Những đô thị lớn bao giờ cũng “cưu mang” hàng chục ngàn người dân nghèo, thu nhập thấp, sống dựa vào vỉa hè. Và để gìn giữ môi trường cảnh quan đô thị, phần lớn chính quyền địa phương lúng túng giải quyết bài toán sinh kế trên vỉa hè.
Buôn bán trên vỉa hè đường Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ).Ảnh: HỮU PHÚC |
Giữ “mặt” cho phố
Từ Tết Bính Thân trở về trước, vỉa hè đường Bạch Đằng (TP.Tam Kỳ) bát nháo, lộn xộn bởi cảnh kinh doanh ăn uống. Những hố xí di động mọc lên, tình trạng phóng uế xuống sông; rác thải nhếch nhác tràn ra lòng đường. Thế nhưng, bây giờ con đường đã thênh thang trở lại, người buôn bán được tạo điều kiện di chuyển đến nơi khác mưu sinh. Chính quyền mạnh dạn sắp xếp, bố trí người dân vào buôn bán theo quy hoạch từng tuyến đường. Bên cạnh đó, thành phố tranh thủ huy động xã hội hóa vào đầu tư, cải tạo nâng cấp vỉa hè. Hàng loạt con đường, từ Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Dung, đường dọc kênh N24, đường Trần Quang Khải, Hùng Vương (đoạn Huỳnh Thúc Kháng đến Trần Cao Vân), Phan Bội Châu triển khai lót gạch. Từ mọi nguồn huy động, địa phương bỏ kinh phí 10 tỷ đồng cho vỉa hè thông thoáng, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Hơn 3 tháng đầu năm, lực lượng chức năng TP.Tam Kỳ đã ra quân lập lại trật tự đô thị tại một số khu vực như Quảng trường 24.3, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Minh Thiện, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và trên các tuyến đường nội thị. Đội Quy tắc đô thị TP.Tam Kỳ thu giữ 52 bảng hiệu, 14 cây dù, buộc tháo dỡ hơn 40 lều quán vi phạm... Thành phố trở nên ít nhếch nhác hơn bởi cảnh “họp chợ”, lấn chiếm lòng đường. Tuy nhiên, điều làm cho người dân TP.Tam Kỳ bức xúc là lực lượng chức năng tùy tiện thu giữ tài sản của quán xá trên vỉa hè mà không lập biên bản. Người viết bài này nhiều lần chứng kiến, cán bộ thực thi công vụ tịch thu tài sản người bán thức ăn đường phố mà không hề giải thích, lập biên bản. Hành vi này, theo các luật sư là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, còn những nhà xã hội học thì cảnh báo hành động đó tác hại nhiều mặt đối với xã hội, gây phản cảm. Cho nên, phải có phương án sắp xếp, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh vỉa hè. Bởi thực tế hiện nay không phải ai cũng vào được các chợ, các trung tâm thương mại hay thuê được mặt bằng để buôn bán. Vấn đề là các địa phương phải xử lý công bằng, quyết liệt và đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, phần lớn người buôn bán vỉa hè là người nghèo nên lãnh đạo thành phố lưu ý cán bộ thi hành nhiệm vụ khi xử lý phải nắm bắt được bản chất đối tượng vi phạm, phải giải thích, hướng dẫn thấu tình đạt lý cho họ chứ không được giằng co, thu gom vật dụng hay thậm chí sử dụng bạo lực. Về lâu dài, thành phố quy hoạch khu vực bán hàng rong, kinh doanh vỉa hè bài bản mang ý nghĩa an sinh xã hội để quản lý văn minh hơn. Còn với đối tượng lấn chiếm lòng lề đường là hộ kinh doanh, doanh nghiệp thì phải kiên quyết xử phạt. Cùng với đó, thành lập đường dây nóng nắm bắt thông tin phản ánh kịp thời từ phía người dân, để giải quyết những bức xúc nổi cộm.
Vương vấn vỉa hè
Về mặt kiến trúc xây dựng, mỹ quan đô thị, vỉa hè đường phố chỉ là “tiểu tiết”. “Bộ mặt” của phố, theo quan niệm thông thường của nhiều người là hiện hữu các tòa nhà cao tầng, công trình hạ tầng trọng điểm, kèm theo tiện ích về dịch vụ... Vậy nhưng, ở các góc phố, vỉa hè diễn ra hoạt động kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí đã hàm chứa một nét văn hóa.
Hà Nội với 36 phố phường và cho dù là phố cổ kính thì vỉa hè vẫn “ríu rít” các mặt hàng bán buôn. Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào… sầm uất, nhưng ngày nay các quán trà đá vỉa hè mới tạo nên “thương hiệu” giải khát của giới trẻ Thủ đô. Còn với nhiều người con sinh ra, lớn lên ở TP.Tam Kỳ, hẳn vương vấn với từng món ăn dân dã ở con hẻm, hay vỉa hè nào đó, cho dù phố cứ đổi thay mỗi ngày. Một quán cơm bán toàn cá biển kho tiêu nằm dưới chân cầu Kỳ Phú chỉ xuất hiện lúc gà gáy canh ba; hay quán bún giò của cô Thủy trên vỉa hè đường Duy Tân nếu muốn thưởng thức thì cũng dậy 5 - 6 giờ sáng. Quán cháo gà ở ngã tư Nam Ngãi - TP.Tam Kỳ từ lâu quá quen thuộc với những kẻ thích la cà về đêm.
Nhà ở tận vùng biển Thượng Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) nhưng mỗi lần có việc lên phố, anh Nguyễn Văn Nam đều tranh thủ dậy sớm để được thưởng thức tô bún giò của cô Thủy. Nam bảo, ở quê bây giờ không thiếu dịch vụ ăn uống, nhưng công nhận món bún do cô Thủy nấu vừa mặn mòi lại... chắc bụng. Tô nào ra tô nấy đầy ắp bún và vài miếng khoanh giò thơm lừng. Tầm 5 giờ sáng, mọi người ngồi tụm ba tụm bảy, chuyện trò rôm rả. Không cần hỏi khách, cô bán bún dường như nắm rõ khoái khẩu của từng người. Mỗi tô đều bỏ gia vị, mặn - lạt, chua - cay không giống nhau, tất cả được cô chủ chế biến, phục vụ cho khách rất nhanh. Mấy chục năm rồi, nồi nhưn cô nấu chỉ dành cho khoảng hơn 100 tô bún. Ngày ngày qua lại con đường này, lúc tờ mờ sáng tôi thấy nhiều người ngồi đợi cả nửa giờ đồng hồ trên vỉa hè để được thưởng thức tô bún giò heo ưng ý của mình. “Ăn uống ngoài yếu tố quen miệng, dân lao động thường thích lê la đến vỉa hè vì gần gũi, gặp người quen. Muốn ăn ngon cũng có hội có hè” - Nam xởi lởi.
Ở phố cổ Hội An, nhiều du khách trong và ngoài nước thích thú bởi cung cách phục vụ, ứng xử văn hóa của những người bán thức ăn đường phố. Hầu như những đặc sản quê xứ đều được bày bán tại đây. Vừa tản bộ, du khách có thể dừng chân bất cứ chỗ nào để ưa gì ăn nấy. Nào cơm gà, bánh vạc, bánh hoa hồng, cao lầu, mỳ Quảng, bánh tráng đập dập, bánh xèo… Phố về đêm lung linh, tấp nập người lui tới ăn uống vỉa hè. Nhiều người bảo, đi xa phố cổ nhớ nhất là bếp lửa than rực hồng trong đêm khuya giữa đường phố; thòm thèm tô cao lầu, hay nồi nước lèo bốc khói thơm; thèm nghe tiếng rộn rạo của bánh tráng đập…
Chưa có địa phương nào thống kê về giá trị kinh tế mà kinh doanh vỉa hè đem lại, nhưng có điều nó giải quyết lực lượng lao động không nhỏ cho người dân thị thành, nhất là đối tượng buôn gánh bán bưng. Các biện pháp siết chặt quản lý đô thị bằng hành chính một cách cứng nhắc của một số chính quyền địa phương thời gian qua vô tình tạo ra xung đột với người buôn bán trên vỉa hè.
HỮU PHÚC