành lại Hiệp Đức và chúng phản kích quyết liệt. Trung đoàn được giao nhiệm vụ giữ các điểm chốt chiến lược như: Chia Gan, Liệt Kiểm, Hòn Chiêng bằng mọi giá.

Năm 1972 trung đoàn trực tiếp giải phóng căn cứ Cẩm Dơi, huyện Quế Sơn, phá ấp chiến lược Nhà Tằm đưa dân về quê cũ. Khi phát hiện ở Nhà Tằm có 42 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ chúng tôi lúng túng chưa biết phải xử lý như thế nào. Nếu để các cháu bơ vơ thì tương lai của các cháu sẽ ra sao? Còn nhận nuôi trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề thì phải làm sao, vả lại bộ đội còn phải cơ động để đánh địch, nuôi các cháu liệu có ổn không? Vượt lên tất cả, cuối cùng đảng ủy và chỉ huy trung đoàn quyết định: bằng bất cứ giá nào cũng không được để các cháu bơ vơ. Thế là ngay trong đêm, vượt qua đạn bom của địch, chúng tôi đã luồn rừng đưa các cháu về căn cứ Sơn Long và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chăm sóc với suất ăn giống như bộ đội. Những cháu lớn tuổi, tất nhiên sẽ cùng bộ đội tham gia sản xuất như trồng sắn, trồng rau. Nhờ thế mà sau ngày giải phóng, trước khi nhận nhiệm vụ mới, trung đoàn chúng tôi đã bàn giao đầy đủ 42 cháu này cho huyện Quế Sơn.

Hiệp định Paris 1973 ký kết, trung đoàn chúng tôi được lệnh phải dốc toàn lực luồn sâu về đồng bằng, chủ yếu là vùng địch kiểm soát để cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1974, sau đợt chỉnh huấn của Quân khu 5, trung đoàn quyết tâm đánh trả địch vi phạm Hiệp định Paris mở rộng vùng giải phóng tạo thế mùa Xuân năm 1975 tham gia giải phóng Tam Kỳ ngày 24.3.1975. Được trên tăng cường đại đội xe tăng, chúng tôi tiêu diệt căn cứ Tuần Dưỡng, hành tiến về thị trấn Hà Lam (Thăng Bình), Vĩnh Điện (Điện Bàn). Trên đường, trung đoàn đã dừng lại đánh địch ở cầu Câu Lâu (Điện Bàn), tổ chức cho bộ đội vượt sông, hợp quân của toàn mặt trận gồm các lực lượng của Quân khu 5 và Quân đoàn II. Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, trung đoàn hòa nhập các cánh quân tiến nhanh giải phóng Sài Gòn - 30.4.1975.

NGUYỄN ĐỨC THUẬN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chân người lính Gio An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO