Buồn, vui văn hóa đọc

SONG ANH 06/12/2013 08:14

Những người già ở phố Hội vẫn thường hay nhắc về các tủ sách gia đình cũng như không gian đọc sách ngày xưa và thường tỏ ra nuối tiếc khi nghĩ đến “văn hóa đọc” hiện nay.

Bạn đọc chủ yếu tại Thư viện tỉnh thời gian qua là sinh viên - học sinh. Ảnh: S.ANH
Bạn đọc chủ yếu tại Thư viện tỉnh thời gian qua là sinh viên - học sinh. Ảnh: S.ANH

Mở rộng câu chuyện đọc sách mới thấy không chỉ ở Hội An, mà trên bình diện cả tỉnh, đọc sách vẫn chưa trở thành thói quen với nhiều người. Một ngày ở Thư viện tỉnh, lặng lẽ quan sát chỉ thấy có các em học sinh cuối cấp đến mượn sách tham khảo luyện thi, hoặc tranh thủ không gian yên tĩnh của thư viện để học bài.

Văn hóa đọc đi... lùi

Ông Trần Tấn Vịnh - Giám đốc Thư viện tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh có 110 nghìn lượt bạn đọc, nhưng trong số đó chẳng có mấy cán bộ, công chức, viên chức đến đọc hoặc mượn sách. “Phần lớn đối tượng đến thư viện hằng ngày là học sinh, sinh viên và cán bộ hưu trí. Thư viện mở cửa đến hết ngày thứ Bảy, số lượng đầu sách hiện nay cũng rất phong phú với hơn 130 nghìn cuốn, việc tìm kiếm sách cũng trở nên ít tốn thời gian hơn bởi Quảng Nam đã thực hiện dự án thư viện điện tử tự động hóa. Nhưng buồn thay và cũng đáng lo là số lượng người đọc là cán bộ công chức đến thư viện ngày càng ít” - ông Vịnh nói.

Thực trạng đáng buồn về “văn hóa đọc” hiện nay không chỉ diễn ra ở riêng Quảng Nam. Đã có rất nhiều hội thảo khoa học luận bàn và tìm ra hướng đi để vực dậy nền văn hóa đọc vốn một thời rất hưng thịnh. Tuy nhiên mọi nỗ lực chừng như chỉ dừng lại trên giấy. Còn nhớ ở hội nghị sơ kết 3 năm hoạt động của hệ thống thư viện công cộng hồi tháng 9 tại TP. Đà Nẵng (do Bộ VH-TT&DL tổ chức), những thách thức lớn mà thư viện công cộng đang đối mặt đã được chỉ rõ. Trong đó, sự thay đổi thời đại kỹ thuật số và sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin có sự ảnh hưởng khá lớn. Bên cạnh đó, xu thế của những người trẻ thường ngại đọc những loại sách kinh điển, lý luận, sách có tác dụng giáo dục mà chỉ tập trung đọc những loại sách truyện nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh. TS. Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, một cuộc điều tra của Trung tâm Văn học trẻ em trên quy mô cả nước cho thấy: mỗi gia đình chỉ dành 2% trong tổng chi phí dành cho mỗi trẻ/tháng để mua sách báo. Thậm chí có phụ huynh còn cho biết không có tiền để mua sách báo hoặc gia đình không có thói quen đọc sách báo.

Văn hóa đọc được rèn giũa trong gia đình sẽ rất có hiệu quả. Tuy nhiên, thói quen đọc sách trong gia đình cũng như tủ sách gia đình đã dần bị ăn mòn qua thời gian, khiến trẻ em hiện nay đang rất thiếu kỹ năng đọc sách. Giáo sư Chu Hảo - một trong những người thực hiện dự án Sachhay.com cho rằng, trong các nhà trường, từ mẫu giáo cho đến đại học, không ở đâu thầy cô giáo dạy cho các em học sinh cách lựa chọn, cách đọc và thói quen đọc sách. Vậy nên không thể trách càng ngày “văn hóa đọc” của chúng ta càng đi lùi.

Tín hiệu vui

Nếu nói về truyền thống có từ lâu đời của “văn hóa đọc”, có lẽ phải kể đến Hội An. Ngay từ những năm 1920, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tại Hội An đã phát huy thị hiếu văn hóa này để truyền bá tư tưởng yêu nước thông qua sách báo cách mạng. Hội An cũng là nơi thành lập thư viện từ rất sớm và lượng sách báo thường xuyên được bổ sung. Tuy nhiên, theo thống kê của Thư viện Hội An, số lượt người đọc sách báo tại thư viện trung tâm những năm gần đây giảm khá rõ. Nếu năm 2011 có 51.826 lượt người đến thư viện đọc sách báo thì đến năm 2012 con số này giảm xuống còn 45.600 lượt người. Các nhà sách tại Hội An như Nhân Dân, Phương Nam, Giáo dục… đều dựa vào nguồn thu từ kinh doanh văn phòng phẩm, bán hàng lưu niệm là chính. Trong khi đó, lượt sách đổi cho khách du lịch nước ngoài tại các cửa hàng “Book exchange” lại rất nhộn nhịp người ra vào.

Một nhóm công chức trẻ đã vào cuộc - với mong muốn “nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng người dân Hội An”. Vào Chủ nhật ngày 8.12 này, Không gian đọc Hội An sẽ được khai trương tại Bảo tàng Di sản văn hóa Hội An. Theo đó, vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, người dân địa phương cũng như du khách sẽ được đọc sách miễn phí tại không gian đầy màu xanh này. Theo một thành viên của nhóm, về lâu dài, nhóm sẽ tổ chức những buổi giao lưu, nói chuyện về sách, về “văn hóa đọc” do những nhà văn hóa, những tác giả có uy tín chủ trì. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ tổ chức tặng sách cho một số đơn vị như trường học, trung tâm trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ trẻ em... Ngoài ra, một số cuộc thi liên quan đến “văn hóa đọc” như giới thiệu sách mới, viết về những cuốn sách mà bạn đọc yêu thích cũng sẽ được tổ chức. Trước đó, ngay trong khu phố cổ, cũng đã có một cá nhân mở  “không gian đọc” miễn phí dành cho trẻ em.

“Văn hóa đọc” cần được nuôi dưỡng ở nhiều thế hệ và việc “đọc sách” cần trở thành niềm đam mê. Hy vọng, từ những không gian nho nhỏ này, một thói quen đọc sách sẽ hình thành và lan tỏa.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Buồn, vui văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO