Các địa phương khẩn trương khắc phục sau lũ

17/11/2013 20:24

* Toàn tỉnh có 5 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ

Tổng hợp tình hình mưa lũ đến chiều 17.11

Theo thông tin từ Ban PCLB tỉnh chiều nay 17.11, tính từ 19 giờ ngày 16.11 đến 7 giờ ngày 17.11 trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, lượng mưa phổ biến từ 5mm– 20mm. Lúc 7 giờ sáng 17.11, mực nước trên các sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,07m (trên báo động II: 0,07m). Trên sông Thu Bồn tại Giao Thuỷ là 7,35m (dưới báo động II: 0,15m), tại Câu Lâu là 3,73m(dưới báo động III: 0,27m), tại Hội An là 1,99m (dưới báo động III: 0,01m). Trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ là 2,36m (trên báo động II: 0,16m).

Có 66/73 hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước, các hồ hoạt động bình thường. Trong đó, Hồ Phú Ninh mực nước là 31,68/32,00 m và đang xả tràn số 02 với lưu lượng là 251m3/s.

Quốc lộ 1A giao thông đảm bảo thông suốt. Tuyến đường Hồ Chí Minh tại huyện Phước Sơn bị sạt lở một số vị trí, hiện nay đơn vị quản lý đã khắc phục. Tại tuyến đường ĐT 616 Km45 đoạn qua xã Trà Dương (Bắc Trà My) bị sạt lở 03 điểm với khối lượng rất lớn, khiến giao thông vẫn đang bị ách tắc giao thông trên tuyến này. Sở GTVT đang tổ chức khắc phục để thông tuyến. Trên tuyến đường ĐT616 Km58 đoạn qua địa bàn xã Trà Tân bị sạt lở 01 điểm khối lượng sạt lở ước khoảng 500m3 gây ách tắc giao thông trên tuyến này. Tại tuyến đường Trà My - Trà Bồng đi Khu di tích Đảng bộ huyện Trà My đoạn qua địa phận thôn 2 (xã Trà Giang) bị sạt lở 1 điểm khối lượng sạt lở ước khoảng 400m3. Hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã đều bị sạt lở rất nhiều, cô lập hoàn toàn do khối lượng sạt lở lớn, cụ thể như xã Trà Leng, Trà Cang, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Don, Trà Mai, cầu treo Trà Linh… ước tính khối lượng đất, đá sạt lở khoảng hơn 60.000m3. Trong khi đó, 03 cầu treo tại huyện Nam Giang đã bị đứt, nước lũ cũng làm gãy cầu Bình đào (huyện Thăng Bình), chìm 1 tàu 45 CV làm nghề lưới rê do bị đứt neo tại Hội An. Trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận 5 trường hợp bị chết và 1 người bị mất tích do mưa lũ.  (ĐOAN ANH)

Nông Sơn: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Từ sáng sớm nay 17.11, nước lũ rút nên người dân khẩn trương dọn dẹp vệ sinh sau lũ. Chính quyền huyện Nông Sơn cũng chỉ đạo cho các địa phương cùng với nhân dân khắc phục hậu quả do lũ gây ra.  
Tại xã Quế Trung, Đội xung kích PCLB huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng các lực lượng thanh niên, cựu chiến binh, dân quân tự vệ tại địa phương đã ra quân dọn bèo và rác tại khu vực ruộng Đồng Chợ (thôn Trung Phước, xã Quế Trung). Hơn 50 người đã được điều động cùng với 3 xe tải làm việc cật lực để xử lý số bèo mắc lại sau lũ. Lượng bèo ứ đọng lại sau lũ trên khu vực này khoảng trên 700m2 khiến cho việc xứ lý mất nhiều thời gian. Dự kiến phải mất hơn 1 ngày mới giải quyết xong số bèo này.

Lũ rút để lại nhiều rác thải. Ảnh: Đoan Anh
Lũ rút để lại nhiều rác thải. Ảnh: Đoan Anh

Theo ông Phạm Văn Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Quế Trung, khu vực này thường xảy ra tình trạng rác ứ đọng sau lũ. Nguyên nhân chủ yếu là do đường dây viễn thông nối từ đường Đèo Le lên trung tâm huyện quá thấp, mỗi khi lũ về đường dây này trở thành rào chắn khiến rác không thể trôi đi khi nước rút. Sau lũ, chính quyền địa phương cùng người dân lại phải tốn công, tốn sức, tốn của để giải quyết số lượng rác khổng lồ. “Nhiều lần người dân cùng chính quyền địa phương đã kiến nghị lên đơn vị quản lý là Bưu điện Sơn Hiệp tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời là “không có kinh phí”. Năm này qua năm khác, đơn vị này cũng chưa khắc phục khiến cho người dân hết sức bức xúc” – ông Sơn nói.  

Theo Ban PCLB huyện Nông Sơn, đợt lũ những ngày vừa qua đã có khoảng 1.200 hộ dân bị ngập, trong đó có 300 nhà ngập sâu trên nửa mét. Sáng nay, nước lũ đã rút khá nhanh,các địa phương cũng bắt tay vào việc khắc phục hậu quả lũ lụt. Một trong những công tác khắc phục sau lũ là việc xứ lý môi trường. UBND huyện Nông Sơn chỉ đạo các địa phương tập trung lực lượng, huy động nhân dân tiến hành dọn vệ sinh, nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó và tiêu độc khử trùng.

Tại xã Quế Trung có khoảng 50 giếng nước của người dân bị ngập lũ. Vì vậy, Trạm Y tế xã đã chuẩn bị đủ số thuốc để xứ lý nhằm cung cấp cho các hộ gia đình xử lý lại nguồn nước đảm bảo vệ sinh.

Nhiều nơi còn bị chia cắt

Mặc dù nước đang rút mạnh, tuy nhiên do địa hình thấp trũng, 7 xã trên địa bàn huyện Nông Sơn vẫn còn bị chia cắt. Trong đó đường ĐH từ trung tâm huyện đi xã Quế Lâm và Phước Ninh bị chia cắt tại khu vực cầu Khe Rinh (thôn Xuân Hòa và Bình Yên, xã Phước Ninh). Đặc biệt, tại xã Phước Ninh, do lũ lớn đã gây sạt lở 30m đường ĐH khiến cho xe cộ không thể qua lại.

Nhiều khu vực còn bị ngập khiến cho các xã huyện Nông Sơn còn bị chia cắt. Ảnh: Đoan Anh
Nhiều khu vực còn bị ngập khiến cho các xã huyện Nông Sơn còn bị chia cắt. Ảnh: Đoan Anh

Ông Đoàn Quốc Dũng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết: “Sáng nay để khắc phục giao thông trên tuyến ĐH tại thôn Dùy Chiêng 1, Dùi Chiêng 2, xã đã huy động lực lượng xung kích tại địa phương xứ lý lượng rác thải đọng lại trên đường, đến nay đoạn đường này đã thông tuyến” – ông Dũng nói.

Trong khi đó, tuyến đường ĐT611 vào trung tâm huyện, đến nay nhiều chỗ còn ngập trên 1m khiến cho giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu dùng thuyền để qua lại.  (VINH ANH – HÀN GIANG)
Duy Xuyên: ước tính thiệt hại do lũ gây ra hơn 35 tỷ đồng

Do lũ rút chậm nên đến 18 giờ chiều 17.11, mực nước lũ trên sông Thu Bồn chảy qua địa phận huyện Duy Xuyên vẫn còn trên báo động 2 khoảng 0,6 mét. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Ban Chỉ huy PCLB & GNTT huyện Duy Xuyên cho biết, hiện vẫn còn ít nhất 2.300 hộ dân với 10.000 nhân khẩu tại các vùng trũng thấp, ven sông suối bị lũ cô lập hoàn toàn với bên ngoài, tập trung chủ yếu ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu), thôn Đông Bình (xã Duy Vinh), xóm Vạn Buồng (xã Duy Trinh)… Nhiều tuyến đường giao thông vẫn còn bị nước lũ chia cắt, riêng tuyến ĐT610A tại khu vực giáp ranh giữa xã Duy Trinh và Duy Sơn còn ngập sâu gần 1 mét.

 Người dân xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) dọn dẹp, lau chùi vật dung sinh hoạt khi lũ đang rút. Ảnh: VĂN SỰ - PHI THÀNH
Người dân xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) dọn dẹp, lau chùi vật dung sinh hoạt khi lũ đang rút. Ảnh: VĂN SỰ - PHI THÀNH

Theo thống kê sơ bộ, trong đợt lũ lớn này toàn huyện Duy Xuyên có 17.000 ngôi nhà bị ngập sâu, 100 nhà bị xiêu vẹo, xói lở. Ngoài ra, còn có 500 ha rau màu vụ đông, 150ha lúa cấy kỳ hư hại hoàn toàn và 70ha đất sản xuất ven sông bị xói lở, bồi lấp. Cạnh đó, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và một số hồ chứa thủy lợi bị hư hại, sạt lở nặng… Ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu hơn 35 tỷ đồng. (VĂN SỰ - PHI THÀNH)
Đại Lộc khẩn trương dọn dẹp sau lũ

Là địa phương chịu thiệt hại nặng của trận lũ vừa qua, hôm nay (17.11) các địa phương, cơ quan trường học… của  huyện Đại Lộc khẩn trương dọn dẹp lũ.

Đến chiều 17.11, nhiều nơi của Đại Lộc vẫn đang bị chia cắt, giao thông trắc trở. Cầu Quảng Huế (xã Đại An) vẫn đang ngập sâu khiến đường vào 7 xã vùng B rất khó khăn. Vì lượng người, phương tiện qua lại nhiều nên tại điểm này giao thông thêm ách tắt. Những chiếc ghe nhỏ đưa người và phương tiện qua bờ rất nguy hiểm. Cầu Ba Khe (Đại Lãnh), cầu Quan Âm (Đại Quang), nước vẫn còn ngập sâu, chia cắt nhiều khu dân cư. Tại các xã Đại Hưng, Đại Cường, Đại Sơn… nước vẫn còn đang ngập vào nhà khiến đời sống người dân còn đang khó khăn.

Cầu Quảng Huế vẫn bị chia cắt khiến việc đi lại của người dân gặp khó. Ảnh: VĂN HÀO
Cầu Quảng Huế vẫn bị chia cắt khiến việc đi lại của người dân gặp khó. Ảnh: VĂN HÀO

Đang cào lớp bùn non ra khỏi nhà, bà Lê Thị Tâm (46 tuổi, xã Đại Lãnh) thở dài: “Vài năm rồi mới thấy lũ lớn như như thế này, chúng tôi chờ nước rút hôm qua đến giờ để dọn dẹp nhà cửa nhưng nước xuống chậm quá. Cây cối, hoa màu chừ chìm hết trong nước rồi”.

Tình hình nước sạch tại các xã vùng B vốn khó khăn, để kịp thời đảm bảo nguồn nước cho dân, địa phương tiến hành cấp phát thuốc để người dân xử lý nguồn nước giếng. Hiện toàn huyện có trên 4.000 giếng nước bị ngập lụt, ô nhiễm.

 Đường nhựa bị bong tróc tại khu Ái Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa). Ảnh: VĂN HÀO
Đường nhựa bị bong tróc tại khu Ái Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa). Ảnh: VĂN HÀO

Đợt lũ này có 43/61 trường học trên địa bàn bị ngập lụt. Ngay trong sáng nay, các thầy cô giáo và học sinh khẩn trương ra quân để dọn dẹp vệ sinh trường. Cùng với đó, 500 bộ đội được Tỉnh đội Quảng Nam điều về các điểm trường để giúp nhà trường khắc phục lũ. Tại trường THCS Mỹ Hòa (xã Đại An), ngay từ sáng sớm, hơn 50 thầy cô giáo đã có mặt tại trường để gấp rút thu dọn, dội rửa. Thầy Huỳnh Văn Bình - Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Hòa cho biết hôm 16.11 nước ngập vào trường đến 1,5 mét khiến nhà trường lo lắng, sợ ảnh hưởng đến tiến độ học tập các học sinh. “Được sự giúp sức của lực lượng xung kích địa phương, lực lượng vũ trang tỉnh nên công tác dọn dẹp vệ sinh được đảm bảo, nhà trường sẽ tiến hành dạy và học đúng tiến độ” - thầy Bình nói.

Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB huyện Đại Lộc cho biết địa phương nghiêm cấm người dân chèo ghe, thuyền đi vớt củi, bắt dế khi lũ chưa xuống hẳn. Ngoài ra địa phương còn bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, hướng dẫn các phương tiện qua lạ, hạn chế đi qua những vùng nguy hiểm, nơi dễ sạt lỡ đất. “Chúng tôi phân công cán bộ bám sát cơ sở để hướng dẫn địa phương khôi phục sản xuất, sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Ngoài ra địa phương sẵn sàng hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực tại những nơi còn cô lập” - ông Tính nói. (VĂN HÀO)
Tiên Phước: Thiệt hại ước tính 200 tỷ đồng

Theo Ban chỉ huy PCLB huyện Tiên Phước, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện trong 2 ngày 15 và 16.11 ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Cụ thể, nhà ở của nhân dân bị ngập 451 nhà, trôi toàn bộ tài sản, đồ dùng, lương thực thực phẩm trong nhà, và có 61 nhà bị sạt lở hư hỏng nặng.

Tiếp ứng nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt. Ảnh: DIỄM LỆ
Tiếp ứng nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt. Ảnh: DIỄM LỆ

Theo thống kê sơ bộ, tuyến ĐT 616 đoạn qua huyện Tiên Phước bị sạt lở nặng hơn 20 điểm, nặng nhất là khu vực Đèo Liêu (Tiên Hiệp), tuyến tránh Nam Quảng Nam đoạn qua thị trấn Tiên Kỳ, đường Tiên Hiệp - Tiên Lãnh, đường quốc phòng Tiên Sơn - Bình Quý, tuyến ĐT 615 đi Đồng Trại (Tiên Cẩm) sạt lở phần ta ly dương. Ước tính khối lượng đất đá sạt lở lấp trên các tuyến đường ở hàng trăm vị trí, với khối lượng đất đá hơn 4.000 m2.  Cầu treo thôn 1 xã Tiên Lãnh bị gãy, 2 mố cầu Trắng trên tuyến đường Tiên Lãnh - Tiên Ngọc bị trôi hoàn toàn, toàn huyện có 26 cầu, cống  kiên cố, 1 trạm bơm, 3 đập kiên cố, 4 km kênh bê tông bị hư hỏng nặng, trôi dạt các mảng bê tông; tường rào Nghĩa trang liệt sĩ  xã Tiên Ngọc sụp đổ hoàn toàn. Một phần cơ sở vật chất gồm trường rào, tủ, bàn, ghế, máy vi tính, sách, thiết bị dạy học trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Tiên Lãnh) bị thiệt hại do bị nước ngập.

Lãnh đạo huyện Tiên Phước động viên, thăm hỏi người dân vùng bị ngập lụt, trôi toàn bộ tài sản.Ảnh: DIỄM LỆ
Lãnh đạo huyện Tiên Phước động viên, thăm hỏi người dân vùng bị ngập lụt, trôi toàn bộ tài sản.Ảnh: DIỄM LỆ

Trên lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều gia súc gia cầm bị trôi theo nước lũ, chưa thể thống kê được, ruộng bị sạt lở, bồi lấp, vỡ bờ 226 ha, hoa màu bị thiệt hại 11ha, keo, dó bị thiệt hại 63ha.

UBND huyện Tiên Phước đã huy động mọi phương tiện, lực lượng khắc phục các điểm sạt lở, thông tuyến an toàn, riêng tuyến đường quốc phòng Tiên Sơn - Bình Quý bị sạt lở nhiều vị trí vẫn chưa khắc phục được. Các tổ công tác ngành y tế  phối hợp với chính quyền xã, thị trấn đến các vùng bị ngập sâu hướng dẫn nhân dân xử lý vệ sinh môi trường, nguồn nước, ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh sau lũ. Đối với nhà bị ngập hoàn toàn, trôi toàn bộ tài sản, huyện Tiên Phước kịp thời hỗ trợ mỗi nhà 1 triệu đồng và các nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, mì tôm. (DIỄM LỆ)

Nam Trà My: Nguy cơ thiếu đói do tắc đường
Tính đến trưa ngày 17.11, trên địa bàn huyện Nam Trà My vẫn còn mưa rất lớn. Lượng đất đá sạt lở xuống các trục đường giao thông đã lên đến 60.000m3 gây cô lập toàn bộ các xã và đang dẫn đến nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng.

 Đá tấn sạt xuống đường giao thông về xã Trà Vân gây cô lập hoàn toàn. Ảnh: HOÀNG THỌ
Đá tấn sạt xuống đường giao thông về xã Trà Vân gây cô lập hoàn toàn. Ảnh: HOÀNG THỌ

Tổng hợp mới nhất từ Ban Chỉ huy PCLB huyện cho biết, mưa lũ những ngày qua đã gây cô lập giao thông toàn bộ 10 xã trên địa bàn huyện với khối lượng đất đá ước tính hơn 60 nghìn mét khối. Nhiều trục giao thông liên xã còn có những tảng đá nặng hàng tấn sạt xuống chắn ngang đường. Nước lũ đã cuốn trôi cầu treo dẫn về thôn 4 xã Trà Linh khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây bị cô lập với bên ngoài.

Còn nhiều nhà dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Ảnh: HOÀNG THỌ
Còn nhiều nhà dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Ảnh: HOÀNG THỌ

Trên các trục đường từ trung tâm hành chính huyện dẫn về các xã đã có tới hàng trăm điểm sạt lở đất, đá khiến giao thông cô lập. Đáng lo ngại nhất là hiện ở thôn 2 xã Trà Mai có 2 khu vực đang sạt lở đất đe dọa hàng chục hộ dân. Cùng với đó thì trên các xã vùng cao đã hơn 3 ngày qua mọi phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm không thể lưu thông cung ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân. Nhiều hộ dân phải cắt rừng băng bộ để cõng hàng chu cấp đời sống tạm thời. Mưa lũ cũng khiến hơn 50 héc ta đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp cuốn trôi, nhiều vườn keo chuẩn bị thu hoạch bị gãy đổ, hơn 30 héc ta ao nuôi cá nước ngọt của người dân bị thiệt hại. Phòng LĐ-TB&XH huyện cho hay, hiện tại nguồn lương thực dự trữ tại các xã không còn do năm nay Nam Trà My chưa nhận được viện trợ từ cấp trên. Ở kho dự trữ trung tâm huyện đang có hơn 10 tấn gạo đủ để phục vụ cho ban công tác khắc phục lụt bão 10 xã và cứu tế đột xuất cho nhân dân, học sinh. Tuy nhiên số lương thực này hiện không thể vận chuyển lên các xã do giao thông ách tắc. Trước đó các đợt bão lũ đã phá hủy nhiều diện tích lúa nước, lùa rẫy của nhân dân nên nguồn lương thực dự trữ tại chỗ trong các làng, nóc hiện không đủ. Ban Chỉ huy PCLB Nam Trà My đang lên phương án huy động dân quân xã và thanh niên cõng lương thực về những nơi bị thiếu đói. Hiện tại công tác khắc phục hậu quả sạt lở không thể thực hiện được do mưa lớn vẫn còn tiếp diễn và tình trang sạt lở đất, đá đang xảy ra. Trong khi mực nước trên các sông, suối đang dâng cao và chảy rất mạnh thì có nhiều người dân ra đây vớt cá, câu cá, vớt gỗ nên luôn rình rập những hiểm họa khó lường. Được biết để giải phóng ách tắc toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện này phải mất cả tháng trời mới thực hiện xong. (HOÀNG THỌ)

Đông Giang, Tây Giang: Lũ gây hại nhiều hécta hoa màu, đường lên 4 xã vùng cao bứt đầu thông

Tính đến cuối giờ chiều nay, lượng mưa trên các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang đã giảm, nước lũ tại các sông suối đã rút nhưng đường sá vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại huyện Đông Giang, theo đánh giá của Ban chỉ huy PCLB huyện, hiện vẫn chưa có báo cáo thống kê tổng số liệu diện tích hoa màu thiệt hại do lũ.

Theo ông Dương Văn Chung - Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Giang, mặc dù mưa lũ khá lớn nhưng do được chủ động từ trước đó nên trên địa bàn huyện không xảy ra thiệt hại gì nhiều. Trong khi đó, tại các xã Jơ Ngây, A Ting, Sông Kôn… nước lũ cũng gây ngập một số nhà dân ở các thôn. Nhiều hécta chuối, hoa màu ở các thôn Brùa, Ngật (xã Jơ Ngây) bị nước lũ gây ngập úng, hư hại. Hiện mực nước tại các sông suối trên địa bàn đã giảm, một số khu vực bị lũ tràn gây cô lập ở các điểm ngầm Dốc Rùa (xã A Ting); cầu thôn Brùa, ngầm đi qua thôn Ngật (xã Jơ Ngây); cầu Sông Vàng (xã Ba),… cũng đã trở lại bình thường, đảm bảo việc lưu thông của người dân và xe cộ.

Còn tại huyện Tây Giang, mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại cho người dân về hoa màu. Nhiều tuyến đường đi lên các xã vùng cao bị sạt lở nặng tại nhiều điểm, gây khó khăn cho các tiện tham gia giao thông. Riêng tuyến đường đi lên 4 xã vùng cao Tr’hy, Axan, Gari và Ch’Ơm hiện đang được thông thoáng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB huyện Tây Giang, tuyến đường này hiện vẫn trong tình trạng bị bùn đất nhão nhoẹt, người dân chỉ có thể đi được bằng phương tiện xe máy nhưng cũng rất khó khăn. Trước đó, để đề phòng trước mưa lũ, huyện Tây Giang cũng đã tổ chức di dời 46 hộ dân ở thôn K’la (xã Dang) về nơi ở mới là thôn K’tiếc khu 2, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống mới, đảm bảo an toàn trước diễn biến của mưa lũ.  

Như Báo Quảng Nam Online đã đưa tin, trước đó vào chiều 15.11, anh Bríu Ngô, cán bộ Thương binh - xã hội xã Gari đã bị lũ cuốn cùng xe máy khiến trôi mất toàn bộ số tiền gần 650 triệu đồng tiền cấp phát cho cán bộ hưu trí, chính sách xã hội tại địa phương. Sự việc xảy ra bất ngờ khiến anh Ngô không kịp trở tay, nhưng may mắn thoát chết. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng huyện Tây Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương, dân quân và người dân khu vực xảy ra sự cố triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy được chiếc xe máy cùng số tiền 2,5 triệu đồng.(LĂNG A CÚI)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các địa phương khẩn trương khắc phục sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO