"Cái khó" của Khu công nghiệp Tam Thăng

TRỊNH DŨNG 25/05/2016 10:07

Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng đang đối diện với hai khó khăn lớn. Đó là không đủ mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án và khả năng sẽ thiếu hụt nguồn lao động.

Không kịp đáp ứng mặt bằng

KCN Tam Thăng đã thực sự “bùng nổ” với những dự án đầu tư lớn, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới cho vùng đông Tam Kỳ, có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngành dệt may. Theo công bố của Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai hôm 19.5.2016, tổng diện tích đã thực hiện thu hồi đất tại KCN Tam Thăng khoảng 125ha, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt gồm 13 đợt với tổng diện tích 90ha và rà phá bom mìn khoảng 138ha. Công ty đã hoàn thành 2km đường nội bộ KCN và hệ thống điện chiếu sáng. San nền tạo mặt bằng sạch khoảng 60ha, đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 1,6km đường nội bộ và khảo sát xây dựng các tuyến đường còn lại. Một khu dân cư - tái định cư Tam Thăng đã được chi trả bồi thường, tạo quỹ đất tái định cư được 13 lô và đầu tư xây dựng 6 căn nhà song lập phục vụ tái định cư. Hiện có 10 doanh nghiệp đầu tư vào KCN (90% doanh nghiệp FDI), tổng vốn đăng ký gần 200 triệu USD, diện tích sử dụng đất khoảng 92ha. Trong đó, 6 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư 135 triệu USD và 40 tỷ đồng Việt Nam…

Công nhân khẩn trương thi công các công trình, dự án tại KCN Tam Thăng.
Công nhân khẩn trương thi công các công trình, dự án tại KCN Tam Thăng.

Tốc độ thu hút đầu tư nhanh không thể lường trước được này đã khiến chủ đầu tư buộc phải hãm tốc độ thu hút, từ chối nhiều dự án ngành may của các nhà đầu tư khác, chỉ nhận các dự án nguyên phụ liệu, chờ ổn định cho các nhà đầu tư hiện tại rồi mới tính tiếp. “Ba mươi doanh nghiệp may Hàn Quốc bị đóng cửa ở Triều Tiên hay nhiều doanh nghiệp khác đến đăng ký, nhưng chúng tôi buộc lòng phải từ chối, hẹn họ đến tháng 3.2017 mới có thể tính toán được. Hạ tầng đường, điện, nước… chỉ vừa đủ để phục vụ cho các nhà đầu tư hiện tại” - ông Nguyễn Văn Chúng, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc  Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai nói.

Tuy nhiên, thực tế tiến độ đầu tư tại KCN Tam Thăng vẫn chậm do đền bù, giải tỏa chưa đủ đất, mặt bằng vẫn còn khá nhiều “da beo”, mặc dù đã nhiều lần thông báo, song trạm bê tông Xuân Thành dựng tại dự án nhà ở công nhân vẫn chưa rời địa điểm. Ông Mindul - Giám đốc dự án Fashion Garments cho biết, công ty đã bắt đầu xây dựng nhà máy, nhưng vướng một số hộ dân chưa thể di dời nên phải dừng dự án. Doanh nghiệp mong chính quyền giúp đỡ, nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công cho kịp tiến độ.

Thiếu hụt nguồn lao động

Ngoài chuyện giải phóng mặt bằng còn dở dang, thì chuyện thiếu hụt nguồn lao động là điều khiến cơ quan quản lý và doanh nghiệp “đau đầu”. Ông Nguyễn Văn Chúng cho hay, KCN Tam Thăng được xác định là KCN ngành may và phụ trợ ngành may. Tổng hợp số liệu từ các dự án đã triển khai và đăng ký đầu tư thì đến cuối năm 2018, KCN này sẽ sử dụng khoảng 30.000 lao động. Chỉ riêng số lao động dự kiến của 6/10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào KCN Tam Thăng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cần đến 21.425 lao động. Tuy nhiên, theo tính toán của các doanh nghiệp, hiện chỉ thu hút được 2.277 lao động, tạm đủ cho hiện tại, nhưng khả năng đến cuối năm 2016, chỉ có thể tuyển dụng được khoảng hơn 5.211 lao động. Dự báo lao động phục vụ cho các doanh nghiệp tại KCN này sẽ thiếu hụt trong những ngày tới, kể cả lao động quản lý. Đó là chưa kể tới lao động được tuyển dụng phần lớn là phổ thông, không tay nghề. Không còn cách nào khác, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Bắc Chu Lai đã buộc lòng phải tạm dừng thu hút các dự án may vào KCN này để bảo đảm lao động cho các nhà máy hiện tại. Ông Mindu - Giám đốc dự án Fashion Garments nói doanh nghiệp đã đầu tư ở Việt Nam hơn 22 năm qua với 4 nhà máy ở Đồng Nai. Họ có kinh nghiệm, hiểu người Việt Nam nên đã chuyển toàn bộ công nghệ đào tạo của doanh nghiệp từ Đồng Nai ra Quảng Nam. Ông đánh giá 500 lao động địa phương đang được công ty đào tạo có trách nhiệm, hiểu biết và ứng dụng nhanh các kỹ thuật của doanh nghiệp. Năm 2016, doanh nghiệp cần 1.000 lao động. Mỗi năm sẽ tăng thêm 1.500 lao động. Khi hoàn thành dự án cần 7.500 lao động, nhưng hiện tại không biết làm thế nào thu hút cho đủ số lượng.

Ông Trần Đình Quang - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng mặt bằng “da beo” thì không thể làm gì được, phải giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Ông Quang cho biết một trong vài ngày tới, đơn vị sẽ kiên quyết giải phóng các hộ dân không chịu di dời, dành đất cho Fashion Garments triển khai dự án. Riêng trạm bê tông Xuân Thành, thời gian tới, khi hoàn tất lượng bê tông cuối cùng cho dự án đường cứu hộ, cứu nạn sẽ không còn lý do gì để lần lữa chuyện di dời khỏi khu vực dự án nhà ở công nhân. Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ phối hợp với nhà đầu tư, cơ quan quản lý, trường đào tạo nghề để đào tạo công nhân lành nghề cho doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, chính quyền và cơ quan quản lý sẽ quyết liệt hơn trong giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án. Nhà đầu tư, cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo cần phải chủ động giải quyết đào tạo nghề phù hợp yêu cầu doanh nghiệp, thực hiện theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cái khó" của Khu công nghiệp Tam Thăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO