Cà kê chuyện ép

ĐĂNG QUANG 11/05/2015 08:16

Bà chủ quán vừa đặt ly cà phê xuống bàn thì ông khách la oai oái: Tôi có kêu đâu mà mà bưng cà phê ra rứa? Ủa, chớ ai kêu? Không biết. Thôi lỡ pha chế, đánh  đường rồi, ông uống giùm! Vậy cà phê này là cà phê… ép hả?  

Đúng là chuyện bà chủ nghễnh ngãng thành ra ép khách. Khách cũng quen chủ, đành uống thêm ly cà phê. Không sao. Nhưng chuyện bắt đầu râm ran từ đó.

Một bà chuyên đi buôn bán trái cây chen vào, bây giờ nhiều thứ cũng bị ép. Chuối, mít, xoài… còn non mà người ta hái trút trái một lần rồi ép chín để bán. Làm cách nào ép chín được mà trái cây không bị bủn ra? Dễ ẹc. Bây giờ thị trường có bán loại thuốc mà người ta gọi là “hoa quả thúc chín tố”. Nghe đâu loại này nhập lậu từ bên Tàu về. Báo chí cũng từng dẫn ý kiến của các nhà chuyên môn, cho rằng, các loại thuốc thúc chín  thuộc nhóm thuốc “điều hòa sinh trưởng”. Và họ đã thử phân tích thuốc thúc chín tố thì thấy có chất Ethephon 28%, khi hòa dung dịch sẽ sinh ra Etylen, giống như một hoóc-môn thực vật làm trái cây chín và có mùi thơm. Khi mua phải thứ trái cây sử dụng chất này, người tiêu dùng dễ bị đánh lừa vì nhìn bề ngoài trái cây cũng có màu chín đẹp như thường nhưng ăn thì lạt nhách, để ít bữa bị bủn ra. Còn các loại trái cây để thờ thì cứ “trân trân” suốt cả tuần vẫn đẹp, song đến một lúc ruột nát bấy. Độc hơn, có nơi người ta dùng hóa chất gồm các loại thúc chín tố và phân bón lá để tẩm sầu riêng, mít, chuối xanh… cho dậy mùi rồi đem sấy khô để bán ra thị trường.

Trái cây bị thúc chín ép bằng hóa chất có thể gây độc hại, là một trong những lý do khiến thị trường xuất khẩu hoa quả của Việt Nam nhiều phen “đứng bánh” - một vị có dáng doanh nghiệp xuất khẩu góp chuyện. Ngoài ra, việc sản xuất, chế biến rau quả, thực phẩm không an toàn do sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng càng khiến cho thị trưởng nông sản thêm lao đao. Có trường hợp người nuôi tôm và trồng rau không ăn sản phẩm của họ làm ra vì sử dụng thuốc quá nhiều (!?). Và, do vậy, nhiều nông dân làm ăn đứng đắn cũng bị ảnh hưởng. Rõ nhất là vì sợ mà người ta lừng khừng không muốn mua rau quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thiếu bảo chứng chất lượng.

Còn chuyện ép khác là về giá thì bị hoài. Đâu chỉ dưa hấu của bà con nông dân Quảng Nam bị ép giá như vừa rồi mà còn có cả ớt, thanh long, gạo, mủ cao su... Một ông lái xe đường dài cho hay rằng ông có đưa ớt, thanh long, dưa hấu xuất qua Trung Quốc nhiều lần bị ứ ở cửa khẩu. Đó là vì thương lái người Tàu chơi trò lừng khừng không chịu xem hàng đến khi nhiều giỏ trái cây hư thì mới tới mặc cả để ép giá. Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch chỉ có khổ với Tàu. Mà riêng chi Tàu, hàng  tôm qua Mỹ cũng bị ép giá. Một tờ báo phản ánh, cuối năm 2014 giá trung bình tôm nhập khẩu vào Mỹ đạt 12 USD/kg, nhưng những tháng đầu năm 2015 đã giảm xuống còn 10 USD/kg. Ngoài ra, đồng USD tăng giá khiến Mỹ trở thành điểm đến của nhiều nhà xuất khẩu thủy sản khác, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu Mỹ ép giá tôm Việt Nam.

Có thể người khách chịu uống ly cà phê… ép vì nể tình quen biết với chủ quán. Nhưng không thể ép người ta dài kiểu đó được. Trong sản xuất và tiêu dùng, nếu cứ sử dụng cái chiêu ép về lượng và chất bất minh cùng thủ đoạn chèn ép giá, thì thị trường luôn méo mó, biến dạng.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cà kê chuyện ép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO