Sắp xếp, hợp nhất các tổ chức hội cấp huyện, cấp xã: Mỗi nơi một kiểu, hoạt động lúng túng

HÀN GIANG - VINH ANH 15/09/2021 05:48

Việc sắp xếp, hợp nhất các tổ chức hội cấp huyện, cấp xã chưa thống nhất, không đồng nhất với tổ chức hội cấp tỉnh và Trung ương dẫn đến gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ công tác.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận nhiều kiến nghị liên quan đến việc sắp xếp, hợp nhất tổ chức hội trên địa bàn tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề ngày 8.9.2021. Ảnh: Đ.A
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận nhiều kiến nghị liên quan đến việc sắp xếp, hợp nhất tổ chức hội trên địa bàn tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề ngày 8.9.2021. Ảnh: Đ.A

Chưa thống nhất

Thực hiện theo Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2021, đến nay, ở cấp tỉnh giữ nguyên đối với 14 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và 32 hội quần chúng; đồng thời, giải thể 5 hội quần chúng.

Ở cấp huyện, 18 địa phương đều đã ban hành Đề án sắp xếp các tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý; trong đó có 7 địa phương hoàn thành việc sắp xếp các tổ chức hội gồm: Bắc Trà My, Quế Sơn, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Nam Trà My, Đại Lộc.

Sở Nội vụ cho biết, thực hiện Quyết định số 1894 ngày 15.7.2020 về sửa đổi Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2021, có 4 địa phương gồm Tam Kỳ, Điện Bàn, Tiên Phước, Hiệp Đức quyết định sửa đổi đề án sắp xếp các tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý.

Theo đó, trên cơ sở xác định các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, sửa đổi phương án sắp xếp các hội này theo hướng giữ nguyên. Đối với hội cấp xã, việc xác định các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và thực hiện phương án sắp xếp như hội cấp huyện.

Theo ông Bùi Phan Toản - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh, việc sáp nhập, hợp nhất tổ chức hội, tinh giản biên chế theo Quyết định 3533 ngày 23.11.2018 của UBND tỉnh không nhất quán từ tỉnh xuống huyện nên nảy sinh tư tưởng trông chờ và tâm lý thụ động trong cán bộ, hội viên.

Có nơi thì giữ nguyên Hội Cựu TNXP; nơi thì hợp nhất với Hội Tù yêu nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Có nơi bố trí chủ tịch hội là phó bí thư đoàn thanh niên kiêm nhiệm, dẫn đến biểu hiện ở cơ sở thoát ly sự chỉ đạo, hướng dẫn của hội cấp trên.

Cũng theo ông Toản, hiện nay việc triển khai Kết luận 158 ngày 2.1.2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch 310 ngày 17.4.2020 của Tỉnh ủy tiến độ chậm, thiếu đồng bộ ở cấp huyện và cơ sở cũng là trở ngại lớn cho việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất Điều lệ Hội Cựu TNXP được Bộ Nội vụ phê duyệt.

“Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh cho phép ổn định tổ chức Hội Cựu TNXP các cấp, không hợp nhất với các tổ chức hội khác để đảm bảo việc lãnh đạo, hướng dẫn thực hiện công tác hội thống nhất từ Trung ương đến cơ sở” - ông Toản nói.  

Còn ông Nguyễn Ngọc Bảo - nguyên Chủ tịch Hội TNXP tỉnh cho rằng, quan điểm chỉ đạo trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức hội như hiện nay là “có hội cấp trên không nhất thiết phải có hội cấp dưới, và ngược lại có hội cấp dưới không nhất thiết có hội cấp trên” dẫn đến nhiều hội cơ sở không còn hoạt động.

Một số hội cấp huyện hợp nhất thì hoạt động cầm chừng. Nhiều cán bộ hội có tâm huyết, trách nhiệm với phong trào thì lo lắng không biết tổ chức hội sẽ đi về đâu, có thực hiện Điều lệ Hội Cựu TNXP Việt Nam khóa IV hay không?

Chưa đúng, phải làm lại

Ông Trần Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Tổ chức - biên chế (Sở Nội vụ) cho rằng, việc sắp xếp tổ chức hội trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đúng kế hoạch, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo nguyên tắc về tổ chức, các hội không nhất thiết có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương; hội hoạt động ở cấp nào, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền cấp đó.

Tuy nhiên, trong việc sáp nhập, hợp nhất các tổ chức hội ở cấp huyện, cấp xã mô hình chưa thống nhất, không đồng nhất với tổ chức hội cấp tỉnh và Trung ương dẫn đến các tổ chức hội gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai nhiệm vụ công tác.

Trao đổi với cử tri là cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh và Hội Cựu TNXP tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cho hay, ngày 2.1.2020, Ban Bí thư có Thông báo Kết luận số 158 về hội quần chúng trong tình hình mới với các nội dung rất cụ thể. Theo đó, quy định những hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thì được giao biên chế, bố trí ngân sách; hội nào không được giao nhiệm vụ thì hoạt động theo tôn chỉ mục đích, điều lệ của hội, dưới sự quản lý của Nhà nước.

Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy có Kế hoạch số 310 ngày 17.4.2020 quy định và quản lý về hội. Đánh giá sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 310, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ ra những kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế trong việc sắp xếp tổ chức hội trên địa bàn tỉnh. Qua sơ kết cho thấy mỗi nơi làm mỗi cách, huyện này có hội này, nhưng huyện kia không có; hội này nhập với hội kia, có huyện nhập 3 - 4 hội vào một, không có sự đồng bộ.

Do đó, trong báo cáo sơ kết 1 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cấp huyện phải thực hiện đúng theo tinh thần của Kế hoạch số 310. Đồng thời giao Ban Dân vận chủ trì, giám sát việc thực hiện; giao các ban xây dựng Đảng hướng dẫn thành lập ban cán sự đảng, đảng đoàn, tổ chức đảng trong các hội để lãnh đạo.

“Tinh thần của tỉnh là hội nào sáp nhập chưa đúng thì làm lại. Hội nào được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì giao biên chế, giao kinh phí; ngược lại, hội nào không được giao nhiệm vụ thì hoạt động theo tôn chỉ, mục đích đề ra. Nhà nước tôn trọng và quản lý theo hướng đó; hội nào hoạt động tốt thì ủng hộ, hoan nghênh...”- ông Dũng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp, hợp nhất các tổ chức hội cấp huyện, cấp xã: Mỗi nơi một kiểu, hoạt động lúng túng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO