(QNO) - Trước khi tiến nhanh vào biển Đông và gây ảnh gây hưởng mạnh đến các tỉnh, thành ở miền bắc nước ta và tiếp tục tiến đến Trung Quốc, cơn bão có tên quốc tế Kalmaegi đã đổ bộ vào miền bắc Philippines tối 14.9.
Bão Kalmaegi vào Philippines. |
Hội đồng xử lý và giảm thiểu nguy cơ thảm họa quốc gia (NDRRMC) của Philippines cho biết, bão Kalmaegi được Philippines gọi là Luis đã đổ bộ vào thị trấn duyên hải đông bắc Divilacan và di chuyển về phía tây qua đảo Luzon, với sức gió giật mạnh160km/h. Dù chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền bắc, nhưng bão Kalmaegi cũng gây mưa lớn và gây lũ lụt tại nhiều nơi. NDRRMC thông báo hiện chưa có số liệu về thương vong, ngoại trừ hai người bị thiệt mạng trong vụ chìm con phà Maharlika II ở ngoài khơi hòn đảo Leyte, miền trung Philippines. Trước khi bị chìm, người điều khiển chiếc phà thông báo là hệ thống bánh lái bị trục trặc trong khi phải hứng chịu gió to và sóng lớn do ảnh hưởng của cơn bão Kalmaegi đang tiến gần miền bắc Philippines.
Để ứng phó và giảm tối thiểu thiệt hại về người và của do bão gây ra, Giám đốc điều hành NDRRMC - Alexander Pama thông báo: “Tôi kêu gọi tất cả người dân hết sức chủ động phòng tránh và liên tục lắng nghe cảnh báo bão từ các lãnh đạo đại phương, đừng đợi cho đến khi cơn bão ập tới”. 22 tỉnh chủ yếu tại miền bắc và đồng bằng miền trung được gia tăng mức độ cảnh báo. Ngoài ra, chính quyền kêu gọi người dân nhận thức đây đủ về những diễn biến tai ương trong và sau bão như lở đất, nước sông dâng cao. Hàng chục chuyến bay bị hủy bỏ và ngăn cấm hoạt động của tất cả các tàu, thuyền… Tất cả các trường học tại các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão Kalmaegi được lệnh đóng cửa cho đến khi cơn bão đi qua. Hàng nghìn người được di dời đến nơi trú ẩn an toàn.
Như vậy, bão Kalmaegi là cơn bão thứ 4 xuất hiện trên biển Đông. Trước đó cơn bão thứ 3 xuất hiện vào giữa tháng 7 vừa qua, có tên quốc tế Rammasun (Thần Sấm) tàn phá Philippines khiến gần 100 người thiệt mạng và gây thiệt hại khoảng 130 triệu USD. Sau đó, bão đổ bộ vào các tỉnh Hải Nam, Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc làm nhiều người chết.
Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sau khi tiến vào biển Đông với cường độ mạnh nhất ở cấp 13, cấp 14, đến trưa ngày 16.9, bão sẽ gây gió mạnh ở phía Bắc vịnh Bắc Bộ, đến đêm 16 và ngày 17.9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành miền Bắc nước ta. Ngay từ chiều 14.9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện 21 gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ; các Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải, NN&PTNT, Ngoại giao, Đài truyền hình Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí về công tác ứng phó với cơn bão số 3 Kalmaegi.
Cũng lúc này, Trạm dự báo biển quốc gia Trung Quốc đã ban bố cảnh báo vàng (mức cao thứ hai trong thang cảnh báo gồm 4 cấp) trước khi cơn bão nhiệt đới Kalmaegi với sức gió lên tới 162km/h bắt đầu vào biển Đông sáng 15.9. Theo dự báo, bão sẽ ảnh hưởng tới khu vực bờ biển phía nam và đông nam Trung Quốc.
NAM VIỆT