Các sản phẩm chế biến từ nấm và dược liệu: Vàng thau lẫn lộn

TRẦN HỮU 29/04/2016 09:54

Lợi dụng công năng tuyệt vời của một số loài nấm và các loài cây dược liệu quý hiếm, một “cơn sốt ảo” về thị trường sản phẩm đã hình thành. Trong khi người tiêu dùng thiếu thông tin và kiến thức chuyên môn thì gần như các cơ quan chức năng lại thiếu kiểm soát thường xuyên, để các loại “biệt dược” tự do trôi nổi trên thị trường.

Khó phân biệt thật - giả

Ở thôn 5, xã Tiên  Hiệp (Tiên Phước), mấy năm gần đây xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ kinh doanh, buôn bán nấm lim xanh. Trên tuyến đường ĐT616 kéo dài chừng 2km, có đến hàng chục doanh nghiệp, hộ kinh doanh các sản phẩm từ nấm rừng và sản xuất rượu sâm Ngọc Linh, ba kích. Chỉ nổi tiếng là vùng đất có nấm lim xanh Suối Mùn (xã Tiên Hiệp), nhưng những người kinh doanh nơi đây linh hoạt mở rộng sản xuất, chế biến thêm các sản phẩm sâm Ngọc Linh, sâm cau, ba kích ở dạng thực phẩm chức năng như rượu và trà. Trong vai một người mua hàng với số lượng lớn muốn chuyển vào TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Lực, chủ cơ sở sản xuất rượu nấm lim xanh thôn 5 (Tiên Hiệp) cởi mở giới thiệu sản phẩm. Ông Lực bảo, ở Tiên Hiệp hiện nay nấm thật - giả khó phân biệt, nhưng cơ sở ông làm ăn rất uy tín, cung ứng rượu và nấm lim xanh thô cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. “Anh muốn nấm từ loại hơn 1,5 triệu đến 3 triệu đồng/kg đều có cả. Nếu mua với số lượng lớn, cơ sở sẽ giảm giá. Nói chung mua ở đây là hàng đảm bảo chất lượng” - ông Lực nói.

Giới thiệu sản phẩm rượu nấm lim xanh trên đường Nguyễn Hoàng, TP.Tam Kỳ.
Giới thiệu sản phẩm rượu nấm lim xanh trên đường Nguyễn Hoàng, TP.Tam Kỳ.

Trong cơ sở ở xã Tam Dân (Phú Ninh), ông Lực chưng đủ các loại rượu sâm Ngọc Linh (củ trồng). Cơ sở này còn bán trà nấm lim xanh. Tôi hỏi: “Làm sao để tin các loại rượu này sử dụng 100% sản phẩm từ nấm, cũng như các loại rễ, lá, thân, củ dược liệu quý hiếm?”. Ông Lực trả lời, bằng mắt thường nhìn vào là biết ngay sản phẩm từ rừng. Để thuyết phục khách hàng, ông Lực còn lấy ra tờ giấy chứng nhận trà nấm lim xanh, rượu sâm Ngọc Linh của cơ sở đạt danh hiệu sản phẩm - dịch vụ uy tín chất lượng năm 2015 do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế và Báo Người tiêu dùng xác nhận. Tuy nhiên, ông Lực cũng thừa nhận, ở Tiên Phước phổ biến tình trạng các cơ sở sản xuất cung cấp lẫn lộn các loại nấm thật - giả ra thị trường.

Quầy bán các sản phẩm nấm và rượu sản xuất, chế biến từ các loại cây dược liệu của cơ sở ông Lực tại xã Tam Dân (Phú Ninh).Ảnh: T.H
Quầy bán các sản phẩm nấm và rượu sản xuất, chế biến từ các loại cây dược liệu của cơ sở ông Lực tại xã Tam Dân (Phú Ninh).Ảnh: T.H

Tại địa bàn các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, chúng tôi còn bắt gặp cảnh bày bán các loại dược liệu như đảng sâm, ba kích, mật nhân... Trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Phước Sơn, người bán rễ cây mật nhân tự  giới thiệu tên Nguyễn Văn Dũng (xã Phước Hòa, Phước Sơn) cho biết, cây mật nhân ông bán là loại thật. Tác dụng có thể chữa được nhiều bệnh như đái tháo đường, đau mỏi xương khớp, viêm gan, gút... Tùy vào loại thô hoặc sơ chế thành lát mỏng, giá dao động 50 - 100 nghìn đồng/kg. “Mật nhân công dụng lắm nên ngâm uống rượu với thứ gì cũng được, tốt nhất là ngâm với chuối hột. Nhưng ngâm như thế nào cho đúng cách, đem lại hiệu quả thì nên hỏi thầy thuốc đông y. Bây giờ mật nhân tìm không dễ đâu” - ông Dũng nói. Còn tại Nam Trà My, một lạng sâm Ngọc Linh lấy củ từ rừng tự nhiên có giá thấp nhất 3 triệu đồng nhưng được ngâm trong bình rượu loại 1 lít sẽ có giá 3,5 triệu đồng. Nếu ngâm trong loại bình có dung tích lớn hơn thì giá sẽ cao hơn, tùy thuộc giá trị của cái bình. Tại một quầy kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh ở TP.Tam Kỳ, cũng loại bình rượu có thể tích như nhau nhưng giá cả trời vực. Có bình dưới 1 triệu đồng nhưng cũng có chai rượu giá gần 10 triệu đồng. Là người sưu tầm rượu sâm Ngọc Linh, ông Lê Văn Tin (TP.Tam Kỳ) tiết lộ, gia đình ông cất giữ bình rượu sâm giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng chỉ dân trong nghề mới biết tuổi đời thật của nó. “Giá trị của củ sâm ngoài tuổi đời còn ở hình dạng, kích thước và tư thế bò nữa” - ông Tin nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nấm lim xanh, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý xuất xứ Quảng Nam xuất hiện rộng khắp trên thị trường cả nước. Lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý nhà nước, nhiều đối tượng làm ăn bất chính đã sử dụng toàn bộ nguyên liệu giả, hoặc trộn lẫn sản phẩm thật - giả nhằm đánh tráo người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần thận trọng

Thời gian qua, đánh vào niềm tin về tác dụng của các loại cây dược liệu của người dân, một số đối tượng, kể cả chủ cơ sở sản xuất, chế biến nấm, các sản phẩm chức năng đã dùng chiêu quảng cáo quá đà, “thần thánh hóa” công dụng của dược liệu. Việc mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt các loại rễ cây thuốc được bày bán ngoài đường. Theo các thầy thuốc đông y, bất kỳ một loại thuốc nào cũng phải dùng theo chỉ định, đúng liều lượng, đúng thời hạn sử dụng. Nếu dùng không đúng, các loại rễ, lá, củ cây dược liệu có thể gây ngộ độc, phản ứng phụ, bệnh thêm nặng. Y sĩ Phan Thanh Phú, công tác tại Khoa Đông y (Trung tâm Y tế Tam Kỳ) cho rằng, riêng cây mật nhân, đông y ghi nhận nó có tác dụng làm khí huyết lưu thông, tăng lực. Một số chế phẩm thường bổ sung mật nhân vào để chữa suy nhược, mệt mỏi chứ không phải là loại cây có thể chữa bá bệnh như đồn thổi.

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc phân biệt nấm, kể cả các sản phẩm dược liệu quý bằng mắt thường rất khó, nhất là khi nấm ở dạng khô. Trước đây, cơ quan này từng tịch thu nấm lim xanh của người dân bán trên thị trường nhưng sau đó buộc phải trả lại. Việc các loại nấm lim xanh, linh chi cũng như dược liệu sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích xuất hiện trên thị trường với giá “thượng vàng hạ cám” là do đây là các mặt hàng không nằm trong danh mục bình ổn giá. Còn cơ quan y tế cho rằng, loại nấm lim xanh thật cũng chỉ có giá trị chữa bệnh khi nó được phát triển trên thân gỗ lim hoặc trên bột gỗ lim. Khi đó, nó mới có đầy đủ 3 nhóm hoạt chất là terpenoid, nhóm chất khử và nhóm axitamin như nấm tự nhiên. Trong khi đó, rừng lim ở miền núi hiện nay rất hiếm, nhiều nơi đã bị “xóa sổ”. Nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về việc sơ chế, đóng gói, kinh doanh thực phẩm chức năng nấm lim xanh, sâm Ngọc Linh và các loại rượu lim xanh, rượu sâm Ngọc Linh. Trên mỗi sản phẩm đều in hình phiếu phân tích và kiểm nghiệm mẫu nhưng rất nhỏ, khó nhìn rõ đây là phiếu kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh hay một loại sâm nào khác giá rẻ hơn. Theo ông Trương Văn Ty – Trưởng phòng Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), do nấm lim xanh không phải là lâm sản phụ trong rừng nên kiểm lâm không thể tịch thu xử lý được. Việc phân biệt nấm thật hay không ngay cả cơ quan kiểm lâm cũng còn lúng túng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có nhiều cơ quan quản lý sản phẩm từ nấm, cây dược liệu và sản phẩm chế biến từ nấm và cây dược liệu như Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế), Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở NN&PTNT. Tại Quảng Nam, đến nay vẫn chưa có cơ sở sản xuất thuốc từ các cây dược liệu. Việc giao dịch sản phẩm chủ yếu bằng hình thức bán thô, hoặc thông qua chế biến thực phẩm chức năng. Nói về các sản phẩm chế biến dưới dạng thực phẩm chức năng, hay rượu sản xuất trên thị trường từ loại nấm lim xanh, sâm cau, sâm Ngọc Linh, ba kích..., một bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền của tỉnh cho rằng, vì đây là hàng hóa bình thường nên người tiêu dùng lựa chọn khi có “niềm tin” với doanh nghiệp, hay sản phẩm đó thôi. Phần lớn người tiêu dùng rất thiếu thông tin về khoa học, y học. Thực tế chỉ có nhà sản xuất, hoặc cơ quan kiểm nghiệm sản phẩm đó mới biết thật giả, trong sản phẩm có hoạt chất nào lợi - hại, chứ mắt thường khó phân định được.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các sản phẩm chế biến từ nấm và dược liệu: Vàng thau lẫn lộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO