Hôm nay 6.3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2018 và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Muốn xây dựng thành công nông thôn mới, rất cần sự vào cuộc của các cấp ngành và cộng đồng. Ảnh: T.S |
Trong 3 năm gần đây, nhờ tích cực thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên diện mạo nhiều vùng quê xứ Quảng không ngừng thay da đổi thịt, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Cải thiện thu nhập
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, những năm qua các địa phương của thị xã tập trung hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. “Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp nên năm 2018 thu nhập bình quân đầu người ở 13 xã tham gia xây dựng NTM của Điện Bàn đạt 36,8 triệu đồng, tăng 10,2 triệu đồng so với năm 2015. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%, giảm 1,73% so với cách đây 3 năm” - ông Chơi nói.
Từ năm 2016 - 2018, các địa phương xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục chi hơn 8.771 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư thi công kết cấu hạ tầng. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp chiếm 52,8%, vốn tín dụng chiếm 38,5%, nhân dân đóng góp chiếm 6%, vốn huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã chiếm 2,7%. Đến năm 2020 Quảng Nam phấn đấu có 119 xã đạt chuẩn NTM, bình quân 204 xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt 15 - 16,5 tiêu chí/xã; TP.Hội An phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Duy Xuyên trở thành huyện đạt chuẩn NTM. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt hơn 42 triệu đồng; phấn đấu xây dựng 133 khu dân cư đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và hoàn thiện, nâng cấp, phát triển mới 230 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp - dịch vụ - du lịch nông thôn trở thành sản phẩm OCOP. |
Nhìn rộng ra cả tỉnh, ông Đỗ Vạn Lộc - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, trong 3 năm qua, chính quyền và ngành chức năng các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa hơn 18.000ha đất sản xuất nông nghiệp, gắn với thi công hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng 140 cánh đồng mẫu lớn, bố trí canh tác các loại cây trồng chủ lực như lúa giống, đậu xanh, ớt, dưa hấu... với diện tích 6.000ha/năm. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp), từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. “Nhờ tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nên nhà nông mạnh dạn đầu tư mua sắm máy cày, máy gặt đập liên hợp, góp phần đưa tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa đạt hơn 85%. Việc nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng rộng rãi các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong thời gian qua cũng đã góp phần tăng giá trị sản phẩm ngành trồng trọt từ 65 triệu đồng/ha năm 2013 lên 80 triệu đồng/ha vào năm 2018. Còn ở lĩnh vực chăn nuôi, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh có 60 chủ nông hộ thực hiện việc liên doanh, liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH Thái Việt thực hiện việc sản xuất với quy mô khá lớn. Hiện nay, cũng có 39 doanh nghiệp đang nghiên cứu, xúc tiến đầu tư chăn nuôi heo và bò. Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam với tổng mức đầu tư lên đến hơn 3.301 tỷ đồng” - ông Lộc nói.
Theo thống kê, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 31,58 triệu đồng, tăng 10,5 triệu đồng so với năm 2015 và tăng 3,98 triệu đồng so với năm 2017. Đến nay, toàn tỉnh có108/204 xã tham gia xây dựng NTM đạt tiêu chí về thu nhập (chiếm tỷ lệ 52,94%), tăng 25 xã so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,57%, giảm 5,32% so với năm 2015. Nhờ vậy, tới thời điểm này tỉnh có 117/204 xã xây dựng NTM đạt tiêu chí về hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 57,35%), tăng 29 xã so với cách đây 3 năm...
Ưu tiên xây dựng hạ tầng
Giai đoạn 2016 - 2018, từ nguồn vốn của Chương trình NTM, kết hợp lồng ghép các nguồn lực khác và vận động trong nhân dân, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, nhất là ở thôn, xã trên toàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân, vừa tạo cho bức tranh làng quê hiện đại. Ông Đỗ Vạn Lộc - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2016 đến nay các địa phương đã đổ bê tông hơn 580km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và lắp đặt 800 cống thoát nước các loại với tổng kinh phí 359,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 151,5 tỷ đồng, phần còn lại do địa phương và nhân dân đóng góp. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 136/204 xã đạt tiêu chí giao thông (chiếm tỷ lệ 66,67%), tăng 58 xã so với năm 2015 và tăng 25 xã so với năm 2017.
Cùng với việc xây dựng hệ thống giao thông thông suốt thì cơ sở vật chất trường lớp cũng được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Toàn tỉnh hiện có 492/820 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 60%, dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong khi đó, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe có bước phát triển, ngày càng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Mặt khác, cơ sở vật chất văn hóa từng bước phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Trong 3 năm qua các địa phương đã đầu tư xây mới, nâng cấp 79 nhà văn hóa xã, 71 khu thể thao xã, 465 nhà văn hóa thôn, 263 khu thể thao thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tạo chuyển biến rõ nét. Không chỉ vậy, công tác bảo vệ môi trường cũng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 113/204 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (chiếm 55,39%), tăng 35 xã so với năm 2015 và tăng 15 xã so với năm 2017...
HOÀI NHI