Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử

HOÀNG LIÊN 04/11/2019 11:23

Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), hướng tới chính quyền số nhằm nâng chất lượng phục vụ công dân tại Quảng Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 và phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025 là quãng đường dài hơi nhưng cũng cần có những chặng đua nước rút.

Thí điểm mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở Bưu điện Văn hóa xã Tiên Mỹ (Tiên Phước). Ảnh: HOÀNG LIÊN
Thí điểm mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở Bưu điện Văn hóa xã Tiên Mỹ (Tiên Phước). Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cần đẩy nhanh tiến độ

Trong ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng CQĐT, theo Sở TT&TT, Quảng Nam đã đạt được những kết quả rõ nét. Hiện, Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh và phần mềm “một cửa điện tử” đang được triển khai vận hành thông suốt, ổn định tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã. Quảng Nam đã cung cấp hơn 500 DVCTT mức độ 3 và 4. Việc triển khai liên thông 3 cấp văn bản điện tử và kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, phần mềm Q-office đã được triển khai sử dụng tại tất cả sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước được chú trọng...

Ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT&TT) cho biết thêm, đề án xây dựng CQĐT giai đoạn 2016 - 2020 đã đi hơn nửa chặng đường và Dự án xây dựng CQĐT gắn với đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025 đã và đang hoàn thiện. Theo đó, đề án xây dựng CQĐT giai đoạn 2016 - 2020 (kinh phí hơn 70 tỷ đồng) với quy mô đầu tư gồm hai nội dung chính là xây dựng hạ tầng thông tin và xây dựng các phần mềm ứng dụng phục vụ CQĐT. Trong đó 5/9 hạng mục đã triển khai (đạt hơn 50% khối lượng công việc) và đang tiếp tục triển khai các hạng mục: Nâng cấp cổng thông tin điện tử tỉnh; điều chỉnh, bổ sung và nâng cấp hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh để triển khai hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp huyện, xã; cấu hình, bổ sung thủ tục hành chính, DVCTT trên hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh đang triển khai. Giai đoạn 2020 - 2025, việc xây dựng CQĐT gắn với đô thị thông minh đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề. “Hoàn thiện nền tảng CQĐT (phiên bản 2.0), từng bước hướng tới chính quyền số là mục tiêu bức thiết đặt ra trong thời đại 4.0. Đến nay, Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo phát triển xây dựng CQĐT, chính quyền số. Đó là các cơ sở pháp lý để xây dựng CQĐT giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu trọng tâm là cải thiện các chỉ số của tỉnh: PCI (năng lực cạnh tranh), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), ICT Index (mức đo phát triển công nghệ thông tin và truyền thông), chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính công (SIPAS), nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index)...” - ông Sơn nói.

Phải nâng cấp hạ tầng công nghệ

Việc đẩy mạnh, nâng tỷ lệ sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 và hạn chế, tháo gỡ khó khăn về tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính ở nhiều địa phương của tỉnh là bài toán cấp thiết của tỉnh. Tại buổi làm việc với Sở TT&TT do UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo nhiều địa phương kiến nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TT&TT và các ngành liên quan cần sớm triển khai hoàn thiện, nâng cấp các hệ thống phần mềm Q-office, số hóa toàn bộ dữ liệu chuyên ngành của tỉnh, xây dựng các modul giám sát giải quyết thủ tục hành chính công, tiến tới quy trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho công dân. 

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ kiến nghị, Sở TT&TT cần xây dựng các modul tại các trung tâm hành chính công, nắm bắt hồ sơ trễ hạn để xử lý. Tỉnh cần mở rộng đầu tư mạng WAN diện rộng; nâng cấp và mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tới cấp xã. Còn ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An mong tỉnh sớm điều chỉnh, mở rộng, nâng cấp phần mềm Q-office, kết nối tới phường, xã. “Qua chuyến học tập kinh nghiệm ở Quảng Ninh, chúng tôi nhận thấy phần mềm của họ đi quá xa. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có thể theo dõi được công việc, nhiệm vụ của cấp xã. Còn ở ta vẫn còn khổ trăm bề, dù hô hào rất nhiều song vẫn không thể quy trách nhiệm trễ hẹn cho ai được” - ông Sơn nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: “Phần mềm Q-office dù đã nâng cấp cho Điện Bàn rồi, vẫn còn chậm. Đề nghị Sở TT&TT, UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng phần mềm dùng chung, nâng cấp phần mềm Q-office. Thị xã cũng xây dựng đề án mở rộng hội nghị truyền hình trực tuyến, đang chờ kỳ họp bất thường HĐND thị xã thông qua đề án, sẽ mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tới cấp xã”...

Ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm CNTT&TT, Sở TT&TT Quảng Nam giải thích, ở phần mềm một cửa dịch vụ công, chức năng thống kê, báo cáo hồ sơ giải quyết, hồ sơ trễ hẹn, giám sát nhân viên phục vụ, đã có công cụ, có thể biết được trễ ở đâu. Những địa phương chưa nắm rõ, sắp tới sẽ được hướng dẫn trở lại. Đối với Q-office, trước đây quy mô hệ thống cho 60 đơn vị sử dụng, nay đã lên 350 đơn vị sử dụng, vượt qua thiết kế ban đầu nên có hiện tượng quá tải và chậm. Riêng Sở Y tế, hệ thống có hơn 1.500 user, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cũng là đơn vị có lượng user lớn. “Q-office ban đầu chỉ giải quyết chức năng quản lý, điều hành của tỉnh, nay phải kết nối, liên thông 4 cấp và trước nay chưa được tính tới trong hệ thống. Trục liên thông với Trung ương, lượng văn bản chỉ đạo từ Trung ương xuống cũng rất lớn mỗi ngày, gây ảnh hưởng toàn hệ thống. Cuối năm 2019, Sở TT&TT sẽ làm dự án khác thay thế, theo yêu cầu sử dụng hiện tại và công nghệ hiện đại” - ông Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO