Bước chuyển ở vùng cao

ĐĂNG NGUYÊN 23/03/2015 14:30

Cùng với chính sách đầu tư hiệu quả, thời gian qua các địa phương miền núi Quảng Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu trong quá trình phát triển nông thôn mới, sắp xếp dân cư tập trung…, tạo bước chuyển và sức bật để phát triển.

Điểm sáng tái định cư

Quy hoạch và bố trí dân cư vừa đảm bảo cơ sở hạ tầng, đất ở, đất sản xuất, vừa có không gian để đồng bào sinh hoạt bảo tồn bản sắc văn hóa... là một trong những định hướng đúng đắn được huyện Tây Giang áp dụng để triển khai công tác tái định cư (TĐC) tập trung tại địa phương. Lấy văn hóa làng làm điểm tựa, công tác bố trí dân cư tập trung theo mô hình làng truyền thống Cơ Tu trở thành điểm sáng, góp phần vào sự thành công chung của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Mô hình này cũng được đánh giá đem lại hiệu quả, đi đầu trong công tác quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư ở miền núi Quảng Nam.

Nhiều trường học, trụ sở hành chính ở vùng cao được  xây dựng từ nguồn vốn của chương trình nông thôn mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều trường học, trụ sở hành chính ở vùng cao được xây dựng từ nguồn vốn của chương trình nông thôn mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, thành công của địa phương trong công tác bố trí dân cư tập trung một phần là nhờ sự đồng thuận của đồng bào dân bản. Ở các vùng được quy hoạch, cùng với công tác tuyên truyền và sự quyết tâm của chính quyền địa phương, đồng bào hưởng ứng tích cực, tình nguyện hiến hàng nghìn héc ta đất nhà, vườn tược, hoa màu để triển khai khu TĐC đạt chất lượng. Nhờ đó, huyện Tây Giang thành công với chủ trương đưa người dân sống tập trung tại mặt bằng các khu TĐC theo mô hình làng truyền thống Cơ Tu ở 61/70 thôn. “Quan điểm của huyện là khi đưa người dân về nơi ở mới tại các khu TĐC phải đáp ứng với các mục tiêu “9 có, 5 không” theo nghị quyết của huyện ủy về xây dựng NTM. Theo đó, ngoài xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm, địa phương còn chú trọng đầu tư xây dựng các hạng mục sân chơi thể thao, không gian văn hóa gươl làng, nghĩa trang, đảm bảo cuộc sống người dân” - ông Blúi cho biết thêm. Tây Giang đang từng bước hoàn thiện chủ trương xây dựng TĐC gắn với công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào bản địa.

Xanh thắm ruộng lúa nước ở vùng cao.
Xanh thắm ruộng lúa nước ở vùng cao.

Sức bật từ nông thôn mới

Là địa phương miền núi đầu tiên của tỉnh hoàn thành các tiêu chí về chương trình mục tiêu xây dựng NTM, xã A Nông (Tây Giang) được đánh giá có điều kiện để tiếp tục phát huy nội lực và tiềm năng, xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. A Nông cũng thành công với mô hình chăn nuôi gia súc tập trung theo mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ông Alăng Bao - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã A Nông cho hay, cùng với việc khoanh vùng khu vực chăn nuôi gia súc, đến nay toàn xã đã hình thành 18 điểm chăn nuôi tập trung với hơn 200 con bò, phát huy hiệu quả kinh tế. Nhiều hạng mục công trình dân sinh, bố trí dân cư dần được hoàn thiện, nâng thu nhập bình quân trên đầu người mỗi năm đạt hơn 17 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,52%. “Với phương châm “lấy thôn làm điểm, dân làm gốc, NTM làm mục tiêu”, công tác giảm nghèo ở A Nông đã thực sự đem lại kết quả đáng mừng. Địa phương tiếp tục nỗ lực xây dựng và bố trí dân cư tập trung gắn với phát triển sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu bản địa, vì mục tiêu giảm nghèo bền vững tại miền núi” - ông Bao nói.

Sức bật từ NTM đã làm thay đổi diện mạo ở vùng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng và đổi mới tư duy trong lao động sản xuất của đồng bào. Những năm trước, địa danh Nam Trà My luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người do địa hình cách trở, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Kể từ khi chương trình NTM được triển khai, hàng loạt công trình dân sinh được đầu tư xây dựng, đời sống người dân được nâng lên rõ nét. Con đường từ trung tâm Tắk Pỏ đi đến các xã Trà Linh, Trà Tập, Trà Cang... bây giờ đã hoàn thiện cùng với bộ mặt hạ tầng khang trang. Khi đường sá được thuận lợi, đồng bào vùng cao Nam Trà My có thêm cơ hội phát triển về mọi mặt, nhất là đời sống kinh tế - xã hội. Tại nhiều nóc, những tỷ phú của buôn làng đã dần xuất hiện, làm giàu bằng chính cây sâm bản địa Ngọc Linh với hàng nghìn cây giống đạt chất lượng. Trong đó, phải kể đến các hộ Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Du (ở nóc Măng Lùng, thôn 2); Hồ Văn Hinh, Hồ Văn Phải (nóc Tắk Lang, thôn 3, xã Trà Linh)... với hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh có tuổi đời khác nhau, mở hướng làm giàu ngay vùng đất quê hương núi rừng Trà My.

Chương trình NTM đã được triển khai trên các vùng miền núi Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn... bằng những màu sắc đặc trưng của mỗi vùng. Trên tiến trình phát triển, những ngôi trường mới, công trình nước sinh hoạt, đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt truyền thống dần được hình thành, tạo bước đệm để vùng cao tiến gần hơn với các tiêu chí của chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chuyển ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO