Việc đầu tư xây dựng, công nhận quốc lộ (QL) đối với nhiều tuyến giao thông cắt QL1 theo hướng đông - tây, đã giúp Quảng Nam có mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, điều đáng nói là có khá nhiều đoạn, tuyến chưa được đầu tư nâng cấp đã gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Quốc lộ 14G xuống cấp nghiêm trọng nhiều đoạn. Ảnh: C.TÚ |
Miền núi trắc trở
Quảng Nam hiện có 5 tuyến QL trục ngang từ đông sang tây, bao gồm 14G, 14B, 14D, 14E và 40B. Ngoài QL 14B (nhánh đường Hồ Chí Minh) nối với TP.Đà Nẵng được đầu tư khá bài bản; các tuyến còn lại đường dốc quanh co, bề mặt chật hẹp và nhiều đoạn xuống cấp trầm trọng. QL 40B (Quảng Nam - Kon Tum) vừa được công nhận QL sau khi giai đoạn I dự án đường Nam Quảng Nam hoàn thành. Trong khi đó, giai đoạn II chưa được đầu tư, khiến việc khớp nối với một số điểm gặp khó khăn, cầu Sông Trường và cầu Nước Oa (Bắc Trà My) trên tuyến thường xuyên ách tắc giao thông vào mùa mưa.
Có điểm đầu km0+000 tại Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) và điểm cuối km66+000 thuộc thị trấn Prao của huyện Đông Giang (giáp km446+200 đường Hồ Chí Minh), năm 2012, tuyến ĐT604 được Bộ GTVT công nhận trở thành QL 14G. Bộ GTVT cho rằng việc chuyển đổi sẽ tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh, giải quyết nhu cầu giao thông giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Cung đường nằm trong hệ thống đường bộ liên hoàn gồm cảng Tiên Sa, QL 14B, QL 1, đường Hồ Chí Minh, đường hầm Hải Vân đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và theo đường Hồ Chí Minh đến Lào, Campuchia, vùng đông bắc Thái Lan. Hơn một năm sau ngày “thay tên đổi họ”, diện mạo QL 14G chưa khác gì mấy so với ban đầu. Mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn hư hỏng trầm trọng song Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (đơn vị được giao bảo trì tuyến) chủ yếu vá ổ gà, ổ voi nên chỉ sau một thời gian thì đâu lại vào đấy. Khu vực Dốc Kiền tại km25 (ranh giới Đà Nẵng - Quảng Nam) hay bị sạt lở đất đá, cây cối làm lưu thông đình trệ. Mặc dù đơn vị quản lý đã tiến hành kiên cố hóa bằng bê tông xi măng từ năm ngoái, nhưng công việc đến nay còn bộn bề vì thiếu kinh phí.
Theo Quyết định số 07/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, QL 14E được quy hoạch nâng cấp quy mô đường cấp III đoạn 12km từ QL 1 đến giáp đường ven biển (tính thêm đoạn từ ngã ba Cây Cốc đến ngã tư Hà Lam) và đường cấp IV (đoạn 35km từ QL 1 đến Hiệp Đức và đoạn còn lại đến Khâm Đức). Nhưng hiện tại, đoạn QL1 đến Hiệp Đức có mặt đường quá hẹp, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển và mất an toàn giao thông; còn đoạn từ QL1 đến giáp đường ven biển đã được Bộ GTVT thống nhất chủ trương nâng cấp, xây dựng cầu Bình Đào trên tuyến và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Làm việc với lãnh đạo tỉnh vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong quý III năm nay hoàn thành việc tháo dỡ cầu tạm Bà Rén chuyển qua làm cầu tạm Bình Đào trên tuyến quốc lộ 14E nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến QL 14E trong khi chờ nguồn tài chính đầu tư nâng cấp. Nhưng đến thời điểm cuối tháng 10 này, hạng mục thi công cầu tạm Bình Đào còn khoảng 1 tháng nữa mới đưa vào sử dụng. |
Trước sự trắc trở của QL 14G nối từ vùng đồng bằng lên trung tâm huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Lê Văn Luyến thổ lộ: “Một doanh nghiệp ngành may biết địa phương có nguồn lao động dồi dào, đã lên gặp lãnh đạo huyện đặt vấn đề tìm hiểu nhằm đầu tư xây dựng nhà máy. Chúng tôi đành phải nói thật lòng rằng, Đông Giang ngoài hệ thống điện luôn chập chờn, đường chính là QL 14G mới sửa chữa nhỏ, mặt đường chưa được mở rộng sẽ ảnh hưởng lớn quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư khó mang lại hiệu quả”. Nằm lân cận Đông Giang, địa bàn Nam Giang có QL 14D nối trung tâm hành chính huyện đến biên giới Việt - Lào. Các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc thiết bị thi công các công trình thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2 và Xê Ka Man chở quá tải làm nhiều đoạn xuống cấp. Cộng thêm bề rộng mặt đường quá hẹp khiến cho vấn đề lưu thông gặp khó khăn, kìm hãm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hóa khu vực miền núi. Tai nạn giao thông xảy ra cũng chủ yếu nằm trên tuyến gập ghềnh này.
Đồng bằng gặp khó
QL 14E dài 87km đi qua địa bàn các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn. Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam (đơn vị duy tu, bảo dưỡng tuyến) mới chỉ chủ yếu sửa chữa một số đoạn quá xuống cấp, thảm nhựa ra cả lề để mở rộng bề mặt hiện tại mới đủ 2 làn xe cơ giới lưu thông. Nhiều điểm khác chưa thể đầu tư vì kinh phí hạn hẹp. Trong số ấy, đoạn tuyến dài khoảng 8km đi từ ngã tư Hà Lam đến xã Bình Minh (Thăng Bình) trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân nhiều năm qua. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào - ông Phan Văn Dũng cho biết, QL 14E qua địa bàn xã quanh co dài gần 2km, lòng đường có chỗ rộng chưa tới 3m chỉ đủ 1 làn xe cơ giới lưu thông, lề bị xói mòn đã tạo độ vênh lớn với mặt đường. Hầu hết đoạn này chạy dọc theo khu dân cư chính, các trường học, chợ Trà Đóa nên lưu lượng người và phương tiện lớn gây ách tắc giao thông.
Người dân xã Bình Minh cũng chịu chung cảnh ngộ. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, 4 năm qua cử tri địa phương liên tục kiến nghị cấp thẩm quyền đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường song chưa được quan tâm giải quyết. Bức xúc nhất là tại khu vực thôn Hà Bình có 2 đoạn thường xuyên bị ngập sâu nếu trời mưa to. Dù không phải trách nhiệm địa phương (Bộ GTVT quản lý), xã đã trích kinh phí giải quyết tạm thời bằng việc xây dựng hầm rút nước nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình kiến nghị tỉnh tiếp tục tham mưu với Trung ương quan tâm sửa chữa tuyến QL 14E, trước mắt đầu tư cho đoạn 8km đi về các xã vùng đông của địa phương có rất đông người đi lại. Việc đầu tư tuyến đường này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông liên vùng cho huyện trong phát triển kinh tế, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, đồng thời hạn chế được tai nạn đáng tiếc xảy ra.
CÔNG TÚ