Để nâng cao tính tương tác giữa người dân với bộ máy công quyền, thị xã Điện Bàn triển khai nhiều ứng dụng công nghệ, hướng đến một môi trường hành chính chuyên nghiệp.
Màn hình cảm ứng tra cứu hồ sơ, hướng dẫn thủ tục hành chính và đánh giá thái độ, hiệu quả phục vụ của cán bộ tại bộ phận “một cửa điện tử” thị xã Điện Bàn. |
Tiện ích dịch vụ SMS
Điện Bàn là một trong những đơn vị tiên phong sử dụng dịch vụ SMS để thông báo kết quả, quá trình xử lý hồ sơ tại bộ phận “một cửa điện tử”, áp dụng từ năm 2012. Theo đó, trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục, công dân cung cấp số điện thoại liên lạc vào phiếu biên nhận. Khi có kết quả giải quyết các thủ tục, hệ thống phần mềm ngay lập tức gửi thông báo bằng tin nhắn SMS đến số máy của người dân. Phí dịch vụ này là 950 đồng/tin nhắn.
Hôm chúng tôi đến tìm hiểu dịch vụ này tại bộ phận “một cửa điện tử” UBND thị xã Điện Bàn, gặp anh Đinh Văn Vinh (37 tuổi, khối phố Hà Quảng Bắc, phường Điện Dương, Điện Bàn) đến làm thủ tục tách thửa đất. Anh Vinh cho biết, chỉ với phí chưa tới 1.000 đồng nhưng người dân rất thuận lợi trong việc đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ. “Những thủ tục được giải quyết nhanh, trước hẹn thì có tin nhắn báo về để người dân chủ động lên nhận kết quả. Hồi trước, khi chưa có dịch vụ này, nhiều lần tôi đến làm hồ sơ cần gấp, dù chưa đến hẹn trả kết quả nhưng với tâm lý nóng ruột thế là trực tiếp đến hỏi, mà mỗi lần đi là tốn công sức, thời gian” - anh Vinh nói.
Kết quả xếp hạng cải cách hành chính của tỉnh năm 2014 (chưa công bố kết quả năm 2015), Điện Bàn xếp vị trí đầu tiên (đạt 79,55%). Trong đó, chỉ số thành phần hiện đại hóa hành chính (gồm 2 tiêu chí: ứng dụng công nghệ thông tin cấp huyện và áp dụng ISO trong hoạt động của các cơ quan hành chính), Điện Bàn xếp thứ 2, sau TP.Hội An. |
Ngoài việc triển khai dịch vụ tin nhắn đi, bộ phận “một cửa điện tử” thị xã Điện Bàn còn áp dụng hình thức nhận tin nhắn đến để người dân biết hồ sơ của mình đang nằm ở bộ phận nào. Trên phiếu biên nhận có ghi rõ thông tin với cú pháp MC MaSoHoSo, gửi đến tổng đài 8062 (2.000 đồng/tin nhắn). Anh Nguyễn Đức Phong - phụ trách “một cửa điện tử” và cải cách hành chính Văn phòng HĐND - UBND thị xã Điện Bàn cho biết, việc liên kết với Trung tâm Thông tin dịch vụ công TP.Đà Nẵng để thực hiện dịch vụ báo tin nhắn SMS giúp người dân yên tâm, giám sát được quá trình xử lý hồ sơ. Theo thống kê, trong năm 2015, bộ phận “một cửa điện tử” thị xã Điện Bàn gửi đi khoảng 6.000, nhận 600 tin nhắn. Trong tháng 4.2016, tính đến hết ngày 21.4 có 210 tin nhắn đi, 15 tin nhắn đến. “Với tin nhắn đi, khi có kết quả giải quyết hồ sơ, chúng tôi nhập vào phần mềm và tin nhắn tự động gửi thông báo đến số máy người dân; còn với tin nhắn đến, sẽ phản hồi trả lời trong tích tắc ngay sau khi tiếp nhận tin nhắn vì dữ liệu được cập nhật trên phần mềm” - anh Phong nói.
Trăn trở đánh giá trực tuyến dịch vụ công
Việc triển khai đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến được thị xã Điện Bàn triển khai từ tháng 10.2015. Đây được xem là một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ để tạo ra mối tương tác giữa người dân với bộ máy công quyền. Điện Bàn cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh áp dụng mô hình này. Ngoài việc triển khai đánh giá chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa điện tử” thông qua một màn hình cảm ứng đặt tại bộ phận “Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả”, công dân có thể bày tỏ quan điểm được phục vụ thông qua liên kết: “danhgiatructuyen.dienban.gov.vn”. Hoặc, người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử thị xã Điện Bàn, địa chỉ “www.dienban.gov.vn” rồi chọn danh mục “Khảo sát chất lượng hành chính công”.
Khi có kết quả giải quyết hồ sơ, hệ thống lập tức gửi tin nhắn về cho người dân. Ảnh: VĂN HÀO |
Anh Nguyễn Đức Phong cho biết thêm, trước đây khảo sát, đánh giá cán bộ bằng hình thức trên giấy tờ nên độ khách quan, chính xác không cao. Mặc dù hiện nay vẫn song hành hai hình thức đánh giá trên giấy và trực tuyến, tuy nhiên xu hướng sắp tới sẽ chỉ áp dụng đánh giá trực tuyến. “Xuất phát từ tâm lý người dân, nếu đánh giá trên giấy ngay tại bộ phận “Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả” sẽ có tâm lý e ngại, sợ mất lòng; còn đánh giá trực tuyến, người dân có quyền được bảo mật thông tin cá nhân. Theo đó, mỗi khi công dân đến giải quyết hồ sơ, trên phiếu biên nhận có ghi một mã số để đăng nhập đánh giá và tối đa mỗi mã số được đánh giá 2 lần. Tất cả đều hướng đến sự hài lòng cũng như bày tỏ quan điểm khách quan của mọi công dân” - anh Phong cho hay.
Hiện nay việc đánh giá trực tuyến ở Điện Bàn chỉ áp dụng để đánh giá đối với 6 cán bộ, công chức phục vụ tại bộ phận “một cửa điện tử” thuộc 6 nhóm lĩnh vực, cụ thể: tư pháp, hộ tịch; nội vụ và giáo dục; xây dựng cơ bản; đất đai; LĐ-TB&XH; đăng ký kinh doanh. Trong tương lai sẽ áp dụng đánh giá với cán bộ tất cả các xã, phường. “Chúng tôi triển khai mô hình này được khoảng nửa năm rồi nhưng số lượng người dân truy cập, đánh giá còn quá ít nên hiệu quả mang lại không như mong muốn. Hiện chúng tôi đang nhờ Sở Thông tin - truyền thông giúp đỡ phục vụ in ấn 10.000 bản tờ rơi. Trên đó cập nhật đầy đủ thông tin, hướng dẫn để người dân được tiếp cận, tham gia đánh giá trực tuyến dịch vụ công” - anh Phong nói.
Ông Phạm Văn Liễu - Phó Trưởng phòng Nội vụ thị xã Điện Bàn cho biết, thông qua phần mềm trực tuyến, cá nhân, tổ chức sẽ có được một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc nêu ra quan điểm đánh giá mức độ hài lòng về công tác giải quyết thủ tục hành chính cũng như năng lực, thái độ của đội ngũ công chức. “Đây là kênh hữu ích để người dân cung cấp các thông tin đáng tin cậy giúp UBND thị xã kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, lượng người dân hưởng ứng tham gia chưa nhiều nên chưa đáp ứng được yêu cầu như kỳ vọng” - ông Liễu nói.
VĂN HÀO