Từ thằng nhỏ nhà quê với những món rau quê, gà quê, gạo quê…, đến bây giờ đã là nửa thế kỷ tôi bỏ quê ra phố rồi quay trở về làng. Trong thời gian đó, cái chữ quê ấy cũng biến đổi cả về ý nghĩa và giá trị đối với mỗi người…
Rau quả ở chợ quê. |
Từ một “thằng nhà quê”
Hồi năm 1964 - 1965 mới từ làng ra sống ở Đà Nẵng, tôi đã chơi với những đứa cùng lứa ở cái xóm lao động trên đường Hoàng Diệu hay đám bạn học chung lớp đệ Thất ở trường Phan Châu Trinh. Lúc nào tôi cũng bị chúng nó chê bai là “thằng nhà quê” nếu tỏ ra vụng về trong cách ứng xử hoặc vẫn giữ lối ăn mặc nghèo nàn và cách đi đứng lơ ngơ của mình…
Ban ngày đi học thì mặc đồng phục quần xanh áo trắng. Nhưng cái quần luôn bị đứt nút, có khi lấy sợi dây gì đó cột đại vào, còn cái áo trắng duy nhất thì tối giặt phơi để hôm sau mặc đến trường. Có mỗi cái áo nên lâu ngày nó không còn trắng nữa, mà ngả màu cháo lòng, nên “quê” là quá đúng! Chiều tối không đi học lại giúp việc cho người chú họ là chủ quán mì bò viên Thái Ngư. Đẩy xe đi và về, bưng thức ăn, thu dọn bàn ghế, bát đĩa khi khách ăn xong. Khi khách tính tiền, lúc nào cũng cho mấy đồng lẻ. Tôi để dành mua sách vở, bút mực, sandal để đi học. Vở sách thì không có giấy bao, mực đổ vấy nhiều nơi; sandal thì đứt quai phải lấy dây thép buộc vào. Cũng là “thằng nhà quê” luôn!
Tụi bạn rủ đi xem xi-nê ở rạp chợ Cồn, cứ thấy tắt đèn là tôi ngủ khò như hồi chưa ra phố. Ra khỏi rạp, có đứa hỏi phim hay không, tôi giả nói lảng qua chuyện khác để khỏi trả lời. Có hôm, được nghỉ hai giờ đầu vì thầy đau đột xuất, mấy đứa bạn rủ đi ăn chè đá bào Ngã Năm, tôi cứ múc đá bỏ vào miệng nhai rào rạo. Nhai hết đá lại bưng ly chè húp cái rột, hết trơn. Mấy thằng bạn nhìn tôi lắc đầu: “Quê hết chỗ nói!”…
Nói vậy, nhưng tôi cũng có vài chuyện để bạn bè thôi mắng nhiếc. Có hôm thầy ra bài luận tả cánh đồng lúa, tôi được điểm tối đa chỉ vì tả rất thật chuyện ở quê mình. Tôi còn phân biệt được lúa mùa tháng Ba, lúa mùa tháng Tám, tả mùi thơm ngạt ngào của đồng lúa trước khi gặt. Tả cả cảnh nhà nghèo (là cha mẹ tôi) làm ruộng rẽ, đến mùa trả chi phí thuê đất chỉ còn được vài ang đủ ăn chừng chục ngày, sau lại vay mượn và ăn cơm độn. Tả chuyện ông nội tôi đau, chỉ có nắm gạo đỏ bỏ vào góc nồi dành cho ông, còn lại cả nhà ăn sắn. Bài tôi được điểm tối đa, được mang lên đọc cho cả lớp. Lũ bạn, nhất là đám con gái nghe bài văn của tôi tỏ ra xúc động!
Ngày cả lớp đệ Lục đi cắm trại trên vùng biển Nam Ô, lũ bạn thấy đàn bò gặm cỏ, có đứa nói “mấy con trâu ni răng chẳng có sừng hè!”. Tôi thừa cơ, giảng giải cho chúng biết trâu bò khác nhau ở màu lông, ở bộ sừng, trâu đi cày bừa ra sao và tiếng kêu khác nhau của chúng… Một lần khác, cả lớp được ra đề bài làm lồng đèn nhân lễ Giáng Sinh thay cho vẽ trong giờ hội họa. Tôi mang theo tre, rựa đến lớp chẻ nan và làm khung cho chiếc lồng đèn ngôi sao, lồng đèn bánh ú. Lại cắt giấy gương dán lên, làm tua sặc sỡ. Tôi nhớ, nhờ mấy kiểu lồng đèn (tôi từng làm ở quê hồi học tiểu học) đó, tổ tôi được cô giáo dạy hội họa tuyên dương…
Đó là một thời mới lớn giàu cảm xúc, mới chân ướt chân ráo từ nhà quê ra thành thị lại là con một gia đình nghèo kiết xác nữa, nên dễ rơi vào mặc cảm tự ti. Có bạn cùng trong hoàn cảnh như tôi, vì vậy mà bỏ học để đi làm nghề… Nhưng nhờ những “thành tựu” đột xuất, kèm với vị thứ học tập hàng tháng không đến nỗi nào của tôi, kể cả nhiều năm sau này, tôi vào ban báo chí của lớp, của trường rồi thi đậu tú tài…, cái cách gọi đầy miệt thị là “thằng nhà quê”, “đồ nhà quê” nói trên may thay đã dần phai nhạt trong đám bạn bè!
Và quay lại quê
Tôi trưởng thành ở nhiều thành phố khác nhau sau này và có được việc làm ổn định cho đến khi về hưu. Chẳng những không hề mặc cảm với cái danh hiệu “nhà quê” ấy, mà nói thật lòng, cái nhà quê ấy lại theo tôi từng đêm trong những giấc mơ…
Những giấc mơ có lúc rất đẹp thuở thiếu thời như những mùa đi bắt dế, đi ngăn bờ tát cá trên suối, trên đồng; những giấc mơ đánh “giặc giả” để chiếm đỉnh cao là cổng tam quan ngôi chùa làng cổ kính hay những khi dùng ná cao su bắn mấy trái chim chim già ở sân đình làng về nướng… Có cả những giác mơ toát mồ hôi khi hoảng hốt nằm giữa một cuộc giao tranh hay vội vã lo sợ đến cùng cực lúc nhào xuống miệng hầm để tránh một trận pháo hồi đầu những năm chiến tranh…
Có cảm giác, tuy không về làng nhiều năm, nhưng mình vẫn như đang ở trong làng từng đêm với những giấc mơ lúc hiền lúc dữ bên cạnh những con người, những kỷ niệm cứ hư thực quấn quýt cùng nhau…
Khi hòa bình lập lại, mỗi mùa nước lụt lại phóng honda về quê để chèo ghe, kéo rớ, lội tìm nắm lá nghệ kho mớ cá rầm đất vừa mua được, rồi uống rượu gạo và nhắc chuyện cũ cùng bạn bè. Có lúc ghé lại chợ quê, mua thêm ít cá rô đồng về phố, gọi là quà quê mùa lụt. Cá rô đồng tháng mười đem nướng qua dưới than đỏ rồi bắc lên chảo chiên xù, chấm với nước mắm gừng thì bao nhiêu cơm cho đủ! Nói như Nam Cao khi ông tả món thịt chó - cá rô đồng chiên xù kiểu đó, chỉ mới nghe nhắc qua, nước chân răng tứa ra!...
…Và thương hiệu quê
Với tôi, có một kỷ niệm đẹp ở quê vào năm mẹ tôi mất và về yên nghỉ ở quê. Hàng tuần tôi đều đi viếng mộ mẹ với ít hoa quả mua ở chợ quê hoặc từ các vườn quê. Tình cảm người ở làng luôn chân thành. Ai cũng biết tôi làm hiếu sự, nên thường bán cho giá vốn hoặc nếu ở vườn, nhiều người không chịu lấy tiền, vì theo một ông cụ (tôi không tiện nêu tên): Họ cũng sẽ ấm lòng nếu sau này con cháu họ cũng luôn nghĩ đến các đấng sinh thành mà thôi!
Và bây giờ nghỉ hưu, tôi lại về quê mua đất làm nhà cùng với mảnh vườn con con, tự tay trồng các loại rau quả đủ ăn tứ thời. Đây cũng là giai đoạn mà dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu được phát hiện trong nhiều nguồn thực phẩm ở thành phố. Những quả cà xanh mượt, củ quả no tròn, miếng thịt tươi hồng ngoài chợ luôn ẩn chứa trong đó những tai họa ngộ độc và một xuất xứ mù mờ! Thế là cái gì người ta cũng thích kèm vào đó một chữ “QUÊ” cho an toàn. Gạo quê vẫn ngon hơn gạo Thái, mắm quê chắc là an toàn hơn mắm công nghiệp Nam Ngư, Chinsu gì đó mua trong siêu thị. Rau quê, gà quê, thịt heo quê được dán thành bảng chữ trước những quán ăn đông khách. Vợ bạn đi chợ mà nghe mời: “Chị ơi, mua giùm em mớ rau vườn quê trồng hay mớ tôm cá đánh lưới ở sông đầm quê đây!” thì không cần nhìn cũng mua ngay. Ngoài phố bây giờ có những xe máy bán hàng dạo, vẫn rao: “Bánh sạch (hoặc trái cây)… sản xuất ở Đại Lộc, Duy Xuyên (hay một huyện nào đó) không hóa chất, không thuốc trừ sâu, phân hóa học đây!”, thì ắt là bán chạy, cho dù thực hư ra sao chưa ai biết! Còn những gánh mì quê từ Phú Chiêm mà bán với rau sống Trà Quế, Nồi Rang, Tân Mỹ, Bồng Lai… ở Đà Nẵng từ mờ sáng thì khỏi nói!
Vậy là “thằng nhà quê” mấy chục năm trước của tôi cũng lên giá nhờ mảnh vườn con rau quả và mấy chú gà nuôi trong vườn. Bạn bè, đồng nghiệp ngoài phố cứ rủ nhau chủ nhật về “vườn ông Thắng”, sẵn rau sạch, gà sạch, chỉ cần mang thêm vài thùng bia! Mấy cô bạn gái, em gái, cháu gái cứ hỏi quắn lên: “Có món gì trong quê, cuối tuần ni nhớ mang ra cho em (cháu) một ít nghe!”. Miếng vườn nhỏ như cái… lỗ mũi ấy thì làm sao cung ứng cho đủ nhu cầu của cả “thế giới bạn bè, em cháu rộng lớn” ở phố của tôi! Vậy là có hôm sợ thất hứa, tôi phải sang vườn mấy chú em, mấy đứa cháu gần kề để… huy động thêm cho đủ nguồn hàng sạch của quê!
Té ra, cái lối miệt thị quê mùa mà thế hệ tôi đón nhận với không ít mặc cảm ngày xưa, giờ đã là thương hiệu, cũng như tình cảm chân thành và mộc mạc của người dân quê! Cuộc sống thật… vô thường là vậy!
Bút ký TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG