Bước chuyển mạnh mẽ

NGUYỄN QUANG VIỆT 05/01/2016 10:43

Huyện Thăng Bình đang tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Chuyển động công nghiệp

Tính đến nay, huyện Thăng Bình có 10 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong các cụm công nghiệp trên địa bàn. Hiện tại, huyện tạo điều kiện thuận lợi để Công ty CP May Thăng Bình, Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh, Công ty TNHH Domex Quảng Nam mở rộng sản xuất. Theo thống kê của Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp - thương mại & dịch vụ Thăng Bình, tổng doanh thu chưa thuế của các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện trong năm qua là 674 tỷ đồng, tăng 256 tỷ đồng so với năm 2014. Tổng số lao động của các doanh nghiệp kể trên là 2.990 lao động, tăng 684 lao động so với năm 2014. Người lao động có mức thu nhập trung bình gần 4 triệu đồng/tháng. Ông Phan Phước Đồng, Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp - thương mại & dịch vụ Thăng Bình cho biết, đầu năm 2016, Thăng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp. Đồng thời hỗ trợ thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã thu hút. Đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tạo quỹ đất sạch để thúc đẩy đầu tư. Mục tiêu của Thăng Bình trong năm 2016 là thu hút thêm được 7 dự án đầu tư, ở các cụm công nghiệp là 4 dự án và ngoài cụm công nghiệp là 3 dự án.

Công nghiệp may mặc đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn huyện Thăng Bình. Ảnh: N.Q.V
Công nghiệp may mặc đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn huyện Thăng Bình. Ảnh: N.Q.V

Trong năm 2015, một số doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư vào các địa điểm ngoài cụm công nghiệp, ví dụ như cơ sở may mặc của Công ty TNHH May Thúy Trang (xã Bình Phú). Một số dự án khác đang khởi công ở các xã Bình Minh, Bình Dương. Theo UBND huyện Thăng Bình, địa phương đang phối hợp với tỉnh để gắn kết phát triển công nghiệp, nối xã Bình Sa với Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), nối xã Bình Giang với khu công nghiệp phía đông huyện Quế Sơn, nâng Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được lên thành khu công nghiệp. Huyện tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng và đầu tư hạ tầng mới tại các cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Kế Xuyên - Quán Gò, Bình An, phấn đấu nâng tỷ lệ hoàn thiện hạ tầng ở các cụm công nghiệp lên mức 70%. Đối với Cụm công nghiệp Bình Hòa (xã Bình Giang), huyện đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương triển khai dự án theo kế hoạch. Thăng Bình xúc tiến hoàn chỉnh quy hoạch để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp mới theo quy hoạch của tỉnh là Trường An, Dốc Tranh, Phú Cang - Gò Dài.

Khơi thông, phát triển

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thăng Bình trong năm 2016:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 12,5%. Cơ cấu tổng giá trị theo ngành kinh tế gồm: nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ với mức tương ứng lần lượt là: 23,9%; 31,5% và 44,6%. Thu nhập bình quân đầu người: 25 triệu đồng/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo ở mức 1,5 - 2%. Giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động.

Giá trị thương mại - dịch vụ huyện Thăng Bình đạt được trong năm 2015 là 3.822 tỷ đồng, tăng 54% so với kế hoạch. Huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động công trình chợ Kế Xuyên ở xã Bình Trung cũng như bố trí khu dân cư mới ở xung quanh chợ. Huyện đầu tư, nâng cấp 2 chợ lớn là Chợ Bà (Bình Giang) và chợ Quán Gò (Bình An) với tổng mức kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Năm 2015 cũng đánh dấu ở Thăng Bình sự tăng cường kiểm soát thị trường, ổn định giá cả theo quy định chung cũng như tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Năm 2015, hàng loạt dự án về thương mại, dịch vụ đã được khởi công trên địa bàn Thăng Bình như xây dựng nhà máy chế biến gỗ Shaiyo Triple A Quảng Nam của Công ty TNHH Quốc tế Shaiyo AA (xã Bình Lãnh); xây dựng khu dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Bình Minh của Công ty TNHH Du lịch nghỉ dưỡng Làng biển nhiệt đới Hội An; xây dựng khu dịch vụ bãi tắm Bình Minh của Công ty TNHH MTV Xây dựng & kinh doanh nhà Long Á tại xã Bình Minh. Nhiều dự án khác đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư, như dự án xây dựng khu du lịch ven biển tại xã Bình Minh của doanh nghiệp ViDan hay xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời của Liên doanh Arman Holding LLC và Royale Star VNI Pte.Ltd tại xã Bình Nam.

Triển vọng phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế chủ chốt của Thăng Bình là thương mại - dịch vụ đang rất sáng sủa. Một số vướng mắc tuy đã xuất hiện nhưng không thiếu phương án, giải pháp để khai thông, phát triển. Đối với dự án xây dựng khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Bình Minh của công ty TNHH Du lịch nghỉ dưỡng Làng biển nhiệt đới Hội An, đang vướng về giải phóng mặt bằng do doanh nghiệp chưa thỏa thuận được giá bồi thường với các hộ dân bị ảnh hưởng dự án. Về vấn đề này, UBND huyện Thăng Bình sẽ chủ trì họp các hộ dân chưa thống nhất mức đền bù của doanh nghiệp, đối thoại để qua đó thống nhất mức giá phù hợp, giải quyết nhanh và dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Dự án xây dựng khu dịch vụ bãi tắm Bình Minh của công ty TNHH MTV Xây dựng & kinh doanh nhà Long Á tại xã Bình Minh cũng vướng về giải phóng mặt bằng do một số thửa đất trong vùng ảnh hưởng dự án chưa thể xác định được nguồn gốc đất, chưa có cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận giá bồi thường với các hộ dân. UBND xã Bình Minh đang gấp rút tiến hành xác minh nguồn gốc đất của các thửa đất trong vùng ảnh hưởng dự án để có cơ sở thống nhất giá đền bù thỏa đáng cho các hộ dân.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chuyển mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO