Sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị: Giảm số lượng, tăng hiệu quả hoạt động

HÀN GIANG 04/09/2021 07:01

Cùng với tinh giản biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cũng được nâng lên, bộ máy được sắp xếp tinh gọn hơn, hoạt động có hiệu quả... là những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 39 ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết Trung ương số 18, 19 (khóa XII) trên địa bàn tỉnh.

Đầu năm 2018, Trung tâm Hành chính công thành phố Tam Kỳ đi vào hoạt động và ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và công dân. Ảnh: N.Đ
Đầu năm 2018, Trung tâm Hành chính công thành phố Tam Kỳ đi vào hoạt động và ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và công dân. Ảnh: N.Đ

Nhìn từ một mô hình

Thực hiện chủ trương tinh gọn đầu mối đối với các cơ quan, đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, chỉ trong thời gian ngắn cả 18 địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh hoàn thành sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo.

Tập trung kiện toàn, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 10 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 21 lãnh đạo sở, ngành; giảm 438 đơn vị cấp phòng và tương đương (cấp tỉnh 187 đầu mối, cấp huyện 251 đầu mối), 611 lãnh đạo cấp phòng và tương đương (cấp tỉnh 298, cấp huyện 313). Thực hiện Nghị quyết số 39 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tinh giản biên chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện tốt chủ trương ổn định, không tăng biên chế, kiên quyết thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế. Theo đó, đã tinh giản 4.046 biên chế trong toàn hệ thống chính trị, đạt tỷ lệ 10,51%, cao hơn mục tiêu nghị quyết đề ra; chấm dứt 3.342 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn, dài hạn, thời vụ, phục vụ ở các cơ quan, địa phương, đơn vị.

Theo ông Trà Tiến Tài - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Sơn, trước khi sáp nhập, bất cập lớn nhất của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Ban Tuyên giáo là thực trạng quản lý chồng chéo.

Về chức năng nhiệm vụ, trung tâm này đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên; biên chế thuộc khối đảng. Trong khi đó thể thức văn bản, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động lại thuộc quản lý của UBND huyện.

“Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện thuộc mảng huấn học của Ban Tuyên giáo Huyện ủy trước đây. Vì vậy, khi sáp nhập không gây nên sự xáo trộn nhiều về mặt chuyên môn. Công tác giáo dục lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả” - ông Tài chia sẻ.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tam Kỳ - Lê Hoài Ngọc cho biết, sau khi sáp nhập đã tạo được sự nhất quán, đồng bộ, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ so với sự tồn tại độc lập của hai đơn vị trước đây; tiết kiệm kinh phí, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác.

Việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tiếp nhận, bố trí cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động và điều hành của Ban Tuyên giáo Thành ủy.

“Qua 2 năm thực hiện mô hình sáp nhập, tuy còn một số hạn chế, vướng mắc về mặt kỹ thuật; nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động đã được khẳng định. Do vậy, Tam Kỳ kiến nghị Tỉnh ủy tiếp tục duy trì mô hình sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố vào Ban Tuyên giáo Thành ủy như hiện nay” - ông Ngọc nói.

Không gây xáo trộn

Quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC tại Nông Sơn được Ban Thường vụ Huyện ủy quyết liệt chỉ đạo, thực hiện công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Kết quả, địa phương giảm được 9 cơ quan trực thuộc cấp huyện, 6 đơn vị sự nghiệp giáo dục, 1 đơn vị hành chính cấp xã và 10 thôn; đồng thời tinh giản được 13 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, 88 hợp đồng lao động.

Ông Thái Bình - Bí thư Huyện ủy Nông Sơn nói: “So với năm 2015, chất lượng và cơ cấu của đội ngũ CBCCVC đã có sự chuyển biến tích cực; cơ cấu theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp. Đội ngũ cán bộ cơ sở được bố trí cơ bản đủ số lượng, chất lượng về trình độ, kiến thức chuyên môn được nâng lên. Tỷ lệ cán bộ đạt chuẩn khá cao, cán bộ nữ và cán bộ trẻ được cơ cấu hợp lý, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

Chia sẻ về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, ông Trình Minh Đức - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ cho biết, sau khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, toàn thành phố giảm 7 đầu mối, giảm 11 cấp trưởng, phó phòng. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, Tam Kỳ đã kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công thành phố, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và công dân nhưng không tăng biên chế và xáo trộn đội ngũ.

“Đến nay, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở đảm bảo đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Thực hiện tốt công tác phân loại các cơ quan hành chính theo quy định, phù hợp với yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng cung ứng các nhu cầu cơ bản thiết yếu phục vụ nhân dân” - ông Đức cho hay.

Trách nhiệm thuộc về cấp ủy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị được toàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bám sát quan điểm, nội dung yêu cầu, chủ động tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đảm bảo quy định.

Nhìn nhận về mặt hạn chế, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, số lượng biên chế xác định tinh giản từ năm 2015 đến năm 2021 chủ yếu là các trường hợp nghỉ hưu đúng tuổi và tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc; chưa có giải pháp hữu hiệu để tinh giản biên chế đối với những trường hợp hạn chế về trình độ và năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các trường hợp tinh giản biên chế chủ yếu tập trung ở ngành giáo dục, y tế. Hiện trạng đội ngũ CBCCVC có nơi thừa, nơi thiếu, chất lượng chưa cao, chuyên môn nghiệp vụ chưa hợp lý. Một số cơ quan, đơn vị do yêu cầu công việc cần biên chế để thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuy nhiên việc giao chỉ tiêu tinh giản biên chế bình quân 10% như hiện nay là chưa phù hợp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương số 18, 19 ngày 25.20.2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII).

Trong các giải pháp đưa ra, tỉnh tiếp tục chú trọng chất lượng tuyển dụng, thực hiện thi tuyển công chức, viên chức đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, tính cạnh tranh, theo vị trí việc làm và gắn với tinh giản biên chế.

“Tinh giản 10% biên chế là yêu cầu bắt buộc, nhưng ở đây không có nghĩa phải giảm đều 10% này cho từng cơ quan, đơn vị. Các địa phương căn cứ vào tổng biên chế được giao mà tính toán phấn đấu thực hiện tinh giản 10% biên chế.

Trách nhiệm này thuộc về tập thể cấp ủy. Ban Thường vụ cấp ủy huyện phải ngồi lại, soi rọi lại để có thể giao cơ quan này giảm 10%, đơn vị kia giảm 5% biên chế, thậm chí không giảm do yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Sắp đến đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ bàn, rà soát biên chế của từng địa phương cấp huyện, trên cơ sở đó, có thể điều chuyển biên chế từ huyện này sang huyện kia, hoặc từ sở, ngành này sang sở, ngành khác nhiều việc hơn” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị: Giảm số lượng, tăng hiệu quả hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO