Triển khai dự án chuyển đổi số: Chậm vì vướng cơ chế tài chính

TÂM ĐAN 27/03/2023 09:26

Hiện nay, nhiều dự án đầu tư phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ chuyển đổi số không thể triển khai do vướng cơ chế tài chính.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu kết luận phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh. Ảnh: VINH ANH
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu kết luận phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh. Ảnh: VINH ANH

Tự làm khó

Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) tỉnh dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban chỉ đạo đã tổ chức phiên họp lần thứ 4 nhằm đánh giá kết quả và bàn giải pháp triển khai các nhiệm vụ CCHC và CĐS năm 2023.

Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 33 và Quyết định 2768 là 901 tỷ đồng, quy định 4 nội dung thực hiện chính gồm: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT); ứng dụng và CSDL; an toàn và bảo mật thông tin; truyền thông, đào tạo nhân lực CNTT cho chính quyền điện tử. Trong từng nội dung có danh mục cụ thể từng nhiệm vụ thực hiện.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC và CĐS còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một trong số đó là vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính trong đầu tư các dự án phần mềm, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành phục vụ CCHC, CĐS. Báo cáo của Sở Nội vụ nêu rõ: “Hiện nay, một số CSDL, phần mềm (như hệ thống phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam; nâng cấp hệ thống CSDL cán bộ công chức viên chức tỉnh; hệ thống thông tin cải cách hành chính tỉnh; nền tảng hồ sơ sức khỏe…) không thuộc đề án đã được phê duyệt nên không đủ cơ sở pháp lý trước khi phê duyệt cũng như bố trí kinh phí theo quy định”.

Lý do của tình trạng này là nhiều CSDL, phần mềm phát sinh hiện không thuộc danh mục các nội dung thực hiện được ghi trong Nghị quyết 33 ngày 17/9/2020 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CĐS tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 2768 ngày 9/10/2020.

Giải thích vướng mắc này, ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT cho rằng kinh phí thực hiện nhiệm vụ CĐS theo Nghị quyết 33 và Quyết định 2768 còn vướng là do trong quá trình triển khai, các sở, ngành đề xuất các nội dung với tên gọi khác, không có trong danh mục Nghị quyết 33 và Quyết định 2768. Do đó, Sở Tài chính không thể cấp kinh phí triển khai khi các nội dung không đúng “tên tuổi”.

Vướng mắc này cho thấy việc tham mưu ban hành Nghị quyết 33 và Quyết định 2768 chưa sát thực tiễn. Có ý kiến cho rằng, việc ghi rõ danh mục nội dung thực hiện quá chi tiết trong 2 văn bản đã tự làm khó chính mình.

Theo ông Phạm Hồng Quảng, CĐS là việc khó, thời điểm tham mưu nghị quyết, Sở TT-TT cũng như các sở, ngành không nghĩ ra hết từng phần mềm, CSDL cụ thể cần thực hiện để phục vụ CĐS. Do đó, việc phát sinh các nội dung nằm ngoài nghị quyết là điều dễ hiểu.

Gỡ vướng

 Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính cho CĐS, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, đánh giá sự phù hợp của Nghị quyết số 33, nếu cần thiết thì đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị quyết. UBND tỉnh đánh giá cụ thể mô hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC)... nhằm đề xuất, tham mưu ban chỉ đạo những giải pháp hiệu quả. UBND tỉnh và các sở, ngành cần tập trung cho nhiệm vụ xây dựng CSDL, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thúc đẩy CCHC, CĐS...

Thực trạng các dự án phần mềm, CSDL chuyên ngành chưa thể bố trí kinh phí thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ CĐS của tỉnh.

Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Phạm Hồng Quảng cho biết Sở TT-TT sẽ phối hợp với các sở ngành tổ chức rà soát lại toàn bộ phần mềm, CSDL. Những nhiệm vụ nào phát sinh không có trong Nghị quyết 33 và Quyết định 2678 thì kiến nghị căn cứ vào Nghị quyết 04 ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xin chủ trương bố trí kinh phí theo từng năm.

“Để các sở, ngành nghĩ ra tên, nội dung nhiệm vụ CĐS sẽ làm trong 2 - 3 năm tới rất khó. Do đó, để tháo gỡ thì cần tách ra, những nội dung “đúng tên, đúng tuổi” thì thực hiện theo Nghị quyết 33, những phát sinh mới thì xin chủ trương bố trí kinh phí theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm” - ông Quảng đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng thống nhất với phương án trên, đồng thời kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép UBND tỉnh tùy tình hình thực tế để ban hành kế hoạch thực hiện danh mục các dự án phần mềm, CSDL, từ nguồn vốn sự nghiệp hàng năm.

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính đề xuất 2 phương án để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính. Một là điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 33 theo hướng rõ hệ thống danh mục nội dung thực hiện CĐS theo từng năm. Căn cứ nguồn lực ngân sách tỉnh ghi rõ mỗi năm sẽ chi bao nhiêu cho CĐS, ví dụ mỗi năm bố trí 100 tỷ đồng.

Thứ hai, nếu không sửa đổi Nghị quyết 33 thì Quảng Nam nên học cách làm của Hải Phòng. Có nghĩa là đề xuất đầu tư các nhiệm vụ CĐS theo từng năm. Chẳng hạn năm 2022, UBND TP.Hải Phòng có văn bản đề nghị Thường trực Thành ủy thống nhất chủ trương đưa vào bổ sung 255 tỷ từ nguồn vốn dự phòng và các vốn khác để đầu tư 59 nhiệm vụ CĐS.

“Quảng Nam không đủ điều kiện như Hải Phòng thì mình cũng được một nửa. Kinh phí CĐS có thể lấy từ nhiều nguồn, thậm chí là vốn dự phòng. Ngoài ưu tiên thiên tai, dịch bệnh, vốn dự phòng còn để thực hiện các nhiệm việc cấp thiết khác. Mà CĐS là việc cấp thiết” - ông Phong nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, không thể mỗi năm phát sinh nội dung về phần mềm, CSDL mới lại kiến nghị sửa đổi, bổ sung nghị quyết. Do đó, hàng năm UBND tỉnh cần có kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời sử dụng nguồn vốn thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trong nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư, thực hiện các nội dung CĐS.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai dự án chuyển đổi số: Chậm vì vướng cơ chế tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO