Bước tiến của ngành y đất Quảng

CHÂU NỮ 22/08/2014 08:31

Nỗ lực trong công tác đào tạo cán bộ và đầu tư ứng dụng công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, những năm gần đây, ngành y tế Quảng Nam đã có những bước tiến vượt bậc.

Từng bước làm chủ công nghệ

Bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác khám chữa bệnh, từng bước làm chủ các trang thiết bị hiện đại, ngành đã chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo… Chỉ tính trong 2 năm thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, ngành đã chọn và cử hơn 100 bác sĩ có năng lực đi đào tạo bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa sâu ở các bệnh viện lớn  tại TP.Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế. Nhờ đó, khi các bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến tỉnh trang bị máy móc, thiết bị hiện đại đều đáp ứng được nhu cầu nhân lực sử dụng. Hiện nay các bệnh viện tuyến tỉnh đã có X-quang kỹ thuật số, CT scanner 2 lát cắt đến 64 lát cắt, siêu âm màu 3D/4D, siêu âm màu tim mạch...; bệnh viện tuyến huyện được đầu tư hệ thống X-quang toàn sóng, siêu âm màu, xét nghiệm sinh hóa bán tự động, xét nghiệm huyết học đa thông số... Riêng BVĐK tỉnh vừa lắp đặt hệ thống chụp cộng hưởng từ (MRI), trước đó cũng đã đưa máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) vào hoạt động. Nhờ các thiết bị này, đơn vị có điều kiện chẩn đoán và phát hiện bệnh chính xác, đồng thời giảm một phần chi phí cho bệnh nhân khi không phải tốn chi phí di chuyển, ăn ở khi đến các bệnh viện lớn.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải kiểm tra việc vận hành hệ thống máy CT scan 64 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải kiểm tra việc vận hành hệ thống máy CT scan 64 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BVĐK tỉnh cho hay, sau hơn một năm đưa máy DSA vào hoạt động, bệnh viện đã chụp, phát hiện các tổn thương mạch máu trong cơ thể và xử lý kịp thời các bệnh lý phức tạp về tim mạch, não, chi. Đơn vị đã cứu sống 20 ca nhồi máu cơ tim cấp, thực hiện thủ thuật can thiệp tim mạch cho 469 ca khác. Hay với MRI, khi chưa được trang bị, mỗi ngày bệnh viện phải chuyển 10 - 15 trường hợp đến các bệnh viện ở Đà Nẵng chụp MRI với chi phí cao hơn khoảng 500 nghìn đồng/ca. Nhiều kỹ thuật cao trong điều trị đã được áp dụng và triển khai thường quy tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Trong đó, BVĐK tỉnh là đơn vị đi đầu, nhất là kỹ thuật nội soi hầu hết lĩnh vực (chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng hợp, sản phụ khoa...); can thiệp mạch để điều trị ung thư gan (phương pháp TACE), tán sỏi tiết niệu ngoài cơ thể… Đây là những phương pháp tiên tiến, đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y - bác sĩ có tay nghề cao. Trước đây, nhiều trường hợp như vậy, Quảng Nam đều phải chuyển lên tuyến trung ương hoặc các bệnh viện chuyên khoa để can thiệp, điều trị.

Đột phá từ cơ sở

Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được các đơn vị trực thuộc Sở Y tế triển khai thường xuyên. Từ năm 1997 đến nay, cán bộ, viên chức toàn ngành đã thực hiện hơn 1.000 đề tài nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực. Tại hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2014, giải pháp “Dụng cụ tự chế dùng rút Sonde JJ hay Stent niệu quản qua ngả nội soi niệu đạo - bàng quang ngược dòng” của bác sĩ Trần Văn Thành, Khoa Ngoại tổng hợp BVĐK tỉnh được trao giải  khuyến khích.

Cùng với đầu tư trang thiết bị ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, các bệnh viện tuyến tỉnh trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến cơ sở khi thường xuyên hỗ trợ triển khai và ứng dụng kỹ thuật mới, trong đó chủ yếu là mở rộng diện phẫu thuật nội soi. Đến nay, bệnh viện tuyến huyện các địa phương đồng bằng như Hội An, Thăng Bình, Quế Sơn đã có thể thực hiện thành công các ca phẫu thuật nội soi ruột thừa, túi mật, u xơ tử cung... Nhiều bệnh nhân bày tỏ vui mừng vì sử dụng phương pháp này giúp họ rút ngắn thời gian nằm viện, vết mổ thẩm mỹ, ít đau. Tại Trung tâm Y tế Thăng Bình, dù mới triển khai phương pháp mổ nội soi trong năm 2014 nhưng cũng đã trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân bị sỏi niệu quản, sỏi thận, thoát vị bẹn... Người nhà của bệnh nhân Phan Thị Nguyện ở Bình Lãnh (Thăng Bình) cho biết, sau khi mổ nội soi túi mật ở Trung tâm Y tế Thăng Bình, sức khỏe của mẹ chị hồi phục nhanh, gia đình rất vui mừng.

Còn tại các bệnh viện huyện ở khu vực miền núi cũng đã có thể thực hiện thường quy phẫu thuật cấp cứu ngoại sản và phẫu thuật xương đơn giản. Mới đây, BVĐK huyện Phước Sơn đã được BVĐK tỉnh chuyển giao phương pháp phẫu thuật nội soi. Các cơ sở y tế tuyến huyện ở vùng miền núi thấp như Tiên Phước, Nông Sơn, Hiệp Đức cũng sắp thực hiện kỹ thuật này. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự vươn lên, từng bước làm chủ các kỹ thuật y khoa hiện đại của ngành y tế khu vực miền núi cũng như trong công tác chăm sóc sức khỏe và tiết kiệm chi phí cho đồng bào vùng cao, vùng sâu vốn còn nhiều khó khăn.

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật y học mới vào hoạt động khám chữa bệnh, theo bác sĩ Nguyễn Văn Hai, ngành y tế còn nhiều việc phải làm. Và giải pháp đột phá trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đảm bảo cho người dân hưởng dịch vụ tốt ngay tại tuyến y tế cơ sở, đảm bảo tính công bằng trong phục vụ và thực hiện tốt kế hoạch bảo hiểm y tế toàn dân vẫn là ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật y khoa tiên tiến. Tuy nhiên, để triển khai được các kỹ thuật cao, chuyên sâu, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bên cạnh việc đào tạo cán bộ, ngành y tế rất cần được quan tâm đầu tư  về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị một cách đồng bộ.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước tiến của ngành y đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO