Nam Trà My là huyện miền núi cao, có hơn 97% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; địa hình đồi núi cao hiểm trở, vì thế mà việc triển khai thực hiện các thủ tục cải cách hành chính hết sức khó khăn. Từ năm 2015, Nam Trà My đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin, góp phần rất quan trọng trong thực hiện cơ chế quản lý, điều hành của bộ máy công quyền từ huyện về tới cơ sở.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cơ quan nhà nước trên địa bàn Nam Trà My đã và đang đem lại nhiều hiệu quả. Ảnh: Nam Tú |
Kể từ ngày ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, huyện Nam Trà My đã dần tự động hóa, vi tính hóa thủ tục giấy tờ bằng văn bản, giúp chính quyền dễ dàng nâng cao năng lực quản lý điều hành, làm cho nội dung quản lý nhà nước ngày càng minh bạch hơn. Cán bộ, nhân viên nhanh chóng cập nhật, chỉ đạo và điều hành công tác chuyên môn một cách khoa học, đồng thời người dân cũng có thêm điều kiện để tiếp cận với thông tin và tri thức.
Từ huyện đến cơ sở
Những năm trước đây, để có thể gửi một công văn hay thông báo đến các xã, huyện phải cử cán bộ giao liên trực tiếp mang đi, có khi cả tuần mới tới nơi. Không những thế, mỗi năm ngân sách phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng cho chi phí in ấn giấy tờ, vận chuyển văn bản từ huyện lên xã rồi ngược lại. Bởi thế, công tác quản lý và triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các cấp luôn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, đầu năm 2015, UBND huyện Nam Trà My ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện, với nhiều nội dung như: nâng cấp trang thông tin điện tử huyện thành cổng thông tin điện tử; xây dựng cổng thông tin điện tử thành viên ở các xã; triển khai phần mềm quản lý hộ tịch, quản lý văn bản; chủ trương xây dựng phần mềm “một cửa điện tử”.
Nằm cách trung tâm hành chính huyện khoảng 2km là trụ sở làm việc của UBND xã Trà Tập. Đây là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Xã đã chủ động trích từ nguồn kinh phí hoạt động mua sắm 4 dàn máy vi tính, kéo internet về đến trung tâm xã, triển khai hạ tầng phát sóng wifi. Xã cũng cử 100% cán bộ tham gia tập huấn về công nghệ thông tin do huyện tổ chức. Đến nay, nhờ ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, nhiều công việc được xã giải quyết một cách nhanh gọn, tiết kiệm nguồn ngân sách khá lớn. Ông Hồ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết: “Sau khi huyện có chủ trương, khó khăn của xã là trang thiết bị máy móc, cán bộ của xã tiếp cận công nghệ thông tin chưa có nhiều. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, xã đã mua sắm máy móc, động viên anh em tiếp cận, đi học các lớp tin học, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình tiếp cận công nghệ thông tin. Trong thời gian tới, Trà Tập sẽ mở cổng thông tin điện tử của xã để không chỉ cán bộ mà bà con nhân dân cũng có được cơ hội làm quen, tiếp cận công nghệ thông tin”.
Xã Trà Don cũng là một địa phương thực hiện khá tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước. Mặc dù những ngày đầu cũng khá lúng túng trong công tác triển khai, nhưng với sự cố gắng học hỏi và đầu tư mua sắm trang thiết bị. Giờ đây tất cả công việc đều được cán bộ xử lý trên máy tính, thiết bị di động thông minh nên tốc độ làm việc đạt hiệu quả cao, không còn phải di chuyển xa xôi, hay thất lạc giấy tờ văn bản trong quá trình giao liên. Đặc biệt, chỉ sau vài phút, Trà Don cũng như các xã khác đã nhanh chóng cập nhật và triển khai các kế hoạch, thông báo mà huyện ban hành trên hệ thống.
Bước đi đúng đắn
Nam Trà My hiện có 100% số cán bộ công chức của UBND huyện sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử và đây cũng là tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của các đơn vị. Có 90% số cán bộ công chức sử dụng hòm thư điện tử để trao đổi trong công việc; 100% số cán bộ lãnh đạo biết sử dụng hộp thư điện tử, phần mềm quản lý điều hành và khai thác thông tin trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng đã khai thác hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với UBND tỉnh, cơ quan ban ngành của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã khắc phục đáng kể những khó khăn do điều kiện địa lý, giao thông hết sức hạn chế trên địa bàn huyện cho công tác quản lý nhà nước. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Lâu nay, khó khăn lớn nhất của Nam Trà My là giao thông từ huyện đi các xã. Vì vậy, chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin vào việc hành chính nhà nước từ cấp huyện đến cấp xã. Nhờ đó, Nam Trà My cũng tránh được tình trạng các xã khi chậm trễ thực hiện chủ trương, kế hoạch của huyện thì “đổ lỗi” do không nhận được văn bản như trước đây”. Cũng theo ông Bửu, cổng thông tin điện tử và hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà cũng là một trong những công cụ giám sát và đánh giá hiệu quả việc minh bạch thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện. Đồng thời kiểm soát được trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ, viên chức. Chỉ sau một thời gian ngắn, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã thực sự làm thay đổi tư tưởng, phong cách làm việc, thái độ học tập của đội ngũ công chức ở vùng núi cao Nam Trà My.
Theo lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin năm nay, huyện Nam Trà My sẽ xây dựng hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm của cổng thông tin điện tử, hệ thống “một cửa điện tử”. Đồng thời sắp xếp, bố trí và đào tạo đội ngũ nhân sự có trình độ về ứng dụng tin học, công nghệ thông tin để đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý điều hành, chia sẻ, tra cứu thông tin, từng bước đảm bảo kết nối với các hệ thống mạng của tỉnh, Chính phủ. Điều đó rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành nhà nước và góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.
NHẬT NAM - TUẤN TÚ